Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Trục Trặc Trong Liên Kết

Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Trục Trặc Trong Liên Kết
Publish date: Tuesday. March 25th, 2014

“Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) là hình thức sản xuất tập trung, phát huy mối liên kết “4 nhà”, tạo đầu ra ổn định với lợi nhuận cao cho nông dân (ND), giúp ND yên tâm sản xuất.

Ngoài ra, mô hình này còn tạo điều kiện để các DN có vùng nguyên liệu, đủ điều kiện để xuất khẩu. Tuy nhiên, việc liên kết giữa DN và ND trong CĐML thường xuyên gặp “trục trặc” do chưa tìm được tiếng nói chung.

Xảy ra chuyện “bẻ kèo”

Trong vụ đông xuân 2013-2014, gần 800 nông dân của xã Nhị Bình và xã Điềm Hy (huyện Châu Thành, Tiền Giang) trồng 421ha lúa trong CĐML.

Sau khi thu hoạch xong, niềm vui lớn nhất chính là đạt được năng suất lúa cao nhất từ trước tới nay, với 8-10 tấn/ha. Song, niềm vui chưa được bao lâu thì ND lại nhận tin buồn vì DN không mua lúa như hợp đồng trước đó. Tức tối, ND phản ánh với các ngành chức năng xã, huyện nhưng cũng không có kết quả.

Hai DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với ND ở đây là Công ty TNHH P.Đ và Công ty TNHH P.Q. Đại diện công ty TNHH P.Đ cho biết: “Đầu vụ, chúng tôi có hợp đồng với nông dân là mua lúa bằng với mức giá thành sản xuất lúa tại Tiền Giang theo khuyến nghị của Bộ Tài chính, cộng thêm 30% lợi nhuận”.

Tuy nhiên, trong hợp đồng với nông dân, hai DN này lại nói sẽ mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường, đảm bảo cho ND có lãi 30%. Ngoài ra, DN còn viện dẫn lý do giá lúa xuống thấp quá, tình hình xuất khẩu lại khó khăn…(?!). Không thỏa thuận được, ND đành bán lúa cho thương lái bên ngoài.

Sau khi DN và ND phá vỡ hợp đồng, ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện Châu Thành có mời DN và ND đến bàn hướng xử lý. Nhưng mọi chuyện cũng không đi đến đâu. Theo nguồn tin của chúng tôi, Sở NN&PTNT đã gửi Công văn về Hiệp hội Lương thực Việt Nam về trường hợp 2 DN “bẻ kèo” ND tham gia CĐML. Nếu Hiệp hội Lương thực Việt Nam cứng rắn thì 2 DN trên không đủ điều kiện xuất khẩu gạo, do không có vùng nguyên liệu.

Mới đây, tại CĐML của xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cũng xảy ra chuyện “lùm xùm” giữa ND và DN bao tiêu sản phẩm. Nhiều ND tham gia mô hình bức xúc, cho biết: Đầu vụ lúa đông xuân 2013-2014, chúng tôi có hợp đồng bán lúa cho Công ty Lương thực Tiền Giang.

Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch thì giá lúa tuột giảm, khiến 2 bên không đi đến thống nhất về giá cả. Phía công ty mua “nhỏ giọt” và cũng không có ý kiến phản hồi là mua hay không đối với những ND còn lại. Biết được sự “trục trặc” giữa ND và phía DN, nhiều thương lái “nhảy” vào ép giá ND. Nhưng vì đã ký hợp đồng trước đó nên ND vẫn cố gắng đợi.

Sau đó, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang đích thân đến ruộng lúa nằm trong CĐML để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu mua cho ND.

Cần tìm tiếng nói chung

Trong một cuộc Hội thảo bàn về giải pháp liên kết “4 nhà” trong mô hình CĐML tổ chức tại TP. Cần Thơ gần đây, chuyên gia và lãnh đạo đầu ngành khẳng định: Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị lúa gạo trong khi lợi nhuận thu được vẫn đảm bảo. Phương thức sản xuất theo mô hình CĐML, với sự liên kết chặt chẽ giữa DN và ND là tiền đề để thực hiện mong muốn này.

Trong tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Liên kết giữa ND với DN đầu vào và đầu ra phải được thực hiện một cách chặt chẽ và hài hòa giữa “cần” và “lợi” trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm. Đây là giải pháp giúp tăng cường trách nhiệm, duy trì mối liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi và cũng là con đường đưa người ND thoát nghèo, vươn lên cải thiện đời sống”.

DN giữ vai trò quan trọng trong thực hiện mô hình CĐML, nếu không có sự tham gia của các DN thu mua, không có các hợp đồng thu mua với giá cao hơn thị trường thì không thể nâng cao tính tự giác của ND trong việc thực hiện đúng quy trình canh tác nhằm đảm bảo chất lượng hạt gạo.

Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ngoài nhu cầu bao tiêu lúa, ND cần vốn để tái đầu tư sản xuất, mua máy móc phục vụ sản xuất và cần được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin thị trường…

Song song đó, DN cũng cần tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng và tăng hiệu quả kinh doanh; đồng thời phải có nguồn nguyên liệu thu mua ổn định về số lượng, chất lượng… Hơn hết, 2 bên cần có sự ràng buộc bằng niềm tin bên cạnh thiết chế, pháp lý. Bởi việc xử lý những sai phạm trong giao dịch thương mại giữa ND và DN thường không mang lại kết quả cao.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ chia sẻ: “Thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” là điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, nhà quản lý, DN và ND có điều kiện gặp gỡ, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ”.

Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Long An đề xuất: “Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Vay vốn ưu đãi đầu tư hệ thống lò sấy, kho bãi; giao chỉ tiêu thu mua lúa tạm trữ, thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, hợp đồng do Nhà nước chỉ định…

Ngoài ra, để phương thức đầu tư ứng trước vật tư và thu mua sản phẩm theo hợp đồng được thực hiện suôn sẻ, các tổ hợp tác, hợp tác xã phải phát huy vai trò đôn đốc các thành viên thực hiện đúng quy trình canh tác theo yêu cầu của các DN”.

Một số ý kiến cho rằng, ND và DN cần minh bạch về giá mua bán, hợp đồng cung ứng, lợi nhuận thu được… Điều này không chỉ góp phần hài hòa lợi ích mà còn giảm áp lực cho cả 2 phía khi thị trường xuất khẩu gạo có những biến động bất lợi…

Ngày 20-3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có Công văn 185/CV/HHLTVN về việc mua lúa gạo tạm trữ vụ đông xuân 2013-2014.

Theo đó, các đơn vị thành viên được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (khoảng 100 doanh nghiệp) thực hiện việc mua tạm trữ bắt đầu từ ngày 15-3.

Đối với các ngân hàng cho vay tối đa 6 tháng (từ ngày 20-3 đến 20-9); ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi vay ngân hàng tối đa 4 tháng (từ ngày 20-3 - 20-7).


Related news

Có 34 Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Yên Bình (Yên Bái) Có 34 Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Yên Bình (Yên Bái)

Từ năm 2009, Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình (Yên Bái) đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi ba ba gai tại 3 xã là Tân Nguyên, Bảo Ái và Yên Bình.

Monday. January 14th, 2013
Người Trồng Mía Lao Đao Vì Giá Thấp Ở Thanh Hóa Người Trồng Mía Lao Đao Vì Giá Thấp Ở Thanh Hóa

Thời gian gần đây, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), thu mua mía của các hộ dân tại xã Thọ Hải, Thọ Xuân với giá thấp, khiến nhiều hộ có nguy cơ lỗ nặng. Do đó, nhiều người dân đã chặn đường, không cho xe vào bốc mía chở về công ty.

Tuesday. January 15th, 2013
Phong Trào Nuôi Các Loại Thủy Sản Trên Địa Bàn Tỉnh Phát Triển Mạnh Phong Trào Nuôi Các Loại Thủy Sản Trên Địa Bàn Tỉnh Phát Triển Mạnh

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì tính đến tới thời điểm này, toàn tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành việc thả giống nuôi thủy sản với tổng diện tích là 1.300 ha. Hiện tại, bà con đang tích cực chăn nuôi theo hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn nhằm phòng chống các loại bệnh trong mùa mưa.

Friday. August 2nd, 2013
5.368 Tỷ Đồng Dư Nợ Cho Vay Nuôi Và Chế Biến Cá Tra Ở Đồng Tháp 5.368 Tỷ Đồng Dư Nợ Cho Vay Nuôi Và Chế Biến Cá Tra Ở Đồng Tháp

Tại buổi làm việc với các bộ ngành liên quan đến nguồn vốn cho vay phát triển nghề cá tra vào chiều 15-1, tại TP Cao Lãnh, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, cho biết trong năm 2012 các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho người nuôi và các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu hơn 11.522 tỷ đồng, tăng đến 69% so với năm 2011.

Thursday. January 17th, 2013
Đón Năm Rắn Bằng Dự Án Rắn Đón Năm Rắn Bằng Dự Án Rắn

Ông Lý Hồng Hởi (Bảy Hởi) ở ấp Lợi Hoà (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được nhiều người biết đến với nghề nuôi rắn và nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm khác như: dúi, nhím, cua đinh… tuy nhiên, hiện nay, bầy rắn sinh sản của ông Bảy Hởi mới là những cái “máy in tiền” cho ông khi ông cho sản xuất và kinh doanh con giống rắn.

Thursday. January 17th, 2013