Mô hình phòng trị bệnh trên tôm hùm nuôi đạt hiệu quả
Dự án “Xây dựng mô hình phòng trị bệnh sữa và đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng hiệu quả” do ThS. Võ Thị Ngọc Trâm – Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) làm chủ nhiệm sau hơn 3 năm triển khai đã cho thấy hiệu quả.
Theo ThS. Võ Thị Ngọc Trâm, tôm hùm nuôi lồng là một trong những đối tượng nuôi chính tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có giá trị cao, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân ven biển. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh số lượng lồng bè nuôi, diễn biến thời tiết bất lợi, bệnh trên tôm hùm nuôi lồng thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi tôm hùm lồng. Trong đó, đối với bệnh sữa và đỏ thân, việc chữa trị của người nuôi chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi. Trong khi hai bệnh này đã xây dựng được giải pháp kỹ thuật điều trị và công bố rộng rãi.
Vì vậy, dự án trên là giải pháp bảo đảm xây dựng các vùng nuôi tôm hùm lồng theo hướng bền vững, khống chế được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác hại đến môi trường, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong hơn 3 năm triển khai, dự án đã thực hiện thành công 9 mô hình trình diễn tại 4 vùng nuôi tôm hùm lồng tập trung thuộc 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Các mô hình của dự án được áp dụng theo tiến bộ kỹ thuật “Giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng”, mã hiệu TBKT 03-02:2017/BNNPTNT do PGS, TS Võ Văn Nha – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III là tác giả công trình, đã được Tổng cục Thủy sản công nhận.
Kết quả nghiệm thu các mô hình cho thấy, tôm hùm bông đạt khối lượng trung bình hơn 800g/con, tỷ lệ sống đạt 87,8 – 93,5%; tôm hùm xanh đạt khối lượng trung bình hơn 400g/con, tỷ lệ sống đạt 90,0 – 92,1%. Kết quả của mô hình hoàn toàn kiểm soát được tình trạng tôm hùm chết số lượng lớn do bệnh sữa/đỏ thân ở các lồng nuôi; từ đó ngăn chặn lây lan bệnh sữa, đỏ thân đến các lồng nuôi/hộ nuôi lân cận, giảm thiểu dịch bệnh xảy ra ở vùng nuôi.
Dự án đã tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật dành cho những người tham gia và không tham gia mô hình; 9 hội thảo tổng kết và 9 hội thảo đầu bờ tại các địa phương thực hiện mô hình với hơn 800 đại biểu và người nuôi tôm hùm tại các địa phương tham dự. Từ đó, tuyên truyền đến người dân giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng áp dụng tại mô hình. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển trong cộng đồng người nuôi tôm hùm tại địa phương.
PGS, TS Nguyễn Hữu Ninh – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp bộ nhận định, tôm hùm nuôi tại các mô hình có tỷ lệ khỏi bệnh sữa lớn hơn 90%, tỷ lệ khỏi bệnh đỏ thân hơn 80%; bệnh sữa, bệnh đỏ thân xuất hiện dưới 30%/vụ nuôi; tỷ lệ sống hơn 85%; cỡ thu hoạch tôm hùm xanh hơn 400 g/con, tôm hùm bông hơn 800g/con. Mô hình được quản lý khoa học, việc sử dụng kháng sinh có kiểm soát, tránh tình trạng kháng kháng sinh xảy ra ở nhiều vùng nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Related news
Thả tôm giống đúng cách được xem là sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm.
Cá mè hôi là đối tượng nuôi tiềm năng và có giá trị kinh tế cao, phù hợp với ao có diện tích nhỏ
Theo các chuyên gia, cần xây dựng vùng ương nuôi tôm hùm giống để dễ kiểm soát chất lượng. Giải quyết được điều này sẽ không phụ thuộc nguồn giống tự nhiên