Mô Hình Nuôi Thủy Sản Tập Trung Thiếu Hiệu Quả

Sau 4 năm triển khai, đề án “Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm” vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Sau khi Quyết định 1652/QĐ-UBND của UBND tỉnh được ban hành ngày 21.5.2010, đề án “Xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm” được triển khai tại các địa phương Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Hội An.
Đích đến là hình thành vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm “sạch” đáp ứng thị trường, qua đó phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, thực tế các vùng nuôi tôm nước lợ được triển khai theo đề án vào thời điểm này là thiếu hiệu quả.
Thiếu an toàn
Từ tháng 3 đến 5.2014, ngành chuyên môn xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các thôn Đông Bình, Hà My Thượng và Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) với khoảng 30ha. Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, trước khi tiến hành nuôi, nông dân được tập huấn về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, mô hình nuôi tôm hiệu quả...
Công tác giám sát vùng nuôi, hỗ trợ hóa chất và men vi sinh cũng được triển khai. Mô hình đã đem lại hiệu quả về nhiều mặt: năng suất được nâng cao (trung bình 1,5 tấn/ha/vụ); các yếu tố môi trường ao nuôi được quản lý tốt hơn đã hạn chế được các bệnh xảy ra trong quá trình nuôi.
Tuy nhiên, ông Võ Đăng Thành (thôn Vĩnh Nam), một trong các hộ tham gia mô hình cho biết: “Các nội dung được ngành chức năng triển khai trong quá trình nuôi tôm chỉ mang tính… trình diễn vì quá xa vời với điều kiện nuôi tôm của các hộ dân.
Chúng tôi nghe nói nhiều về các tiêu chí quy phạm thực hành quản lý tốt hơn, quy phạm thực hành nuôi bền vững nhưng không hiểu chi(!?). Điều chúng tôi quan tâm nhất là kiện toàn lại hệ thống thủy lợi nhưng lại không được đầu tư. Mình nuôi tôm có vụ được, vụ mất do công trình nuôi thiếu chắc chắn”.
Còn ông Võ Đăng Bàn (thôn Đông Bình) thì cho biết: “Từ bao năm nay, các hộ dân chúng tôi nuôi tôm thành công hay thất bại đều do tự thân vận động. Có vụ nuôi may mắn, cũng có vụ nuôi gặp rủi ro.
Khi mình không quyết định được môi trường ao nuôi có phát sinh các yếu tố gây hại hay không thì không chắc chắn tôm nuôi sinh trưởng tốt hay nhiễm bệnh”.
Cũng trong năm 2014 này, mô hình nuôi tôm an toàn được triển khai tại xã Tam Hòa (Núi Thành). Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, mô hình được triển khai trên 20ha với sự tham gia của 50 hộ dân trên địa bàn 2 thôn Hòa An và Hòa Bình.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, mô hình chỉ được triển khai tại gia đình ông Trần Công Thành (thôn Hòa An) bởi đây là hộ nuôi tôm theo hướng công nghiệp, có điều kiện ao nuôi đảm bảo. Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ngành chức năng cho biết, do việc thu mẫu kiểm tra môi trường ao nuôi dàn trải nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất.
Đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền trên địa bàn cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi như hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải thích hợp. Có vậy mới tạo điều kiện cho việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn được phát triển ổn định và bền vững.
Chưa đầu tư hạ tầng
Theo đề án “Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm”, phấn đấu đến năm 2011, 50% người nuôi thủy sản của tỉnh hiểu biết đúng và thực hành việc nuôi tôm an toàn, nhất là ở các vùng nuôi tập trung; đến năm 2015, các tiêu chí này đạt 80% và phấn đấu đạt 100% vào năm 2020.
Đến năm 2011, xây dựng 10 vùng nuôi an toàn dịch bệnh, quy mô 30ha/vùng; năm 2015, xây dựng thêm 20 vùng nuôi an toàn và đến năm 2020, có 70 vùng nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phấn đấu đến năm 2012, 10 vùng nuôi sẽ áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và đến năm 2015 trên 50% diện tích nuôi thủy sản tập trung sẽ áp dụng quy chuẩn quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bốn năm qua, đề án “Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và an toàn dịch bệnh” được triển khai tại 4 địa phương là Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình và TP.Hội An. Tuy nhiên, do đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, lại thiếu chú trọng vào điều kiện nuôi cụ thể của các vùng nuôi, nên mô hình không đem lại hiệu quả.
Đến thời điểm này, các vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh được triển khai theo đề án như Cẩm Thanh (TP.Hội An), Tam Tiến (Núi Thành), thay vì hình thành nên các vùng nuôi tập trung an toàn dịch bệnh như kỳ vọng, lại rơi vào cảnh bị bỏ hoang. Có thể nhận thấy, hầu hết công trình nuôi được triển khai không có ao chứa lắng, ao xử lý nước thải. Các hộ nuôi không xử lý triệt để nguồn nước trước khi nuôi nên mầm bệnh dễ xuất hiện.
Các vùng nuôi có chung một hệ thống cấp thoát nước nên mọi nguồn nước thải của các ao nuôi đều đổ ra lại nơi cấp nước. Do vậy, việc áp dụng các tiêu chí nuôi an toàn đều vô tác dụng.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, việc triển khai mô hình nuôi tôm an toàn trong năm 2014 đã tạo ra sự liên hệ thường xuyên các thành viên trong các tổ nuôi tôm cộng đồng, giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý ao nuôi, khắc phục các bệnh trên tôm, đồng thời nắm bắt kịp thời các thông tin về giá cả thị trường.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng “mạnh ai nấy nuôi” vẫn tồn tại ở các hộ nuôi trong vùng triển khai đề án. “Để tránh tình trạng bị ép giá tôm thương phẩm, người dân chúng tôi tranh thủ nuôi trước vụ.
Các tổ cộng đồng nuôi tôm dù được lập nên nhưng chưa có quy chế nên ít người hưởng ứng” - ông Võ Đăng Bàn nói.
Related news

Mô hình trồng bắp thu trái non kết hợp chăn nuôi bò hay còn gọi là mô hình 2 B “bắp-bò” là một trong những mô hình được người dân áp dụng phổ biến hiện nay, đem lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa. Bởi đặc điểm của loại hoa màu này là thời gian sinh trưởng khá ngắn, mỗi năm nông dân có thể sản xuất từ 3 - 5 vụ.

Nắng nóng kéo dài, cỏ trồng bị héo úa, người dân ở các xã ven biển huyện Tuy An (Phú Yên) phải đào ao lấy nước tưới cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Có gia đình đầu tư hệ thống tưới nước tự động bằng béc (vòi phun) tưới cỏ để có thức ăn cho bò trong mùa nắng hạn.
Những năm qua, nghề chăn nuôi bò đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang “xóa đói giảm nghèo”. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cuộc sống của họ đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bởi tổng đàn bò tăng không đáng kể, lợi nhuận tàm tạm, cuộc sống giậm chân tại chỗ…

Ông Trần Thanh Hoàng, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Gò Công (Tiền Giang) cho biết, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện nay cho thấy, toàn thị xã có 281 căn nhà nuôi chim yến nhưng phong trào xây nhà đã tạm đứng lại.
Trong thời gian gần đây, nhiều vùng nông thôn đã xuất hiện những hộ nông dân phát triển chăn nuôi gà với số lượng hàng 100 con, hàng 1000 con mang lại hiểu quả kinh tế khá cao. Nuôi gà không chỉ cải thiện cuộc sống, bữa ăn hàng ngày mà còn cho thu nhập vài chục triệu đồng đến cả vài trăm triệu đồng mỗi năm tùy theo quy mô.