Mô Hình Kết Hợp Lúa - Ếch - Cá Cho Lợi Nhuận Cao
Hiện nay, xu hướng sản xuất đa canh, đa con trên cùng một diện tích được nhiều nông dân xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai - Bạc Liêu) áp dụng. Với mô hình lúa - ếch - cá kết hợp, mỗi năm đem về cho người nuôi hàng trăm triệu đồng. Theo đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất.
Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Phong Thạnh Đông A, mô hình lúa - ếch - cá kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Những hộ áp dụng mô hình này mỗi năm thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Nhờ phát huy thế mạnh đa canh, đa con mà đời sống người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Từ đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Ông Ngô Văn Hoàng (ấp 8, xã Phong Thạnh Đông A) cho biết: “Với 3,8ha đất, mỗi năm tôi trồng 3 vụ lúa, bình quân mỗi vụ thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng năm tôi còn thu về vài chục triệu đồng từ việc nuôi cá và ếch”.
Chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nhiều nông dân xã Phong Thạnh Đông A cho biết, cá và ếch là loại rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nhưng cho lợi nhuận cao. Bình quân 1.000 con ếch sau khi trừ chi phí, người nuôi thu lãi trên 2 triệu đồng. Nguồn thức ăn cho ếch và cá chủ yếu là thức ăn công nghiệp dạng viên, có thể cho ếch ăn thêm cá tạp, ốc bươu vàng xay nhuyễn, mỗi ngày cho ăn từ 2 - 3 lần. Khi thấy nước ao bị đục, có mùi hôi thì cần thay nước hoặc xử lý bằng hóa chất.
Lúa - ếch - cá là mô hình cho lợi nhuận cao, giúp nông dân cải thiện cuộc sống. Vì vậy, để phát huy tính ưu việt và nhân rộng mô hình này, thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh cần tăng cường công tác tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho nông dân.
Related news
Tôm hùm có giá trị xuất khẩu, kinh tế cao. Ở Việt Nam, nghề nuôi tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tôm hùm giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi đó việc nuôi tôm thương phẩm lại thiếu tính bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tính đến hết quý I/2014, diện tích nuôi thủy sản toàn thành phố là 2.087 ha (trong đó diện tích thả nuôi năm 2013 sẽ thu hoạch năm 2014 là hơn 1.000 ha), đạt trên 16% kế hoạch, bằng 78,43% so cùng kỳ.
Ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết, ý tưởng sản xuất và chế biến cá chình thương phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc của nông dân Hồng Dân đã trở thành hiện thực.
Cá ngừ đại dương là một trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Khánh Hòa. Thông qua hoạt động này, giá trị của sản phẩm đã dần được khẳng định trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi hiện đang phát triển khá mạnh. Nhiều nông dân đã đầu tư công sức, tiền của để xây dựng những trang trại có quy mô lớn, đem lại thu nhập cao cho bản thân và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân...