Miền Tây bớt mặn là nhờ triều cường, không phải do TQ xả nước
Độ mặn ở nhiều địa phương giảm
Ghi nhận của phóng viên NTNN ngày 3.4, tại các xã như Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Thành, Long Thới, Phú Sơn… huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, độ mặn của nước đã giảm bớt so với những ngày đầu tháng 3. Người dân cho biết, đã có thể lấy nước ở một vài con sông để tưới cây giống, hoa kiểng và vườn cây ăn trái.
Ông Mai Tấn Thọ ngụ ở ấp Hòa Lộc, xã Vĩnh Thành cho biết: “Tui đã có thể lấy nước sông để tưới cho vườn mai. Tuy nước còn mặn nhưng đã giảm bớt, khu vườn 20.000 cây chôm chôm, bơ và sầu riêng giống không bị thiệt hại tiếp nữa”.
Trước đây, lượng phù sa về ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn/năm nhưng hiện xuống chỉ còn phân nửa. Tình trạng này kéo dài sẽ làm đảo ngược quá trình hình thành 6.000 năm qua và gây sạt lở bờ biển, khiến ĐBSCL trở thành…”tấm giẻ rách” trong 1 thế kỷ nữa.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL
Cụ thể về độ mặn của nước trên các sông, ông Nguyễn Văn Thạch – Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách cho biết: Độ mặn đã giảm vài ngày qua ở nhiều nơi. Riêng tại xã Hưng Khánh Trung B (nơi ông Thạch trực đo độ mặn hằng ngày), độ mặn chỉ còn 1,2‰ -trong khi trước đó nơi đây gần đến 2‰. Còn tại xã Phú Sơn, nơi từng có độ mặn rất cao, đã giảm xuống còn 2,4 ‰.
Ở một số địa phương thuộc tỉnh Trà Vinh, hiện độ mặn cũng đã giảm, nhiều khu vực chỉ còn có 0,5‰. Trước tín hiệu mừng trên, từ ngày 30.3 đến 2.4, ngành chức năng tỉnh này đã vận hành lấy nước ngọt ở cống Rạch Rum, cống Mỹ Văn, cống Cái Hóp, từ đó đã giúp nâng cột nước bình quân lên 0,2m, giải quyết một phần nước nội đồng cho bà con nông dân.
Ông Đỗ Trưng – Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: “Tại Trà Vinh và một số tỉnh như Vĩnh Long, nước trên các sông đã giảm dần độ mặn, bà con nông dân và chính quyền địa phương rất mừng trước tín hiệu này. Chúng tôi đang kiểm tra chặt chẽ 24/24 giờ độ mặn trên sông và sẽ tiếp tục lấy nước vào nội đồng để phục vụ số diện tích lúa hè thu tại huyện Càng Long và Cầu Kè, một số trà lúa đông xuân còn lại ở huyện Trà Cú và Châu Thành”.
Cũng như các địa phương trên, hiện độ mặn của nước ở Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng đang có chiều hướng giảm. Các con kênh ở cách Đại Ngãi (huyện Kế Sách) và huyện Châu Thành của Sóc Trăng khoảng 7km đã có nước ngọt, độ mặn được đẩy lùi ra xa theo hướng biển.
“Hiện độ mặn đo được giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 0,6‰ trong khi đó trước đây tại huyện Trần Đề mặn ở mức 24,5‰, huyện Long Phú đến 18,5‰, Đại Ngãi 8,5‰… Nước ngọt đã có ở một số nơi làm giảm bớt diện tích thiệt hại cho ngành nông nghiệp, cụ thể là cứu được khoảng 2.000ha lúa xuân hè đã xuống giống” – ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Độ mặn giảm do thủy triều
Thực tế, theo ngành chức năng và nhà khoa học các địa phương vùng ĐBSCL, độ mặn giảm vài ngày qua là do triều cường tăng theo quy luật tự nhiên chứ không phải do nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang khẳng định: “Vài ngày qua, do đỉnh triều tăng mạnh làm nước sông Hậu tăng đẩy nước mặn ra biển, làm giảm độ mặn ở một số địa phương”.
“Mực nước ở Tân Châu (An Giang) – nơi đầu nguồn ĐBSCL tăng những ngày qua là do quy luật tự nhiên, tức triều cường tăng. Ngoài ra, cũng do lượng nước từ sông Mekong đổ về hằng ngày theo quy luật, không phải do Trung Quốc xả đập. Hiện mực nước đang bắt đầu xuống trở lại do đỉnh triều giảm” – ông Ninh nói.
Cũng theo ông Ninh, Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng từ ngày 13.3, nếu nước đến được ĐBSCL cũng phải mất từ 20-21 ngày. Về việc giảm độ mặn ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ông Vân thông tin là do “lượng nước tăng lên theo thủy triều”.
PGS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ) khẳng định: “Đến nay, các địa phương ĐBSCL vẫn chưa nhận được nước từ phía đập Cảnh Hồng (Trung Quốc). Thời gian tới, nếu nhận được cũng sẽ rất ít, không có ý nghĩa”.
Về dòng chảy của nguồn nước, ông Tuấn cho rằng: “Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng có khô hạn nên việc xả nước trên sẽ không thực hiện liên tục. Hơn nữa, dòng chảy từ đập trên về ĐBSCL hơn 4.000km, phải qua Thái Lan, Lào, Campuchia và các vùng trũng, dòng nhánh, đất ngập nước sẽ tiêu hao đáng kể lượng nước khi về đến ĐBSCL. Trong khi đó, Thái Lan cũng đang khẩn trương sử dụng các trạm bơm, gia tăng việc lấy nước để giải hạn”.
Về vấn đề xả nước ở thượng nguồn, ông Tuấn cảnh báo nông dân không nên nghe thông tin mà vội vàng xuống giống lúa hè thu. “Khi nghe Trung Quốc xả nước, nông dân đã ùn ùn trồng lúa hè thu. Thông tin từ các địa phương đã có 1.000ha được gieo sạ, trong đó đã có nhiều diện tích mạ đã bị chết. Hơn nữa theo dự báo, từ nay đến tháng 6 vẫn xảy ra nắng hạn gay gắt” – vị chuyên gia này lưu ý thêm.
Related news
Đó là thông tin do ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM nêu ra tại Hội nghị Thanh tra chuyên ngành của Bộ NNPTNT tổ chức vào sáng 1.4 tại TP. Đà Nẵng.
Tỉnh Yên Bái dành 100 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ năm 2016 đến 2020.
Chỉ sau hơn 1 năm thành lập, HTX sản xuất rau thôn Đoài, xã Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã xây dựng được chuỗi cung ứng rau an toàn, phân phối cho thị trường Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.