Việt Nam Trước Cơ Hội Từ Các Hiệp Định Thương Mại
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa các Hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới, trước hết là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn nước rút, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU)… dự kiến kết thúc đàm phán cuối năm nay.
Đây là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm bớt rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trải qua 20 vòng đàm phán và được kỳ vọng có thể hoàn tất vào cuối năm nay. Theo cam kết trong hiệp định, các nước thành viên sẽ phải xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu, trong đó khoảng 90% là xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Chỉ riêng các nước tham gia hiệp định này đã chiếm tới 40% tổng GDP và 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu. Nếu đàm phán, ký kết được hiệp định này, hàng hóa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản...
Trong đó, dệt may là một trong những ngành được dự báo có nhiều lợi thế khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được ký kết. Khoảng 1.000 dòng thuế đối với hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ (thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam) sẽ được cắt giảm dần về 0%, thay vì 18% như hiện nay.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may có thể duy trì từ 15% – 20%/năm và đến năm 2025, quy mô xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt trên 50 tỷ USD. Tuy nhiên, để gia nhập sân chơi chung này, dệt may Việt Nam phải đáp ứng được điều kiện nhất định, như quy tắc xuất xứ hàng hóa sử dụng nguyên liệu nội khối TPP.
Theo bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, đứng trước cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường, các doanh nghiệp ngành dệt may buộc phải đổi mới, đầu tư sản xuất nguyên liệu; tạo quy trình khép kín từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất – may; tăng tỷ lệ nội địa hóa và gia tăng giá trị sản phẩm, mới có thể tận dụng được lợi thế từ hiệp định TPP.
“Thách thức của dệt may Việt Nam là làm sao có được sản phẩm mà được sản xuất từ sợi ở Việt Nam. Và ngay cả những nước trong TPP cũng khó, nên chúng ta có cách là tăng cường sản xuất nguồn nguyên liệu ở Việt Nam. Nếu dự án đầu tư khâu nguyên liệu có thể phát triển từ giữa 2014 thì nó cũng là một trong những vấn đề giúp cho Việt Nam có thêm thuận lợi. Hiệp hội cũng đang chuẩn bị đào tạo, chuyển phương thức sản xuất từ gia công sang hiện đại như vậy sẽ tăng giá trị gia tăng sản phẩm”, bà Dung cho biết.
Bên cạnh hiệp định TPP, trong năm nay, Việt Nam còn tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại khác như: Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan.
Với nhiều ưu đãi về thuế quan, thông qua các hiệp định thương mại này, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, vốn đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, tới đây có thể đến được các thị trường tiềm năng khác.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, các yêu cầu khắt khe từ hiệp định thương mại này buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bước vào một “sân chơi” rộng lớn, hội nhập sâu vào khu vực và quốc tế:
“Các doanh nghiệp Việt Nam phải từ bỏ thói quen là dễ làm khó bỏ. Phải tự nâng cao đổi mới, chấp nhận cuộc cạnh tranh chứ không phải tham gia vào chuỗi giá trị mà lại nằm ở cuối chuỗi đó. Mấy chục năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội và thách thức để doanh nghiệp vươn lên. Doanh nghiệp phải đổi mới, sử dụng những hiệp định sắp ký kết để nâng cao giá trị của chúng ta”, ông Huỳnh chỉ rõ.
Mặt khác, lĩnh vực nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi. Với các ưu đãi thuế quan, các trang thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào và hàng tiêu dùng từ các nước đối tác hiệp định thương mại, đặc biệt từ các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến, có thể nhập khẩu vào Việt Nam với giá cả hợp lý hơn.
Chỉ tính riêng nhập khẩu 2 mặt hàng nhập khẩu điện tử và máy móc từ thị trường EU năm 2005 mới đạt 2,6 tỷ USD, sau 5 năm đã tăng lên 7,6 tỷ USD. Nếu hiệp định được ký kết, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp Việt Nam nhập sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp hơn, giảm dần tình trạng nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc, vốn gia tăng mạnh mẽ những năm gần đây.
Đứng trước cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại, Việt Nam đang tích cực đàm phán để đạt được những thỏa thuận có lợi cho việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Chủ trương của Chính phủ là mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới và các thị trường nhập khẩu mới để tránh phụ thuộc vào 1 đối tác. Việc tham gia đàm phán hiệp định, lợi ích cơ bản là mở cửa thị trường hàng hóa, tạo điều kiện cho những mặt hàng có lợi thế của chúng ta như dệt may, da giày, nông sản…thâm nhập với quy mô lớn hơn.
“Nếu quá trình đàm phán thành công, khả năng tăng xuất khẩu mặt hàng lợi thế sẽ tăng lên rõ rệt do ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính. Đây là nội dung căn bản mà chúng ta phải đạt được trong quá trình đàm phán. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng, tăng khả năng xuất khẩu, để qua đó xuất khẩu ngày càng ổn định và bền vững”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi ký kết được các hiệp định như TPP, hay FTA Việt Nam – EU, Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan, Việt Nam cần xây dựng chương trình xúc tiến cụ thể theo từng ngành hàng; lập quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ…
Để không bỏ lỡ cơ hội “vàng” từ các hiệp định, Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, da giầy, nông nghiệp…khai thác hiệu quả những lợi thế và tiềm năng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Related news
Theo các nhà vườn trồng tiêu tại Đồng Nai, hiện hạt tiêu đen các đại lý và thương lái đang hỏi mua với giá 186 - 190 ngàn đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 20 ngàn đồng/kg. Sở dĩ vừa thu hoạch xong vụ tiêu 2014 - 2015 mà giá tiêu vẫn cao ngất ngưởng là do nhu cầu sử dụng tiêu của thế giới năm nay tăng cao.
Ngày 4-4, tại TP.Vũng Tàu, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại hồ tiêu, với sự tham gia của đại diện 7 tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu thuộc vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, BR-VT, Bình Thuận).
Do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, độ mặn tăng cao và đến sớm so với năm 2014, trong khi một số hệ thống đê bao chưa khép kín nên nông dân, các cơ quan chức cũng gặp nhiều khó khăn trong chống đỡ. Do đó, một số diện tích lúa trong tỉnh Bến Tre đã bị thiệt hại.
Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tiến Đại Phát, ngụ xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương vừa tổ chức lễ khánh thành (ảnh) và chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với công suất trên 150.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 4 triệu USD.
Năm Căn (Cà Mau) là vùng có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản. Những năm qua, sản lượng năm sau đều đạt cao hơn năm trước, nhưng vẫn còn là mảnh đất màu mỡ, chưa khai thác hết. Có nhiều nguyên nhân tác động từ yếu tố khoa học - kỹ thuật, chất lượng con giống, thời tiết dẫn đến tôm, cua chết, năng suất đạt chưa cao.