Men bánh mì thúc đẩy tăng trưởng cá rô phi
Một thử nghiệm thức ăn gần đây đã phát hiện ra việc bổ sung men làm bánh mì (Saccharomyces cerevisiae) vào khẩu phần ăn của cá rô phi sông Nile có thể thay đổi hình thái đường ruột của cá, dẫn đến cải thiện khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, phản ứng miễn dịch và hiệu suất tăng trưởng.
Saccharomyces cerevisiae là một loại probiotics thân thiện với môi trường và giá cả hợp lý. Ảnh: Santized
Việc sử dụng probiotics như men làm bánh trong sản xuất cá rô phi đang ngày càng trở nên phổ biến. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Aquaculture Reports đã phát hiện ra việc sử dụng 4 g S.cerevisiae/kg thức ăn thủy sản mang lại nhiều lợi ích sản xuất. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết việc bổ sung men vào chế độ ăn của cá rô phi sông Nile đã làm thay đổi hình thái đường ruột của cá. Sinh thiết ruột cho thấy cá được cho ăn chế độ ăn chứa probiotics này có nhung mao lớn hơn và nhiều tế bào cốc hơn, có nghĩa là chúng có khả năng chiết xuất chất dinh dưỡng từ khẩu phần ăn tốt hơn và có hệ miễn dịch mạnh hơn.
Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu khuyến nghị nên phân loại men làm bánh mì như một loại probiotics cần thiết và chất thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong nuôi cá rô phi. Tuy nhiên, cũng vẫn cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để hiểu vai trò của nó đối với các phản ứng miễn dịch và kháng bệnh.
Sự phổ biến của probiotics
Đầu vào thức ăn nuôi cá rô phi có thể chiếm gần 70% tổng chi phí sản xuất. Việc tìm ra cách để giảm chi phí này mà không ảnh hưởng đến phúc lợi và hiệu suất của cá là điều rất quan trọng để lĩnh vực này có thể duy trì lợi nhuận. Probiotics trong chế độ ăn được coi là một giải pháp tiềm năng, cho phép người nông dân cải thiện dinh dưỡng cho cá và tăng sản lượng mà không mất nhiều chi phí.
Các thử nghiệm trên các loài cá khác cũng đã chỉ ra probiotics như S.cerevisiae thân thiện với môi trường và tăng sản lượng cá. Thêm men làm bánh vào khẩu phần ăn của cá đã cải thiện tốc độ tăng trưởng và sức khỏe đường ruột tổng thể. Các nghiên cứu khác trên các loài nước ngọt cho thấy S.cerevisiae đã cải thiện phản ứng miễn dịch và có thể ngăn ngừa các bệnh trong ao như vi khuẩn Streptococcus iniae.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra men làm bánh có thể cải thiện hiệu suất tăng trưởng, khả năng chịu căng thẳng và kháng bệnh ở cá rô phi sông Nile, nhưng ít nghiên cứu tập trung vào tác động của men vi sinh đối với hình thái đường ruột của cá.
Tiến hành nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Bangladesh đã mua cá giống cá rô phi khỏe mạnh, có chiều dài trung bình ban đầu là 7,6 ± 0,48 cm và trọng lượng trung bình là 7,55 ± 1,25 g. Sau khi làm quen, chúng được tách thành 4 đàn và thả vào bể thủy tinh 12 con/bể (75×45×45 cm) với 100 lít nước sạch.
Các nhà nghiên cứu đã kết hợp S.cerevisiae vào khẩu phần ăn cơ bản của cá rô phi ở các nồng độ khác nhau trên mỗi kg. Nhóm đối chứng không được cho ăn kèm men vi sinh và ba nhóm thí nghiệm khác được bổ sung men với liều lượng 1 g/kg thức ăn, 2 g/kg thức ăn và 4 g/kg thức ăn trong 60 ngày.
Kết quả là cá rô phi được cho ăn chế độ ăn 4 g men/kg thức ăn có tỷ lệ tăng trọng và tốc độ tăng trưởng cụ thể cao nhất – vượt trội hơn đáng kể so với cá trong nhóm đối chứng và các nhóm thử nghiệm khác. Hệ số chuyển đổi thức ăn trong nhóm 4 g đã giảm, có nghĩa là cá sử dụng thức ăn hiệu quả hơn. Không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận trong tất cả các nhóm trong suốt quá trình thử nghiệm, cho thấy rằng việc bổ sung probiotics không có tác động đáng kể đến khả năng sống sót tổng thể của cá.
Khi các nhà nghiên cứu sinh thiết ruột của cá rô phi, họ phát hiện ra việc sử dụng men vi sinh ảnh hưởng đến chiều dài, chiều rộng và diện tích của nhung mao, cấu trúc giống như ngón tay trên thành ruột. Trong trường hợp này, probiotics đã làm cho các nhung mao trở nên lớn hơn và cá trong nhóm 4 g cho thấy những thay đổi đáng kể nhất. Việc bổ sung probiotics cũng làm tăng đáng kể độ phẳng của nếp gấp niêm mạc ruột, chiều rộng của lớp đệm, chiều rộng của tế bào ruột và số lượng tế bào cốc.
Những thay đổi này cho thấy cá trong các nhóm bổ sung probiotics – đặc biệt là nhóm được bổ sung 4 g men/kg thức ăn – có khả năng hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn. Probiotics làm tăng tổng diện tích bề mặt của nhung mao, nâng cao khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu của ruột và cuối cùng, nâng cao hiệu suất tăng trưởng của cá rô phi.
Những thay đổi hình thái khác, như phản ứng niêm mạc được cải thiện và số lượng tế bào cốc, cho thấy probiotics đã cải thiện hệ thống miễn dịch của cá. Sự hiện diện ngày càng nhiều của các tế bào cốc và các nếp gấp niêm mạc được nâng cao có nghĩa là cá có nhiều hàng rào phòng thủ vật lý và hóa học hơn để bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng. Những phản ứng này có thể bẫy và loại bỏ mầm bệnh trong ruột và ngăn không cho mầm bệnh bám vào các mô ruột.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận men làm bánh nên được phân loại là một loại lợi khuẩn thiết yếu và kết quả của họ cũng đã chứng minh hiệu quả của men như một chất thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thân thiện với môi trường cho cá rô phi nuôi.
Related news
Kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá rô phi không hề phức tạp, miễn làm nắm được quy trình và tìm hiểu kỹ đặc điểm sinh học của cá rô phi
Nhờ các chiến lược phụ gia chức năng, người nuôi cá rô phi tại Brazil đã vượt qua thách thức dịch bệnh và cải thiện hiệu quả tỷ lệ chuyển đổi thức ăn
Các nhà nghiên cứu cho biết việc bổ sung tinh dầu bạc hà vào thức ăn của cá rô phi nuôi có thể giúp tăng hiệu suất và khả năng sống của cá