Cơ hội cho giống tôm hùm bông
Tôm hùm là một trong những loại thực phẩm cao cấp, được ưa chuộng trên nhiều thị trường, là đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cùng với tôm hùm xanh thì tôm hùm bông là một trong hai đối tượng nuôi chủ lực.
Đặc điểm sinh học
Tôm hùm bông (Panulirus ornatus), có vỏ láng màu xanh nước biển pha lá cây, phần đầu và gai có đốm màu cam, giữa vỏ lưng các đốt bụng có 1 dãy ngang màu đen hoặc nâu đen tương đối rộng và có 1 hoặc 2 đốm màu kem hay trắng sáng thành cặp tương ứng ở 2 mặt bên đốt bụng. Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, đặc biệt phân bố nhiều ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Chúng thường sống ở các bãi đá, rạn san hô nơi có nhiều hang hốc, khe rãnh ven biển. Tập tính sống chủ yếu là ở tầng đáy với chất đáy sạch, không bùn.
Tôm hùm bông sống thích hợp ở các vùng biển có độ mặn từ 30 – 36‰, nhiệt độ từ 25 – 320C. Đây là loại động vật ăn tạp, trong tự nhiên chúng ăn chủ yếu là các loại động vật như: Cá, tôm, cua ghẹ, cầu gai, giáp xác nhỏ, nhuyễn thể… Ngoài ra, còn ăn các loại thực vật như rong rêu, chúng thường có tập tính bắt mồi tích cực vào ban đêm và tờ mờ sáng. Còn đối với tôm hùm bông nuôi hiện nay được cho ăn thức ăn công nghiệp dạng viên hoặc cá tạp. Tôm hùm bông sinh sản rải rác quanh năm, nhưng mùa vụ chính từ tháng 8 – 9 hàng năm. Sức sinh sản tương đối lớn và chúng có thể đẻ nhiều lần trong một năm.
Phụ thuộc nhiều vào tự nhiên
Tôm hùm bông là một trong bảy loài tôm hùm phân bố ở vùng biển Việt Nam. Với những ưu điểm nổi trội như tăng trưởng nhanh, kích thước lớn, chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao so các loài khác, tôm hùm bông là đối tượng nuôi đã được nhiều người dân lựa chọn. Chính vì vậy, việc nuôi tôm hùm bông ngày càng phổ biến và phát triển chủ yếu ở các vùng biển có độ mặn cao như: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nghề nuôi tôm hùm bông phát triển dẫn đến nhu cầu cung cấp giống ngày càng cao. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của nuôi tôm hùm bông là vẫn chưa sản xuất được giống nhân tạo mà phải phụ thuộc vào khai thác từ tự nhiên và nhập khẩu. Nguồn giống khai thác tự nhiên thường không ổn định do phụ thuộc mùa vụ, diễn biến thời tiết và môi trường biển. Ngoài ra, một lượng không nhỏ tôm hùm giống bị chết do ngư dân sử dụng ánh sáng kết hợp với lưới; tận thu tôm hùm có kích thước nhỏ; phương pháp vận chuyển, lưu giữ và ương tôm giống chưa phù hợp… là những nguyên nhân khiến cho nghề nuôi hôm hùm bông phát triển thiếu bền vững.
Khai thác đi đôi với tái tạo
Những năm qua, sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông vẫn chưa thành công vì thời gian biến thái ấu trùng quá dài dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình nghiên cứu. Mặc dù vậy, đến nay nghề khai thác tôm hùm con ngoài tự nhiên vẫn phát triển. Tuy nhiên, công đoạn ương nuôi con giống còn nhiều bất cập trong việc sử dụng thức ăn, mật độ cũng như chế độ quản lý, chăm sóc. Tỷ lệ sống chưa cao, không ổn định cũng như tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh. Xuất phát từ thực tế trên, Viện Nghiên cứu NTTS III đã thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống của tôm hùm bông giống giai đoạn ương nuôi”. Kết quả cho thấy, để đảm bảo tỷ lệ sống cao thì thời gian lưu giữ tôm sau khai thác càng ngắn càng tốt. Cụ thể, sau 75 ngày nuôi, tỷ lệ sống tôm hùm giống đạt 90,67% với nguồn tôm hùm giống sau 24 giờ lưu trữ, trong khi đó tỷ lệ sống chỉ đạt 53,76% với thời gian lưu trữ là 72 giờ. Ngoài ra, việc ương nuôi tôm hùm giống ngay tại vùng khai thác trong thời gian ngắn (10 ngày) cũng mang lại kết quả tốt cho việc ương nuôi tôm hùm giống sau này (tỷ lệ sống đạt 91,67% sau 75 ngày nuôi). Kết quả này góp phần nâng cao tỷ lệ sống, đồng thời có thể xây dựng quy trình, mô hình ương nuôi để đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng con giống phục vụ cho nuôi tôm hùm lồng thương phẩm.
Đặc biệt, ngày 5/11/2020, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”; trong đó, xác định tập trung vào 2 đối tượng chủ lực là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Theo đó, ưu tiên nhập công nghệ, từng bước chủ động nguồn tôm hùm giống thông qua nâng cao hiệu quả ương nuôi tôm giống, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống và phát triển các vùng sản xuất giống tập trung. Song song với phát triển cần nghiên cứu xây dựng các mô hình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tôm hùm giống ngoài tự nhiên và kỹ thuật khai thác bền vững tôm hùm giống.
Theo các chuyên gia, cần xây dựng vùng ương nuôi tôm hùm giống để dễ kiểm soát chất lượng. Giải quyết được điều này sẽ không phụ thuộc nguồn giống tự nhiên và nhập khẩu từ bên ngoài.
Related news
Lươn nuôi thấy có các đám sợi hình bông trắng bám vào mình, bỏ ăn, xin hỏi lươn bị bệnh gì và cách điều trị? (Nguyễn Văn Chỉnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh)
Thả tôm giống đúng cách được xem là sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm.
Cá mè hôi là đối tượng nuôi tiềm năng và có giá trị kinh tế cao, phù hợp với ao có diện tích nhỏ