Mô hình xoài ghép ở Hát Lót Sơn La
Kết quả thu nhập gần 500 triệu đồng/ha. Vụ vừa qua, xoài được mùa, cho thu nhập ngoài sự mong đợi của người dân.
Vườn xoài ghép cải tạo từ gốc xoài địa phương tại bản Noong Xôm, xã Hát Lót.
Chúng tôi tới bản Noong Xôm (Hát Lót) lúc gia đình ông Nguyễn Bá Thành vừa dọn xong cành vườn xoài mới thu hoạch. Gạt những giọt mồ hôi còn vương đầy trên trán, ông Thành chỉ vào những cây xoài xanh tốt trên triền dốc khoe với chúng tôi: vườn xoài nhà tôi rộng 1 ha, nhưng vì năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập kinh tế thấp nên đến năm 2011, tôi đã ghép cải tạo dần diện tích sang giống xoài Đài Loan.
Những cây ghép năm thứ 4 đã cho thu hoạch gần 1 tạ quả/cây, cả vườn năm nay cho thu hơn 20 tấn quả. Với giá bán tại vườn giao động từ 18.000 - 28.000 đồng/kg, tôi đã thu gần 500 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng lãi hơn 300 triệu đồng.
Được biết, vụ vừa qua, ở các huyện: Mường La, Phù Yên, Yên Châu xoài chỉ bán được giá từ 5.000 - 15.000 đồng/kg. Trong khi ở xã Hát Lót (Mai Sơn) các thương lái đến tận vườn xoài ghép thu mua với mức giá cao, có thời điểm được gần 30.000 đồng/kg. Quả xoài giống Đài Loan to, trọng lượng trung bình từ 1 - 1,5 kg/quả, thịt dầy, hạt mỏng, thơm và ngọt nên được các nhà hàng, siêu thị ưa chuộng.
Ông Đào Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Hát Lót cho biết: xã có 300 ha cây ăn quả, thì cây xoài chiếm tới 70% diện tích, trong đó bản Nà Cang và bản Noong Xôm trồng nhiều nhất. Cách đây khoảng 5 năm, 100% xoài ở đây là giống xoài địa phương, quả bé, năng suất thấp và tiêu thụ rất khó khăn.
Nhưng từ năm 2011 đến nay, người dân trên địa bàn xã bắt đầu ghép giống xoài Đài Loan có sức sinh trưởng vượt trội so với các giống xoài khác, thời gian thu hoạch quả lại khá muộn và kéo dài nên bán được giá cao.
Bên cạnh đó, một số hộ dân còn trồng xen cây xoài ghép trong vườn cà phê cho thu nhập kép.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Chí Hải, bản Noong Xôm, trồng xen cây xoài trong vườn cà phê rộng 7.000m2, năm nay thu được 7 tấn xoài, bán được 140 triệu đồng. Anh Hải cho biết: so với các loại cây khác, như: mơ, mận, nhãn, cam, muồng... thì cây xoài ghép trồng trong vườn cà phê phù hợp hơn, do tán cây cao, thưa, thân cây có nhiều nhựa, dễ đâm sâu và bám chặt vào đất nên chịu được hạn, ít tranh chấp nước và chất dinh dưỡng với cây cà phê.
Hiện nay, tỉnh ta có hơn 18.000 ha cây ăn quả; trong đó diện tích xoài đạt gần 3.500 ha, chiếm 19% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Tuy nhiên, năng suất giống xoài địa phương mới chỉ đạt hơn 3 tấn/ha và sản lượng toàn tỉnh đạt hơn 11.000 tấn/năm.
Do quả bé, chất lượng và mẫu mã không đồng đều nên quả xoài ở tỉnh ta cho giá trị kinh tế thấp, không xuất khẩu được. Nguyên nhân chủ yếu là do bà con trồng xoài vẫn theo phương pháp gieo hạt truyền thống, giống xoài không được tuyển chọn, không rõ nguồn gốc và chưa áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào việc trồng, chăm sóc cây xoài.
Với mô hình ghép cải tạo giống xoài địa phương bằng giống xoài Đài Loan ở xã Hát Lót (Mai Sơn) đã mở ra một cách làm mới, giúp người nông dân có thu nhập kinh tế cao. Đây là mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, có thể nhân rộng để cải tạo vườn cây ăn quả có năng suất cao, chất lượng tốt và hướng tới thị trường xuất khẩu.
Related news
Trong khi vải miền Bắc thừa ứ thì các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, loại quả này cũng dày đặt từ các sạp trái cây ở chợ, siêu thị cho đến lề đường.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện tình trạng thương lái nước ngoài thu mua con banh lông với giá cao nên một bộ phận ngư dân đã đầu tư nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ khai thác con banh lông; tuy nhiên việc thu mua sản phẩm của thương lái nước ngoài rất bấp bênh, giá cả không ổn định, nguy cơ rủi ro cao.
Sản lượng cá ngừ khai thác được lớn, nhưng giá sản phẩm thấp, dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, nên đa số các tàu hòa vốn hoặc lỗ, một số ít tàu có lời nhưng ở mức thấp.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP Hồ Chí Minh triển khai dự án “Chăn nuôi bò giống, bò thịt tại tỉnh Lâm Đồng”.
Theo chân anh Nguyễn Xuân Danh cán bộ Nông lâm ngư diêm nghiệp xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ ở thôn 1, xã Xuân Hải với gần 7 năm trong nghề nuôi hải sâm kết hợp với tôm sú cho hiệu quả.