Mô Hình Nuôi Ếch Đem Lại Thu Nhập Cao Cho Nông Dân
Những năm gần đây, khi nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm, nhu cầu tiêu thụ ếch nuôi để làm thực phẩm tăng lên. Nhiều nông dân đã mở trại sản xuất ếch giống và nuôi ếch thịt để cung cấp cho thị trường. Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất này mang lại hiệu quả cao cho nông dân và có xu hướng ngày càng mở rộng.
Sản xuất ếch giống lãi cao
Ông Nguyễn Văn Hương, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè (Tiền Giang) - một trong những hộ sản xuất ếch giống mang lại hiệu quả cao trên toàn tỉnh cho biết, gia đình ông bắt đầu nuôi ếch thịt cách đây 4 năm, sau thời gian vừa mày mò nghiên cứu vừa học hỏi kinh nghiệm các hộ đi trước, ông đã mở trại sản xuất ếch giống do đam mê và để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, ông Hương có 21 bể lót bạt cùng với 1.000 con ếch bố mẹ, 5.500 ếch thịt và hậu bị.
Với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, mỗi năm trại ếch của ông Hương xuất bán khoảng 700 ngàn con ếch giống cho bà con nuôi ếch trong và ngoài tỉnh, giá từ 500 - 1.500 đồng/con (tùy thời điểm). Ngoài ra, ông Hương còn cung cấp ếch bố mẹ cho các trại sản xuất ếch giống khác với giá 120 -150 ngàn đồng/con đối với ếch sau 2 tháng đẻ, và 250 - 300 ngàn đồng/con đối với ếch bắt về hôm sau đẻ. Sau khi trừ chi phí, hàng năm ông lãi trên 500 triệu đồng.
Tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, ông Phan Văn Có, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ếch xã Đạo Thạnh, nông dân sản xuất ếch giống có hiệu quả cao. Đầu tiên ông Có nuôi ếch thịt, sau đó chuyển sang sản xuất ếch giống và nuôi ếch thịt. Ông Có cho biết, hàng năm ông cho 300 cặp ếch bố mẹ đẻ được hơn 100.000 con ếch giống với giá bán tại trại 1.000 - 1.500 đồng/con, tính ra lợi nhuận thu được từ ếch giống trên 100 triệu đồng. Thời điểm này, trại ếch của chú có 16 bể xi măng, tổng diện tích bể nuôi gần 200 m2 với tổng cộng 150 cặp ếch bố mẹ và 5.000 ếch thịt.
Theo kinh nghiệm của ông Có, hiện nay dịch bệnh trên ếch bùng phát rất mạnh và gây thiệt hại lớn cho người nuôi ếch. Để hạn chế dịch bệnh trong nuôi ếch, bà con cần phải phơi khô đáy ao, bón vôi để sát trùng sau mỗi đợt nuôi. Bà con có thể dùng lá dừa làm nơi trú ngụ cho ếch thay cho vạt tre vừa tiện dụng, vừa có tác dụng phòng ngừa hiệu quả bệnh tiêu chảy cho ếch. Tuy nhiên, đối việc sản xuất ếch giống, vấn đề khó hiện nay là làm sao cho ếch mẹ giữ được trứng sang tới mùa nghịch để sản xuất giống, nếu giải quyết được vấn đề này hiệu quả sản xuất ếch giống có thể tăng gấp đôi.
Hiệu quả mô hình nuôi ghép
Không chỉ các trại sản xuất ếch giống ngày càng được mở rộng mà các hộ nuôi ếch thịt trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội ở nông thôn. Qua tìm hiểu các mô hình nuôi ếch ở các địa phương khác, ông Trần Văn Điều, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè đã nâng cao hiệu quả mảnh ruộng không sản xuất được vụ hè thu muộn của gia đình bằng cách đào ao nuôi ếch. Hiện nay, ông Điền có 2 ao có tổng diện tích mặt nước 1.000 m2, trong đó có đặt các vèo để nuôi ếch.
Để tận dụng nguồn phụ phẩm trong nuôi ếch, ông Điền nuôi 12.000 con cá tra trong ao nuôi (ngoài vèo nuôi ếch). Bình quân sau 5 tháng nuôi ếch, cá tra đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg/con và dự kiến sau 4 lứa ếch thịt sẽ thu hoạch một đợt cá tra. Như vậy, hàng năm ông Điền có thêm nguồn thu đáng kể từ cá tra.
