Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Những Trăn Trở Trong Đầu Tư Sản Xuất

Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Những Trăn Trở Trong Đầu Tư Sản Xuất
Publish date: Wednesday. August 14th, 2013

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là một trong những lời giải bài toán lợi nhuận bền vững của người nông dân. Tuy nhiên, bài toán lợi nhuận ấy cũng chưa thật sự hoàn thiện đối với nông dân Cà Mau, đặc biệt trong vấn đề hệ thống thuỷ lợi và đầu ra cho sản phẩm…

Theo báo cáo từ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN), vụ lúa hè thu năm 2013, Trung tâm KNKN triển khai 5/6 CĐML với quy mô 530 ha, có 445 hộ tham gia. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn đầu vụ kéo dài trên 20 ngày nên trà lúa bị thiếu nước, gây khó khăn cho khâu chăm sóc, phân bón, cấy giặm, phòng trừ cỏ dại.

Giữa vụ lại gặp mưa lớn kéo dài, gây ngập úng, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, làm chết một số diện tích lúa trong CĐML.

Người dân chưa mặn mà

Ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm KNKN, cho biết, sở dĩ thiệt hại vừa qua một phần là do thiên tai, nhưng phẫn lớn vẫn là do hệ thống thuỷ lợi chưa bảo đảm. Và chính thiệt hại trên cùng với giá lúa giảm gần đây đã làm nhiều nông dân chùn bước trong đầu tư xây dựng CĐML vụ 2 năm 2013 sắp tới.

Kế hoạch vụ 2 năm 2013, Trung tâm KNKN sẽ tiếp tục triển khai 1.890 ha, với 1.635 hộ dân tham gia ở các huyện: Thới Bình, Trần Văn Thời và TP Cà Mau. Tuy vậy, cái lo lớn nhất của người dân cũng như ngành chức năng là vấn đề giá lúa thương phẩm, giá lúa giống và giá vật tư nông nghiệp, nhiên liệu vẫn giữ mức cao.

Giá lúa thương phẩm hiện nay quá thấp (từ 3.800-4.500 đồng/kg), khả năng vụ hè thu giá thành sản xuất lúa tăng, nông dân không có lãi. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận nông dân chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật canh tác do cán bộ hướng dẫn, vấn đề sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn tuỳ tiện, chưa tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc 4 đúng, gây khó khăn cho quá trình triển khai.

Ông Thức cho biết thêm: “Băn khoăn của chúng tôi là vấn đề sau khi kỹ sư rời đồng ruộng, liệu chính quyền địa phương nơi đó cũng như người dân có “vận hành” tốt được mô hình hay không. Tình hình kinh tế hợp tác của chúng ta còn “lơ mơ” lắm. Một số nơi còn chưa thành lập được hợp tác xã khi chúng tôi xuống triển khai mô hình”.

Nỗi lo tiếp theo là việc phối kết hợp giữa nông dân với các doanh nghiệp (DN) còn lỏng lẻo. Ông Nguyễn Trần Thức bộc bạch: “Thực hiện CĐML ở Cà Mau vừa qua mới chỉ dừng lại ở khâu liên kết nông dân và chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Vấn đề liên kết giữa DN và nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm là chưa có.

Do Cà Mau không phải là vùng trọng điểm về lúa gạo, thêm vào đó hạ tầng còn kém phát triển nên chưa thu hút được nhiều DN tham gia. Vụ hè thu vừa qua, các doanh nghiệp tham gia cung ứng phân bón vào CĐML số lượng còn quá ít. Công ty Bình Điền chỉ hỗ trợ 100 ha, Công ty Đạm Cà Mau thì chưa tham gia nên còn gặp nhiều khó khăn”.

Bà Lâm Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc, bức xúc: “Mặc dù đã có hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo Quyết định 142, nhưng với mức 500.000 đồng/ha đất lúa 2 vụ và 100.000 đồng/ha cho đất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm vẫn chưa tạo được động lực cho người trồng lúa. Với giá lúa như hiện nay thì càng đầu tư nhiều càng lỗ. Một số nông dân lại đem ra so sánh giữa giá trị cây lúa và con tôm, điều này gây bất lợi cho quy hoạch trong sản xuất tại địa phương”.

Nên vận hành một cách hiệu quả

CĐML bước đầu có thúc đẩy cơ giới hoá. Tuy nhiên, cũng mới chủ yếu ở khâu cày xới, thu hoạch, còn hàng loạt khâu khác vẫn bế tắc vì đồng ruộng manh mún. Trong đó, những khâu có ý nghĩa quyết định nâng cao giá trị hạt lúa vẫn bế tắc là vận chuyển, sấy khô, kho dự trữ.

Theo ông Cao Chiến Thi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà A, huyện Trần Văn Thời, đồng ruộng manh mún, tập quán sản xuất nhỏ của người nông dân khó thay đổi, thuỷ lợi không đồng bộ, đầu ra sản phẩm không ổn định, chính điều này gây khó khăn cho vấn đề xây dựng CĐML hiện nay.

Ông Nguyễn Trần Thức khẳng định: “CĐML chủ yếu mới giúp cho doanh nghiệp bán được nhiều vật tư nông nghiệp và nông dân thì được mua vật tư với giá gốc. Ngoài ra, trong khi giá lúa đang thấp như thế này thì việc đầu tư của Nhà nước vào CĐML vẫn góp phần giảm chi phí sản xuất cho người dân. Trong khi chờ những cơ chế lớn hơn thì đây là việc làm thiết thực nhất cho người trồng lúa hiện nay”.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau, lại băn khoăn: Để xây dựng được CĐML cần phải gắn với xây dựng hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh. Như vậy, việc chọn vị trí xây dựng ô thuỷ lợi trong CĐML là hết sức quan trọng và phải tranh thủ được sự đồng thuận cao của người dân.

