Làm Giàu Từ Mô Hình Trồng Xen Cacao Dưới Tán Điều
Hiện nay, khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, thì việc đa dạng hóa các loại cây, con trên một đơn vị diện tích là điều hết sức cần thiết. Trước đây, bà con chỉ quen với trồng điều thuần, một loại cây trồng xóa đói giảm nghèo, thì nay lại có thể làm giàu trên chính mảnh đất ấy nếu như biết xen canh cây trồng khác. Gia đình ông Nguyễn Khắc Thược ở thôn 2, xã Minh Hưng huyện Bù Đăng là một ví dụ điển hình như vậy.
Chỉ với 1 ha đất sản xuất đã cho thu nhập từ cây cacao và điều trên 100 triệu đồng. Đây chính là mô hình trình diễn chăm sóc vườn cacao đang cho thu hoạch của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh năm 2009 vừa qua. Đồng thời, cũng là điểm đến tham quan mô hình đẹp, học tập kinh nghiệm kiến thức trồng cacao của rất nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh.
Vào Bình Phước năm 1987, với hai bàn tay trắng, lúc này gia đình ông đã phải làm thuê làm mướn, phát nương làm rẫy trồng lúa, điều mà cũng chỉ đủ ăn.
Đến năm 1995, ông tham gia các lớp học khuyến nông về tập huấn kỹ thuật trồng trọt, ông áp dụng ngay vào vườn điều nhà mình và dần nâng năng suất cây điều lên xấp xỉ 2 tấn/ha trên mảnh đất đỏ bazan màu mỡ.
Năm 2005, khi có dự án trồng khảo nghiệm cây cacao dưới tán điều tại Bình Phước thuộc dự án Success Alliance – Việt Nam, đã tạo một bước ngoặt mới trong sự nghiệp làm nông của ông. Gia đình ông được chọn làm hộ tham gia mô hình của dự án. Ông kể, lúc ban đầu tham gia dự án gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, đặc biệt nội bộ gia đình ông phản đối. Tuy nhiên, sau khi được tham gia lớp học về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cacao, triển vọng cây cacao thì ông đã tự tin hơn với quyết định của mình. Bản thân ông cũng luôn tự tìm tòi, học hỏi qua sách báo, từ người khác, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn sản xuất qua những trải nghiệm trên chính mảnh đất của mình, miệt mài học cả cách chế biến lên men hạt cacao sau khi thu hoạch.
Khởi điểm chỉ trồng 200 cây cacao do dự án cấp, năm 2006 ông trồng thêm 1.000 tự ghép, năm 2008 lại trồng tiếp 1.200 cây. Đến nay, ông đã sở hữu 4 ha cacao xen điều.
Chỉ mới năm 2008, thu bói cacao đã bán được 25 triệu. Nhờ trồng cacao, điều được tưới nước ăn theo, phân bón cho cacao điều cũng được chung. Chính vì vậy, từ năm 2006 năng suất điều đã đạt trên 2 tấn/ha.
Năm 2009, vườn cây của ông có một bước nhảy vọt về năng suất, cacao thu đạt 1,5 – 1,8 tấn/ha, điều thu đạt 2,8-3 tấn/ha; với giá bán cacao trung bình 50.000 đồng/kg, điều 15.000đồng/kg thì thu nhập trên 1 ha cacao xen điều đã đạt trên 100 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí bỏ ra, ít nhất ông cũng còn bỏ túi được 70 triệu đồng/năm/ha. Quả là, người có công trời không phụ, xóa đói nghèo từ cây điều và giàu lên nhờ cây cacao là điều mà rất nhiều người nông dân ở huyện Bù Đăng đang học tập cách làm của ông.
