Mô Hình Nuôi Cá Chình Có Hiệu Quả
Vào ngày 27 tháng 4 năm 2011, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Đồng Tháp đã tổ chức cho gần 50 nông dân các huyện, thị, thành phố và cán bộ kỹ thuật trong Tỉnh tham quan và học hỏi mô hình nuôi cá chình có hiệu quả của ông Nguyễn Ngọc Chính, khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Cá chình là loài cá có thịt thơm ngon, được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cá chình thích nghi ở cả nước ngọt, lợ và mặn. Màu da cá chình đậm hay nhạt, hoặc trắng màu là tùy theo môi trường nước nuôi. Cá chình dễ nuôi, ít bệnh, có thể nuôi trong ao đất, hoặc bể xi măng. Nuôi cá chình cần gia cố bờ bao ao nuôi kỹ để tránh thất thoát lượng cá nuôi.
Theo ông Chính, nếu nuôi cá chình giống khoảng 100g, nuôi khoảng 6 tháng thì cá đạt cỡ 1 kg/con và sau 2 năm thì cá chình sẽ nặng từ 4 kg trở lên. Nếu không thất thoát thì vốn bỏ ra 1 có thể lời tới 4 lần. Năm đầu, ông Chính đã dùng lưới để bao bọc bờ ao, nhưng cá vẫn thoát đi, cho nên hiện nay ông đang dùng tôn dựng dọc bờ ao để tránh tình trạng thất thoát cá. Với diện tích nuôi 2.500m2, chi phí cá giống khoảng 70 triệu đồng (700 ngàn đồng/kg), sau thời gian nuôi 2 năm, thu hoạch được 900 kg, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/vụ nuôi. Mật độ nuôi 1 con cần 2,5 – 3m2, tiêu tốn thức ăn 09 - 10 kg/kg tăng trọng (sử dụng thức ăn tươi sống, thường là cá rô phi cắt lát). Theo ông Chính, cá chình là loài cá dễ nuôi, ít bệnh. Cá chình được cho ăn ngày 2 lần, sáng và chiều, sử dụng sàn để cho cá chình ăn, chứ không rải trực tiếp xuống ao và để lượng thức ăn vừa đủ từng độ tuổi của cá chình. Quan sát nếu thấy lượng thức ăn còn nhiều hay ít thì gia giảm thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí. Ông Chính xử lí nước trong ao, chứ không sang ao, thay nước ao 1 năm 1 lần vào khoảng tháng 8 và tháng 9, bơm nước trong ao ra còn khoảng 1/3 lượng nước và bơm nước mới vào. Hiện nay, một kí cá chình thịt có giá bán cho thương lái vào khoảng 420.000 đồng.
Nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, cá chình đang được nuôi rải rác ở trong Tỉnh. Đòi hỏi, phải có sự quy hoạch vùng nuôi, ổn định đầu ra cho người dân và nghiên cứu sinh sản nhân tạo con giống cá chình vì nguồn con giống không ổn định và giá thành lại khá cao, chủ yếu dựa vào nguồn con giống tự nhiên.
Related news
Ông Nguyễn Thanh Hùng là một trong những nông dân làm kinh tế giỏi của ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật nuôi cá chình trong ao để đạt tỷ lệ sống cao: xây dựng ao nuôi, chuẩn bị ao nuôi, chọn giống và thả giống, chăm sóc và quản lý, điều trị một số bệnh, thu hoạch.
Chạch Lấu là loài cá nước ngọt có thân mầu xanh đậm hoặc đen xám, trên thân có nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục… Ở nước ta, loại cá này có nhiều tên gọi khác nhau: chạch lấu, chạch bông (Nam Bộ); chạch chấu, chạch làn (Trung Bộ và Bắc Bộ).
Sau gần một năm thực hiện, mô hình nuôi cá chạch của hộ bà Trần Thị Phúc, ngụ tại khóm 2, phường Tân Thành, thành phố Cà Mau đã thành công, mở ra hướng phát triển mới trong nghề nuôi trồng thủy sản.
Nuôi ghép chạch đồng và cua đồng trong ruộng lúa là một hướng đi mới khả quan, được nhiều người dân quan tâm do vốn đầu tư ít, dễ nuôi, hầu như không bị bệnh, thức ăn sẵn có trong tự nhiên.