Trong khi đó, các vùng được chọn để xây dựng ô thuỷ lợi lại có hệ thống bờ bao chưa được hoàn chỉnh, bờ vùng - bờ thửa cũng chưa khép kín hoàn toàn, sự đồng thuận của người dân chưa cao (một số nơi không muốn làm lúa vì đầu ra sản phẩm không ổn định).

Vì vậy, nên chăng việc chọn lựa xây dựng CĐML không nên quá ồ ạt. Nên chọn ít nhưng làm cho hoàn chỉnh cả về thuỷ lợi lẫn việc bao tiêu sản phẩm. Dẫu biết rằng, hiệu quả trên những CĐML vừa qua là năng suất có tăng nhưng đi kèm với nó là chi phí đầu tư của Nhà nước quá lớn, mà hiệu quả kinh tế đối với người dân thì không nhiều. Điều này cũng đáng được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trong thời gian tới./.

Dự kiến, tổng sản lượng lúa hè thu năm nay của vùng ĐBSCL là hơn 9,3 triệu tấn, sản lượng quy gạo là 4,65 triệu tấn. Trong khi đó, lượng gạo hàng hoá trong nước cần tiêu thụ năm nay dự báo khoảng 8 triệu tấn, chưa kể lượng gạo tồn kho năm ngoái là gần 800.000 tấn.

Tất cả những yếu tố đó đang gây áp lực đối với việc thu mua lúa hè thu cho nông dân. Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ thu mua lúa cầm chừng.

Giá lúa tiếp tục giảm, không có vốn, thiếu điều kiện phơi sấy nên nông dân mong muốn bán được càng sớm càng tốt bởi điều kiện phơi sấy, bảo quản lúa vụ hè thu ở ĐBSCL chỉ đáp ứng được 30-40%. Cà Mau lại không phải là vùng trọng điểm về lúa gạo của cả nước nên việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.


Related news

Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp Theo Hướng Nâng Cao Giá Trị Gia Tăng Và Phát Triển Bền Vững Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp Theo Hướng Nâng Cao Giá Trị Gia Tăng Và Phát Triển Bền Vững

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, với 626.757 ha, trong đó có 567.000 ha rừng và gần 60.000 ha đất chưa có rừng. Đây là tiềm năng lớn để tạo bước đột phá cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên tiềm năng này chưa được khơi dậy một cách hiệu quả, bền vững.

Thursday. November 27th, 2014
Cây Mía Bắt Đầu Phát Triển Trên Đất Trảng Bàng (Tây Ninh) Cây Mía Bắt Đầu Phát Triển Trên Đất Trảng Bàng (Tây Ninh)

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của ngành chức năng thì hiệu quả kinh tế của cây mía chưa cao, nhất là những diện tích mía tơ (năm đầu) lợi nhuận thấp (chỉ khoảng 3 triệu đồng/ha). Cũng do những vùng đất này trước bị bỏ hoang, nên dinh dưỡng trong đất kém, do đó phải chờ đến năm thứ 2, thứ 3 (mía gốc), nông dân mới có lợi nhuận từ 15 đến 20 triệu đồng/ha/năm.

Thursday. June 26th, 2014
Trồng Tiêu Trên Đất Khó Trồng Tiêu Trên Đất Khó

Những vườn tiêu xanh tốt bời bời trên vùng đất Kông Chro (Gia Lai) là hình ảnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, đi qua 2 xã Yang Trung và Chơ Long, chứng kiến nhiều vườn tiêu cả ngàn trụ, năng suất không thua kém “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh dễ khiến người ta tò mò...

Thursday. June 26th, 2014
Phường Quảng Tiến (Sầm Sơn) Phát Triển Dịch Vụ Hậu Cần, Tăng Hiệu Quả Khai Thác Hải Sản Phường Quảng Tiến (Sầm Sơn) Phát Triển Dịch Vụ Hậu Cần, Tăng Hiệu Quả Khai Thác Hải Sản

Hiện tại, trên địa bàn phường Quảng Tiến (Sầm Sơn) có trên 250 tàu thuyền, trong đó gần 40 chiếc tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần trên biển với trên 200 lao động tham gia. Hoạt động thu mua của các tàu dịch vụ lại chiếm tới 50% tổng thu nhập từ nghề biển của địa phương. Mỗi chuyến một tàu dịch vụ có thể thu mua được hàng chục tấn hải sản.

Thursday. November 27th, 2014
Mô Hình “Sản Xuất Và Thâm Canh Tổng Hợp Cho Cây Mía Phục Vụ Chế Biến Đường Công Nghiệp” Đạt 75 Tấn/ha Mô Hình “Sản Xuất Và Thâm Canh Tổng Hợp Cho Cây Mía Phục Vụ Chế Biến Đường Công Nghiệp” Đạt 75 Tấn/ha

Năm 2014, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã triển khai xây dựng mô hình “Sản xuất và thâm canh tổng hợp cho cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” tại xã Xuân Châu (Thọ Xuân) với quy mô 5 ha, 5 hộ tham gia bằng giống mía Quế Đường 94-119.

Thursday. November 27th, 2014