Dự định của ông là đầu mùa mưa tới sẽ trồng thêm 1,5 ha cacao nữa với hệ thống tưới nhỏ giọt. Đây sẽ là một mô hình khá mới ở Bình Phước để tiết kiệm công và nước tưới. Khi nghỉ chân ở phòng nhỏ trong vườn cacao của ông, chúng tôi còn phát hiện ra ông có một máy tính để bàn sử dụng cho việc học tập kỹ thuật nông nghiệp, thì không khỏi ngạc nhiên. Ông quả là người nông dân hiện đại, biết áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất, điều kiện tối ưu để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Khi được hỏi về bí quyết kỹ thuật để vườn cây cho năng suất cao, ông khiêm tốn cho biết, việc trồng cacao quan trọng là phải đủ nước tưới, giống như ông bà ta thường nói “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Cây cacao cũng vậy, nếu không có nước thì không nên trồng cacao. Tưới vào mùa khô, khoảng cách giữa các lần là nửa tháng.
Chính việc đó, giúp làm năng suất điều tăng cao hẳn. Thêm vào đó, cần có một chế độ bón phân hợp lý giữa phân chuồng và phân NPK: (2 kg vi sinh + 5 kg phân gà + 2 kg NPK trộn tỷ lệ 16 :16:8)/cây: 4 lần bón (bón cho cacao chung cho điều). Phân vi sinh và phân gà thường bón lót vào đầu mùa mưa tháng 4, 6; phân NPK trộn chia ra 2 lần bón tháng 10 và 12. Ngoài ra, thường xuyên thăm vườn, tỉa bỏ các chồi vô hiệu làm tiêu hao dinh dưỡng, phun xịt thuốc nấm phòng bệnh là chính, phát hiện bệnh kịp thời để xử lý không lây sang cây khác.
Không nên dọn cỏ ở vườn sạch quá, nếu vườn có độ dốc thì nên để cỏ là rất cần thiết, để chống xói mòn rửa trôi và giữ ầm cho vườn. Đặc biệt, ngay từ khi mới trồng phải chọn giống ca cao ghép chất lượng thật tốt, năng suất cao và các giống này đã được các viện, trường công nhận và khuyến cáo như TD3, TD5, TD6, ...
Hiện nay, khi giá cacao tương đối ổn định qua các năm và có xu hướng đi lên thì việc trồng xen cây cacao trong vườn điều hiện có là điều hết sức nên làm khi chủ động được nguồn nước tưới. So với những cây trồng khác như hồ tiêu, cà phê thì cacao không phải là cây khó chăm sóc. Điều quan trọng là khi đã trồng cacao thì bà con cần học ngay kỹ thuật ủ lên men hạt cacao, có như vậy sản phẩm này mới bán được giá cao. Trồng xen cây cacao trong vườn điều là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, bà con nên tham khảo học tập.
Related news
QI/2015 XK cá ngừ của Việt Nam giảm mạnh phần lớn do giá thế giới xuống thấp cộng với nhu cầu thị trường yếu. Sang đến QII, XK sang một số thị trường có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tổng XK cá ngừ tính đến hết tháng 5 vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái với giá trị đạt trên 187,2 triệu USD.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (gọi tắt là EEU) đã được Thủ tướng 5 nước thành viên ký kết ngày 29-5-2015. Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra, EEU sẽ mở đường cho cá tra của tỉnh vào thị trường các nước này ngày một nhiều hơn.
Sau 3 năm thực hiện, dự án “Chăn nuôi bò thịt bán chăn thả trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” do kỹ sư Hồ Văn Sơn, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phụng Hiệp, làm chủ nhiệm đã mang lại nhiều kết quả đáng kể. Tham gia dự án, từ 64 con bò giống, các hộ chăn nuôi đã cung cấp cho thị trường 144 con bò thịt thương phẩm và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác từ mô hình này.
Xuất phát từ Chương trình khuyến lâm, khoảng 10 năm trước, Chi cục Kiểm lâm An Giang khởi xướng cách làm này và mô hình trở nên quen thuộc với cư dân vùng Bảy Núi, trong đó anh Đỗ Văn Tài (đồi 3 núi Phú Cường, xã An Nông) là người tiêu biểu, thực hiện hiệu quả mô hình nuôi nai dưới tán rừng.
Thực hiện Thông tư số 57/2012/TT-BNNPTNN về việc kiểm tra các chất cấm thuộc nhóm Beta- Aginist tại các cơ sở chăn nuôi năm 2015, Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, thức ăn hỗn hợp được sử dụng, kiểm tra tồn dư các chất cấm thuộc nhóm Beta-Aginist tại các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.