Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mở Hướng Cho Nghề Nuôi Cá Tra

Mở Hướng Cho Nghề Nuôi Cá Tra
Publish date: Friday. June 15th, 2012

Làm sao để con cá tra Hậu Giang phát triển bền vững, giúp người dân thực sự yên tâm sản xuất theo định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu cá tra trong thời gian tới là điều cần phải bàn ngay từ bây giờ.

Theo định hướng quy hoạch vùng nuôi cá da trơn trên địa bàn tỉnh của ngành nông nghiệp Hậu Giang thì trong vài năm tới, các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy sẽ trở thành vùng trọng điểm cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến cá tra trong và ngoài tỉnh, với quy mô diện tích thả nuôi khoảng 800 ha vào năm 2015.

Tổ chức lại sản xuất

Ngoài điều kiện tự nhiên ưu đãi thì người nuôi cá Ngã Bảy còn được tập huấn kỹ thuật, cùng các biện pháp phòng trị bệnh cho ao cá như kỹ thuật nuôi cá tra theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (SQF), VietGAP… mang lại hiệu quả cao. Đáng ghi nhận là chính sách cho vay vốn nuôi cá của ngân hàng được thông thoáng hơn nên nông dân tiếp cận được nguồn vốn nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông Lê Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy, các hộ nuôi cá tra trên địa bàn chủ yếu phân tán, quy mô diện tích nhỏ lẻ, trung bình 1.000 - 2.000 m2/ao. Cho nên việc quản lý chăn nuôi, nhất là bảo vệ môi trường, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để cung cấp cho các doanh nghiệp thu mua, nhà máy chế biến sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Diện tích nhỏ lẻ, thiếu tập trung là rào cản phát triển của nghề nuôi cá tra Hậu Giang.

Không riêng gì thị xã Ngã Bảy, mà người dân ở các địa phương khác là Châu Thành và Phụng Hiệp cũng thả nuôi nhỏ lẻ, thiếu tập trung, thậm chí ở những khu vực vùng sâu, vùng xa không đảm bảo yêu cầu vận chuyển. Cho nên, ngày càng làm ô nhiễm nguồn nước, phát sinh nhiều dịch bệnh trên ao cá. Đặc biệt là gặp rất nhiều trở ngại trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với các công ty, doanh nghiệp là chuyện đương nhiên. Từ đó, vấn đề đặt ra ở đây là người nuôi cá tra của tỉnh cần liên kết sản xuất để tạo vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng sản phẩm đồng nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Truyên, Trung tâm Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng VI, cho rằng: Từng hộ nuôi sẽ áp dụng một quy trình sản xuất, cách chăm sóc khác nhau nên chất lượng cá giữa các ao nuôi chắc chắn sẽ không đồng nhất. Trong khi yêu cầu quản lý về chất lượng sản phẩm, nhất là dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm của thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Vì vậy, người nuôi cá trong tỉnh cần liên kết lại để cùng nhau sản xuất ra sản lượng lớn cá tra nguyên liệu có chất lượng đồng nhất theo một quy trình sản xuất thân thiện với môi trường như tiêu chuẩn VietGAP. Vì khi liên kết lại thì đại diện của một tập thể các hộ nuôi cá sẽ dễ dàng ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, hoặc hợp tác với các nhà cung cấp thức ăn, vật tư thủy sản về con giống, thuốc thú y và ngân hàng. Nhờ vậy, người dân có thể chủ động được nguồn vốn, con giống tốt và giảm giá thành sản xuất ngay từ đầu vụ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đặng Ngọc Giao, đánh giá: Tiềm năng nghề nuôi cá tra của tỉnh rất lớn, nhưng tại sao chưa thể phát triển lớn mạnh được như các tỉnh khác trong vùng. Một phần cũng là do đại bộ phận diện tích thả nuôi trong dân nhỏ lẻ, không tập trung ở những nhánh sông lớn, kênh rạch trên địa bàn. Toàn tỉnh có chưa đầy 200 ha, nhưng có đến 250 hộ nuôi, trong đó doanh nghiệp đã chiếm 40% tổng diện tích. Chưa kể là có nhiều hộ nuôi cá tra ở những nơi không có điều kiện vận chuyển, chất lượng nguồn nước không đảm bảo,…

 Đẩy mạnh liên kết 4 nhà

Thực tế cho thấy, người nuôi cá tra của tỉnh còn lệ thuộc rất nhiều vào thị trường. Chỉ biết thả nuôi chứ chưa thể chủ động được chất lượng, đầu ra sản phẩm, chưa kể là hàng loạt các hạn chế khác như về thức ăn, giống cá tra, thuốc thủy sản,... chưa được kiểm soát. Từ đó, người nuôi cá tra ở Hậu Giang chưa thể an tâm đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Ông Đặng Ngọc Giao, yêu cầu phải có cả điều kiện cần là đầu tư nguồn vốn đủ lớn, chất lượng giống tốt, kỹ thuật chăm sóc nhất định,… và điều kiện đủ là giá cả và đầu ra cho sản phẩm.

