Mít Thái giảm giá sâu

Lý do đang bước vào vụ thu hoạch rộ dẫn đến nguồn cung tăng mạnh, trong khi đó đầu ra lại bị thu hẹp.
Sau khi vườn cam sành bị hư do dịch bệnh bùng phát mạnh, ông Sử Phước Danh ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã quyết định chuyển sang trồng 1.200 cây mít Thái trên diện tích 1,4ha vì nhận thấy giá bán luôn ổn định.
Đứng trước vườn mít đang cho thu hoạch, ông Danh nói: “Mít chỉ sau 2 năm chăm sóc là cho thu hoạch, hiện vườn mít của tôi cho sản lượng khoảng 1 tấn/đợt (mỗi đợt cách nhau 7 ngày).
Cách đây 2 tháng giá mít cân xô được 10.000 – 11.000đ/kg thì hiện chỉ còn 3.500đ/kg. Tính ra mỗi lần thu hoạch lợi nhuận giảm trên 5 triệu đồng”.
Theo ông Danh, nguyên nhân dẫn đến việc giá mít giảm mạnh là do đã bắt đầu mùa mưa nên mít không thể vận chuyển đi xa được. Ngoài ra, những năm gần đây nhiều nông dân chọn cây mít để trồng thay thế cho diện tích cam sành bị hư hại nên dẫn đến diện tích và sản lượng ngày càng tăng.
Ông Lương Văn Tám có 0,8ha mít Thái ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, đặc điểm của loại mít Thái là có trái quanh năm, tuy nhiên thời điểm thu hoạch rộ vào khoảng tháng 5 và tháng 11 âm lịch.
Năng suất đạt khoảng từ 100 – 150kg/cây, với giá bán luôn ở mức từ 8.000 – 18.000đ/kg, nhưng năm nay giá đã giảm rất sâu dẫn đến lợi nhuận giảm đi gần một nửa.
Theo Phòng NN – PTNT huyện Châu Thành, tổng diện tích mít Thái của toàn huyện 360 ha, trong đó có 250 ha đang cho thu hoạch với sản lượng 3.660 tấn/năm, tập trung ở một số khu vực như: Đông Phước, Đông Phước A, Phú Hữu, thị trấn Ngã Sáu… |
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Thái Nguyên, một thương lái chuyên thu mua mít Thái ở huyện Châu Thành cho biết, hiện mít loại 1 trên dưới 10kg/trái có giá 6.000đ/kg; loại 2 từ 7 – 10kg/trái có giá 4.000đ/kg; loại 3 dưới 7kg/trái có giá 2.000đ/kg. Với giá này mít giảm từ 5.000 – 8.000đ/kg tùy loại.
Giá mít giảm không chỉ nguồn thu nhập của các hộ trồng mít giảm mà còn cả cánh thương lái. Anh Nguyên chia sẻ trước đây, thu mua 2 tấn mít/ngày dưới dạng cân xô tại vườn, sau đó lựa hàng loại 1 bán lại cho Cty XK ra nước ngoài với giá cao, còn hàng loại 2 và 3 thì bán lại cho thương lái vận chuyển tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Nhờ vậy anh có thu nhập từ 500.000 – 700.000đ/ngày thì nay chỉ còn khoảng 300.000đ, dù số lượng thu mua đã tăng lên gấp đôi. Bởi mít Thái không bán được cho thị trường nước ngoài.
Lí giải về việc giá mít giảm không “phanh”, anh Nguyễn Hoàng Giang, một chủ vựa thu mua trái cây nhiều năm ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, vào thời điểm mít Thái ở mức giá 15.000đ/kg, nhiều nông dân đã thu hoạch mít non bán cho thương lái lạ mặt với giá từ 8.000 – 10.000đ/kg.
Kể từ thời điểm đó xuất hiện thông tin mít non được ngâm hóa chất bán ra thị trường, làm cho người tiêu dùng lo ngại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ giảm đáng kể, giá mít ngày càng tuột dốc. Ngoài ra do cung vượt cầu và đang là mùa thu hoạch rộ trái cây.
Related news

“Trước đây, cả vạt đồi trước nhà gia đình tôi trồng mơ, vải, rồi chuyển sang quất. Nhưng các loại cây trên đều thu hoạch theo mùa vụ, được mùa thì lại rớt giá. Tôi đang loay hoay nên chuyển đổi sang trồng cây gì thì được cán bộ khuyến nông của xã đã tư vấn trồng cây Thanh Long.

Thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay, trong tháng 12 giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL đã liên tục tăng lên. Hồi đầu tháng, giá lúa khô hạt dài ở mức 6.050-6.150 đ/kg.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Đắk Wil (Chư Jút - Đắk Nông) hiện có hơn 750 ha cà phê, trong đó, phần lớn các vườn cà phê đã trồng khá lâu năm. Để thay thế cho diện tích cà phê này, những năm gần đây, người dân đã thực hiện “trẻ hóa” vườn cây bằng cách áp dụng kỹ thuật ghép chồi.

Cây sơ ri (tên khoa học là Malpighia emarginata DC, tiếng Anh là acerola) có nguồn gốc ở Yucatan (Đông Nam Mexico), đã được trồng ở nhiều nơi như: Nam Peru, Đông Nam Brazil, các Bang Texas và Florida (Hoa Kỳ), Quần đảo Canary, Ghana, Ethiopia, Madagascar, Zanzibar, Sri Lanka, Taiwan, India, Indonesia, Hawaii, Australia, Việt Nam…

Tiết kiệm tối đa nhân công, thời gian tưới nước, chi phí mua nhiên liệu chạy máy bơm… do hệ thống phun tưới tự động mang lại, đã khiến một bộ phận nông dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) trở thành những chủ nhân của công nghệ tưới nước hiện đại này trên ruộng của mình.