Mở Kho Ký Gửi Cà Phê Doanh Nghiệp Và Nông Dân Cùng Thắng
Niên vụ cà phê 2013/2014, nhờ các DN đồng loạt mở kho cho nông dân ký gửi và hỗ trợ tới 70% giá trị lô hàng nên người dân đã không phải bán tống bán tháo với giá rẻ như trước đây.
Trước thềm niên vụ cà phê 2013-2014, người dân và giới kinh doanh cà phê đón nhận một tin không vui đó là chuyện Công ty Trường Ngân đem 3.360 tấn cà phê có giá trị 100 tỷ đồng đi thế chấp ở bảy ngân hàng để vay tổng cộng 600 tỷ đồng.
Vụ việc vỡ lở, khiến nhiều ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong việc cho các DN dùng cà phê thế chấp vay tiền, trong khi đó, mùa vụ cà phê lại đến gần.
Ngay sau đó, giá cà phê trên thị trường đang ở mức trên 2.200 USD/tấn, sau mấy tuần giảm giá hơn 500 USD, chỉ còn chưa đến 1.700 USD/tấn. Dĩ nhiên, giá cà phê trên thị trường nội địa cũng giảm giá mỗi ngày, có lúc chạm mốc 30.000 đồng/kg.
Lúc này, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) bằng cách này hay cách khác liên tiếp đưa ra kiến nghị với Chính phủ để có một chương trình tạm trữ khoảng 300.000-400.000 tấn cà phê bằng hình thức cho vay tiền có hỗ trợ lãi suất như tạm trữ gạo.
Chuyện tạm trữ đã được Bộ NNPTNT xem xét, vì lúc đó, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cho biết sẽ chỉ tính đến chuyện tạm trữ nếu khi nào giá bán thấp hơn giá thành.
Thời điểm ông Hòa đưa ra ý kiến là giá cà phê đang ở mức 32.000 đồng/kg. Nếu khi đó, chỉ cần giá giảm thêm vài nghìn đồng nữa, chắc chắn sẽ phải tính đến chuyện tạm trữ để hỗ trợ hàng triệu nông dân trồng cà phê.
Trong khi, các DN cà phê trong nước “ngồi chờ” Chính phủ chấp nhận cho mua tạm trữ thì một số ngân hàng đã nhanh nhạy “nhảy vào” cuộc chơi. Mô hình của HDbank là trực tiếp xây dựng và quản lý một hệ thống kho lưu giữ cà phê ở Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Nông dân, DN muốn vay tiền chỉ việc đưa cà phê đến ký gửi và có thể vay đến 80% giá trị lô hàng bằng tiền đồng hoặc USD với thời hạn 6 tháng.
Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng nhận thấy đây là giá tốt, có thể mua vào nên đã thông qua các đại lý, DN trung gian để gom một lượng lớn cà phê trên thị trường. Còn DN cà phê trong nước, với số nợ ngân hàng đang lên đến 3.000 tỷ đồng đã đến hạn phải trả nên gần như phải đứng ngoài cuộc vì thiếu tiền.
Thắng vì dòng vốn được khơi thông
Nhờ chỉ đạo của Chính phủ cho phép DN kinh doanh nông sản, trong đó cà phê được kéo dài thời gian trả nợ lên 36 tháng, các DN cà phê bắt đầu mở kho cho nông dân ký gửi (không cần chốt giá), hỗ trợ 70% giá trị lô hàng với lãi suất 5-7%/năm. Do đó, người dân không phải bán tống, bán tháo với giá rẻ như trước đây, qua đó giúp người trồng cà phê yên tâm sản xuất.
Ông Lê Hữu Mai, một người dân trồng cà phê ở thôn 12, Cư Ni, huyện Eakar (Đăk Lăk), cho biết trong vụ cà phê vừa qua, gia đình thu hoạch được hơn 4 tấn cà phê nhân, nhưng lúc đó, do giá thấp quá nên đem đến DN quen biết để ký gửi.
“Thường các DN này cho chúng tôi ký gửi cà phê, rồi cho vay tiền về nhà xài hoặc không cứ gởi và khi nào muốn bán thì họ mua lại. Do giá thấp nên tôi gửi và vay tiền của DN quen để chi tiêu, nay giá lên đến 40.000 đồng/kg, tôi điện thoại đồng ý bán rồi đến lấy tiền về”, ông Mai nói.
Chính nhờ việc giữ cà phê không bán ra, sau mấy tháng giảm liên tục thì vào đầu tháng 3, giá cà phê thế giới đã tăng trở lại và đạt mức 2.000-2.100 USD/tấn, kéo theo giá cà phê trong nước tăng lên gần 40.000 đồng/kg. Nông dân quyết định bán ra, còn phía DN là dịp xuất cà phê ra thị trường với số lượng lớn.
Bằng chứng, chỉ trong tháng 3, lượng cà phê xuất khẩu của DN Việt Nam lên đến 274.009 tấn, giá trị thu về đạt 558 triệu USD, đưa lượng cà phê xuất khẩu của cả quý I/2014 đạt 601.000 tấn, giá trị đạt 1,17 tỷ USD, tăng gần 25% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ 2013.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, nhờ DN mở kho để cho nông dân ký gửi nên khi được giá, DN chủ động được số lượng lớn để xuất bán ngay, thay vì phải đi mua từ nông dân rồi mới bán ra thị trường sẽ đánh mất cơ hội bán giá tốt.
Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Phó Chủ tịch thường trực Vicofa, cho biết trong thời gian qua, khi giá thấp nhiều DN đã mở kho cho nông dân đến ký gửi nhưng chưa ấn định giá. Và mỗi tấn cà phê ký gửi ở kho, nông dân được nhận tiền trước, khoảng 70% giá trị vào thời điểm đó.
“Hiện công ty đang có một số lượng lớn cà phê do bà con nông dân gửi và chưa chốt giá, khi nào bà con nông dân cảm thấy muốn bán thì chúng tôi mua lại còn không họ cứ gửi trong kho đến khi nào cũng được”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, hiện chưa có số liệu thống kê lượng cà phê mà các DN mở kho để cho nông dân gửi là bao nhiêu nhưng hầu như tất cả các DN kinh doanh và xuất khẩu cà phê trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên đều có cà phê ký gửi của nông dân.
Related news
Chiều 30.9, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016-2020, dưới sự chủ trì của Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.
Không chỉ “hạ nốc ao” trái cây Việt ngay trên sân nhà, trái cây Thái Lan còn chiếm luôn thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lục Nam, toàn huyện hiện có gần 1,5 nghìn ha dẻ gần trăm năm tuổi. Năm nay sản lượng hạt dẻ ước đạt hơn 1 nghìn tấn, mang về cho người dân khoảng 20 tỷ đồng.
Đang mùa mưa lũ, chất lượng nước không đảm bảo, môi trường nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển nhiều. Lên kế hoạch phòng trị bệnh trên cá tra nuôi thời điểm này là rất cần thiết.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, 5 năm qua, toàn tỉnh đã bê tông hóa hơn 1.800km đường nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ đường nông thôn được bê tông và nhựa hóa lên 70%.