Hiện Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Long Phú đã có kế hoạch tạo nguồn nguyên liệu bằng cách hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thực hiện liên kết 4 nhà, bảo đảm đầu ra cho con cá tra từ tháng 12-2011 với hàng chục hộ nuôi cá tra, chủ yếu ở Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy. Tương tự theo cách làm này, HTX Đại Thắng, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy cũng đang xúc tiến kế hoạch hợp tác sản xuất với Công ty Thuận Hưng. Toàn HTX, có diện tích 28 ha ao nuôi, sản lượng 2.000 tấn/năm và nhu cầu thức ăn cho cá cần đến 3.000 tấn/năm.

Ông Phạm Hùng Minh, Phó Chủ nhiệm HTX Đại Thắng, cho biết: Bên cạnh thực hiện kế hoạch đứng ra mua thức ăn trực tiếp từ công ty để bán lại bằng với giá đại lý, giúp xã viên hưởng lợi từ chiết khấu của công ty và được chia lãi theo cổ phần góp vốn, HTX còn cùng với ngành chức năng thị xã tiến hành thương thảo hợp đồng với Công ty Thuận Hưng để đi đến thống nhất về mức giá sàn bao tiêu sản phẩm tối thiểu khoảng 22.000 đ/kg. Trước mắt, Công ty Thuận Hưng đồng ý thu mua cá thành phẩm theo giá thị trường và thanh toán dứt điểm bằng tiền mặt từ 10 - 15 ngày sau khi nhận hàng.

Thế nhưng, để mối liên kết 4 nhà thực sự mang lại hiệu quả tốt, trước hết đòi hỏi những người nuôi cá tra mạnh dạn liên kết sản xuất lại với nhau thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi cá tra. Vì theo Sở NN&PTNT tỉnh, liên kết 4 nhà là khâu bắt buộc nếu người dân muốn tồn tại. Trường hợp người nuôi cá không ký kết được đầu ra sản phẩm thì ngành nông nghiệp không khuyến cáo thả nuôi. Ngoài ra, do đặc tính thả nuôi nhỏ lẻ nên bên cạnh liên kết 4 nhà thì người dân phải chủ động tổ chức lại sản xuất thông qua các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, HTX. Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Long Phú Võ Thị Kim Hằng, cho rằng: 4 mắc xích quan trọng trong mối liên kết 4 nhà là ngân hàng, người nuôi cá, nhà cung cấp thức ăn và doanh nghiệp thu mua. Nếu liên kết chặt chẽ 4 mắc xích này lại thì bước đầu giải quyết được vấn đề khó khăn, vướng mắc của quá trình sản xuất và tiêu thụ cá tra trong thời gian qua. Bởi chỉ với chính sách giá sàn sẽ đảm bảo được việc bảo tồn vốn giúp người nuôi cá có khả năng 
tái sản xuất, nhưng muốn thực hiện tốt vấn đề liên kết này, cần sự nỗ lực của cả 4 nhà trên tinh thần hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiến hành xây dựng quy hoạch vùng nuôi cá da trơn với quy mô diện tích khoảng 800 ha. Trong đó, diện tích mặt nước thả nuôi ở 3 địa phương là huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy khoảng 400 ha vào năm 2015, sản lượng cá khoảng 150.000 tấn.

Related news

Hai mặt của ngành chăn nuôi Hai mặt của ngành chăn nuôi

Trong khi ngành chăn nuôi và thủy sản chịu tác động mạnh bởi diễn biến thị trường thì các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) gần như không hề hấn gì, thậm chí, mỗi ngày một mở rộng.

Thursday. May 21st, 2015
Thu mua cá sấu non coi chừng sập bẫy chiêu trò của thương lái Trung Quốc Thu mua cá sấu non coi chừng sập bẫy chiêu trò của thương lái Trung Quốc

Hơn 2 tháng qua, ở Bạc Liêu xuất hiện nhiều thương lái lùng sục từng nhà dân tìm mua cá sấu loại từ 2 - 5kg khiến loại cá này hút hàng và tăng giá bất thường. Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, đây có thể là chiêu trò phá hoại kinh tế của thương lái Trung Quốc. Người gây nuôi cá sấu nếu không tỉnh táo sẽ sập bẫy khiến cho thị trường cá sấu bị lũng đoạn, kéo theo sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai.

Thursday. May 21st, 2015
Hạn chế ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa Hạn chế ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa

Sau những ngày nắng nóng, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa, ảnh hưởng rất lớn đến việc tôm nuôi. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần chủ động các biện pháp nhằm ổn định môi trường nước phục vụ sản xuất.

Thursday. May 21st, 2015
123 hộ gia đình, cá nhân xin nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn 123 hộ gia đình, cá nhân xin nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn

Theo tin từ UBND TP. Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn thành phố có 123 hộ gia đình, cá nhân làm đơn xin nuôi trồng thủy sản tại xã Long Sơn. Tuy nhiên do Quy hoạch chi tiết 1/2000 khu nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và chưa được UBND tỉnh phê duyệt, nên UBND TP. Vũng Tàu chưa có cơ sở để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và.

Thursday. May 21st, 2015
Hiệu quả từ mô hình tôm - rừng Hiệu quả từ mô hình tôm - rừng

Với gần 4.000ha rừng phòng hộ nằm trải dài ven bờ biển của tỉnh Bạc Liêu, rất thích hợp cho việc nuôi trồng các loài thủy sản dưới tán rừng. Nhiều hộ dân nhận khoán đất rừng áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng đã có cuộc sống sung túc.

Thursday. May 21st, 2015