Mít Thái đầy vườn, giá rớt thê thảm
Hồi đầu năm, mít Thái ở ĐBSCL được thương lái “săn đón” tại vườn với giá 20.000 đồng/kg. Trúng mùa, được giá nên nhiều nhà vườn trồng mít ở Hậu Giang - một trong những vựa mít lớn nhất khu vực- đã đón cái Tết thật ấm cúng.
Thế nhưng, từ đầu tháng 6 đến nay, giá mít liên tục tuột dốc không phanh. Hiện tại, người trồng mít ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) chỉ bán được giá từ 2.000- 2.500 đồng/kg. Thậm chí, nhiều hộ còn không bán được do thương lái chê lên chê xuống.
Ông Lê Văn Út Anh (SN 1971, ngụ ấp Phước Hòa A, xã Đông Phước A) cho biết vườn của ông có tất cả 7 công mít Thái. Trước đây, ông chỉ trồng 2 công nhưng do thấy mít giá cao nên ông trồng thêm 5 công nữa. Với giá 20.000 đồng/kg như trước, ông có thể sửa chữa nhà cửa khang trang và mua sắm một số vật dụng có giá trị trong nhà. Còn hiện tại xem như người trồng mít trắng tay.
Không riêng gì ông Út Anh, nhiều hộ trồng mít Thái ở một số địa phương khác trong khu vực ĐBSCL như đang ngồi trên đống lửa do mít rớt giá chưa từng thấy. Bà Võ Thị Đào, một hộ vừa mới trồng mít chưa lâu ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng), tỏ ra sốt ruột khi nhìn vườn mít trĩu quả của mình không thấy thương lái đến thu mua. “Mấy tháng trước, mít không chất lượng lắm nhưng không đủ hàng để bán. Còn bây giờ vào mùa thu hoạch rộ, mít được mùa, chất lượng ngon nhưng một trái cả chục ký mà bán được số tiền chỉ bằng... một tô hủ tiếu”- bà Đào nói như khóc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc theo quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), mít được bày bán dày đặc 2 bên đường. Có điểm để bảng giá 6.000 đồng/kg, sau đó hạ xuống còn 5.000 đồng/kg nhưng cũng hiếm người mua. Bà Nguyễn Thị Út, một người bán mít tại đây, cho rằng: “Tui thu mua mít rồi bán lại gần 5 năm qua nhưng chưa lúc nào giá mít xuống thấp nhất như hiện nay. Có lẽ do bà con đua nhau trồng nhiều quá nên bị ứ đầu ra, khiến mít xuống giá thê thảm”.
Thương lái thu mua mít rất nhỏ giọt
Hàng loạt điểm bán mít dọc quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang
Một điểm bán mít vắng tanh khách hàng
Giá mít Thái rớt thê thảm
Một trái mít cả chục ký nhưng bán được số tiền bằng... một tô hủ tiếu bình dân
Related news
Trong 3 năm gần đây, nhiều hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp (DN) nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra phá sản hoặc đứng trên bờ vực phá sản do thị trường xuất khẩu sụt giảm. Thị trường Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra phi lê cũng làm ngành cá tra điêu đứng.
Tính từ đầu năm đến nay, diện tích tôm thương phẩm toàn tỉnh Ninh Thuận thả nuôi trên 955 ha, trong đó có 900 ha tôm thẻ chân trắng và 55 ha tôm sú. Tuy diện tích thả nuôi chỉ đạt 74% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), tình hình bệnh trên tôm nuôi có xu hướng giảm và giá bán tôm thương phẩm tăng, đây được coi là tín hiệu vui về sự khởi sắc của nghề nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh năm nay, đặc biệt đối với tôm thẻ chân trắng.
Năm 2000, một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả được phép chuyển đổi sang nuôi tôm, nhiều nông dân tưởng chừng đã bước được một chân vào cánh cửa đổi đời.
Mặc dù cơn bão số 10 không trực tiếp đổ bộ vào thành phố Hà Tĩnh, tuy nhiên, do mưa to kèm theo gió lớn nên các khu vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi ven đô bị thiệt hại khá nặng.
Trong năm 2013, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tiếp tục chỉ đạo các địa phương khôi phục, tận dụng và khai thác tối đa diện tích mặt nước hiện có để phát triển nuôi trồng thủy sản.