Tương tự như vậy, ông Phạm Thành Quang, xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè có 2 vèo đặt trong ao diện tích 1.000 m2 để nuôi 4.500 con ếch thịt và thả 2.000 con cá trê giống. Hiện nay, ông Quang có 600 kg ếch thịt chuẩn bị xuất bán được thương lái đồng ý mua với giá 31.500 đồng/kg. Bên cạnh đó, hiện trong ao còn có khoảng 1 tấn cá trê thịt sắp thu hoạch với giá thu mua trên thị trường 25.000 đồng/kg. Với diện tích không lớn nhưng với mô hình nuôi ếch kết hợp với cá, hàng năm ông Quang có nguồn thu không dưới 80 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi ếch lâu năm, đối tượng nuôi này không cần diện tích lớn, có thể tận dụng các ao bỏ hoang có nguồn nước tốt, hay những mảnh đất trống để đặt vèo hay lót bạt là có thể sản xuất ếch giống hay nuôi ếch thịt. Thức ăn cho ếch đa dạng, có thể dùng cá biển, ốc bưu vàng xay nhuyễn cho ếch ăn hay dùng thức ăn công nghiệp. Hiện nay, ếch là loại thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng do thịt thơm ngon, giá cả phải chăng.
Còn nhiều bất cập
Dù nghề nuôi ếch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông hộ, nhưng bên cạnh đó có không ít hộ nuôi ếch phải ngừng sản xuất do thua lỗ. Theo ông Phan Văn Có - Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ếch xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho), nguyên nhân là do người nuôi ếch chủ quan cho rằng ếch dễ nuôi nên không chú ý chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm. Thời gian gần đây, dịch bệnh trên ếch rất nhiều như: Đỏ đùi, mù mắt, vẹo cổ, sình bụng... nhưng chưa có thuốc thủy sản đặc trị nên hiệu quả trị bệnh chưa cao.
Ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, phong trào nuôi ếch trên địa bàn tỉnh phát triển tự phát, manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó quản lý, nhất là quản lý chất lượng ếch giống. Các hộ thường nuôi theo phong trào, chưa nắm rõ kỹ thuật nuôi, thiếu nguồn ếch bố mẹ có chất lượng nên trong quá trình nuôi gặp nhiều khó khăn.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, chưa thật sự ổn định, giá cả biến động thất thường làm tăng rủi ro cho các hộ nuôi. Ngoài ra, các nghiên cứu chuyên sâu về các loại bệnh trên ếch nuôi cũng như các loại thuốc đặc trị riêng cho ếch chưa nhiều cũng khiến nghề nuôi ếch gặp khó.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Tiền Giang hiện có xấp xỉ 200 hộ sản xuất ếch giống và nuôi ếch thịt, tập trung chủ yếu ở Tp Mỹ Tho, huyện Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè. Ếch chủ yếu được nuôi trong các vèo giăng dưới ao với kích cỡ mỗi vèo khoảng 8m2 hoặc những bể bạt, bể xi măng có kích cỡ khoảng 4m x 6m mỗi bể. Hàng năm, các hộ nuôi ếch này cung cấp khoảng 180 tấn ếch thịt và trên 1 triệu con ếch giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Related news
Theo báo cáo của ngành chức năng, dịch lở mồm long móng tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) được phát hiện vào ngày 24-6, mặc dù huyện đã tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các cơ sở tích cực phòng chống, tuy nhiên đến nay dịch bệnh không thuyên giảm mà tiếp tục gia tăng nhanh.
Các nghiên cứu cho thấy, thất thoát sau thu hoạch lúa mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 635 triệu USD. Ngoài ra, do khâu phơi sấy và tồn trữ lúa gạo chưa đáp ứng quy trình đã làm giảm giá trị hạt gạo Việt Nam.
Chúng tôi muốn tham quan các vườn cây trái đẹp, nhưng thôn trưởng Võ Văn Lộc lắc đầu, vì hơn 70 hộ tạm trú làm vườn đều đã đóng cửa nhà đi chơi, ăn tết Đoan ngọ. Trong thôn chỉ còn một số nhà, trong đó có ông mà ông thì cũng đang rộn ràng với tết…
Do chuột và sâu bệnh nên năng suất lúa hè thu năm nay của nông dân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) chỉ đạt 49 tạ/ha. Tuy nhiên, nỗi buồn này phần nào được bù đắp khi cây sắn vừa được mùa lẫn được giá.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ 2/7/2013 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở một số hộ chăn nuôi chim cút tại tỉnh Tiền Giang; một số chim cút mắc bệnh và phải tiêu hủy là hơn 26 ngàn con, nguy cơ dịch lây lan sang đàn gia cầm là rất cao.