Mô hình nuôi cá bán thâm canh ở Chiềng La
Mô hình nuôi cá trắm cỏ bán thâm canh của bà con xã Chiềng La đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xuất phát từ thực tế đó, huyện Thuận Châu đã đưa các chương trình, dự án vào xã để hỗ trợ, khuyến khích người dân nuôi cá theo mô hình xen canh, bán thâm canh, thâm canh...
Theo đó, mấy năm gần đây, nghề nuôi cá, nhất là nuôi cá trắm cỏ theo mô hình bán thâm canh đã và đang được hình thành, phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Chiềng La.
Theo lời giới thiệu của cán bộ chuyên môn huyện, chúng tôi đến thăm hộ gia đình ông Cà Văn Toản, bản Tảư, xã Chiềng La.
Qua câu chuyện được biết trước đây kinh tế gia đình ông Toản gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù cũng từng đào ao nuôi cá nhưng hiệu quả không cao.
Sau khi được cán bộ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật, áp dụng mô hình nuôi cá trắm cỏ, gia đình ông đã có thu nhập ổn định, trở thành gia đình sản xuất khinh doanh giỏi của xã.
Đưa chúng tôi ra thăm ao cá rộng gần 600m2, ông Toản nói: Trước đây, trong diện tích ao của gia đình chỉ nuôi khoảng 200 con cá trắm cỏ và các loại cá khác theo hình thức truyền thống, không hề áp dụng biện pháp kỹ thuật nào nên năng suất thấp, kinh phí bỏ ra khoảng 20 triệu thì chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng/năm.
Từ khi nuôi cá trắm cỏ theo phương thức bán thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mua thuốc phòng bệnh cho cá, cho cá ăn theo tỷ lệ thì mật độ cá trong ao lớn hơn trước, công chăm sóc vẫn vậy nhưng thu nhập cao hơn.
Sau 9 tháng, cá trắm đạt trọng lượng 2 - 2,5kg, sản lượng cá tăng gấp đôi, nhân với giá trung bình 110.000 đồng/kg, tổng giá trị thu nhập khoảng 90 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 50 triệu đồng/năm.
Hiện ở xã Chiềng La có 80% số hộ tham gia nuôi cá trắm cỏ theo mô hình bán thâm canh với diện tích gần 10 ha, bình quân mỗi năm sản lượng cá thịt xuất ra thị trường đạt 41 tấn/năm.
Từ mô hình nuôi cá trắm cỏ bán thâm canh ở xã Chiềng La cho thấy có thể nhân rộng ra nhiều cơ sở khác trong huyện.
Bởi trên địa bàn huyện có diện tích nuôi cá khá lớn nhưng chưa khai thác hết tiềm năng.
Các cơ sở có diện tích mặt nước lớn, người dân có truyền thống, kinh nghiệm nuôi cá tập trung ở xã Tông Cọ, Tông Lạnh, Thôm Mòn, Chiềng Ly...
Đánh giá về mô hình nuôi cá ở Chiềng La, ông Tòng Văn Diện, Phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Qua các đợt chuyển giao, các hộ đã nắm vững được kỹ thuật quản lý chất lượng nước ao, kỹ thuật nuôi cá và trồng cỏ; biết cách kết hợp hài hòa giữa yếu tố kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, thức ăn và con giống.
Nuôi cá trắm cỏ có thể tận dụng các diện tích bờ ao, bãi hoang để trồng cỏ voi, các sản phẩm nông nghiệp như lá ngô, lá chuối, lá sắn, rau, củ... giúp giảm chi phí.
Chính vì vậy, mô hình nuôi cá trắm cỏ theo cách thức thâm canh hoặc bán thâm canh là một lựa chọn phù hợp với điều kiện nuôi cá tận dụng phụ phẩm nông nghiệp mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, tham quan hội thảo.
Đồng thời, nghiên cứu địa bàn phù hợp để nhân rộng mô hình, giúp người dân khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước ao, hồ; tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá trên địa bàn huyện.
Nuôi bán thâm canh là hình thức nuôi dùng phân bón để gia tăng thức ăn tự nhiên trong ao và bổ sung thức ăn từ bên ngoài như lá sắn, lá ngô, lá chuối, cỏ voi...
Giống được thả nuôi ở mật độ từ 3 - 6 con/m² trong diện tích ao dưới 1.000m2.
Trong quá trình nuôi có kết hợp phòng bệnh cho cá bằng thuốc.
Related news
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, do giá các sản phẩm chăn nuôi thường xuyên bán dưới giá thành nên trong vòng hai năm qua người chăn nuôi đã lỗ 27.000 tỷ đồng.
Đam mê nghiên cứu và nhân cây giống cho hiệu quả kinh tế cao, kỹ sư nông - lâm Huỳnh Ngọc Tư đã mạnh dạn đầu tư lập doanh nghiệp cây giống, tiếp sức cho nông dân Tây Nguyên làm giàu.
Gần đây, bí đỏ đã trở thành cây trồng hàng hóa khá quen thuộc với người dân tại nhiều làng quê Dak Lak, mang lại nguồn thu nhập khá cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Bên cạnh đó, các bãi khai thác vàng sa khoáng của người dân cũng không sử dụng các hóa chất để xử lý gây cá chết. Vì vậy, ngành này đã lấy mẫu nước, cá chết đến cơ quan chuyên môn xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
“Tôi học mía đường ở Philippines, trước khi về nước học lóm bên lúa. Khi về nước làm cây lúa trước, bây giờ quay lại cây mía hơi trễ”, ông nhấp ngụm nước, cười nói hào sảng.