Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Máy gặt kém chất lượng tràn về nông thôn

Máy gặt kém chất lượng tràn về nông thôn
Publish date: Thursday. June 25th, 2015

* Kẻ cười người khóc!

Tại Nghệ An, Hà Tĩnh..., nông dân đang sính loại máy gặt lúa bằng tay, kết cấu đơn giản, dễ sử dụng, so với gặt thủ công năng suất cao gấp 5-6 lần, giá cả phù hợp. Nhu cầu cao, thương lái lập tức tuồn máy gặt tay tự chế trôi nổi, kém chất lượng về cung ứng...

Một nông dân tại xã Long Sơn (huyện Anh Sơn - Nghệ An), cho biết trước đây, để gặt một sào lúa (500 m2), nếu dùng liềm, thì mất 3 người gặt trong vòng 4 tiếng đồng hồ, tương đương với 1,5 ngày công lao động (khoảng 300.000 đồng tiền công).

Còn sử dụng máy gặt tay, chỉ cần 1 người, gặt trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Ngoài ra chi phí thêm tiền xăng (từ 0,3 đến 0,5 lít) + một ít dầu nhớt, tổng cộng chưa đến 15.000 đồng/sào. Bình quân, 4 tiếng đồng hồ, một lao động có sức khỏe tốt có thể gặt được từ 3-4 sào lúa.

Làm nông, cái vất vả, nặng nhọc nhất là công đoạn gặt lúa thì nay công việc ấy đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều lại giảm được chi phí và thời gian làm việc. Ngày trước, vụ gặt thường kéo dài 10-15 ngày, nay chỉ còn 5-7 ngày.

Giá cả các loại máy gặt được bày bán trên thị trường cũng rất phải chăng, chỉ cần bỏ ra 1,8-2,5 triệu đồng người nông dân đã có trong tay một cái máy gặt tay ngửi thơm mùi sơn. 

Có người mua máy đi gặt thuê, mỗi ngày có thể gặt được 7-8 sào, trừ chi phí xăng nhớt, khấu hao máy móc, một ngày công lao động có thể thu về sáu, bảy trăm nghìn đồng.

Có cầu ắt có cung, vùng nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa, việc cung cấp, sửa chữa máy gặt mọc lên như nấm sau mưa. Điểm chung của các loại dịch vụ cung cấp, sửa chữa này là chủ tiệm, thợ sửa chữa đều tay ngang. Thế nhưng, cứ mỗi vụ gặt họ đều có thể thu về trên dưới 50 triệu đồng.

Ông T, một thợ sửa chữa xe máy kiêm luôn việc sửa chữa máy gặt tay tại xã Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương - Nghệ An) tiết lộ, sửa chữa xe máy là công việc chính nhưng đến vụ gặt là tôi chuyển hẳn sang làm loại dịch vụ này vì kiếm tiền khá .

Ông T từng vào tận các tỉnh Tây Nguyên thu gom máy cắt cỏ loại thải, đem về sửa chữa, mông má lại động cơ, mài lưỡi, phun sơn vỏ ngoài... Mỗi chiếc máy thu gom, đưa về tận tiệm + công sửa chữa hết tổng cộng khoảng 1,2-1,7 triệu đồng. Giá bán ra thị trường bình quân từ 2-2,5 triệu đồng, thu về 7-800.000 đồng/máy.

 Do có mối làm ăn từ nhiều năm nay, thời gian gần đây, ông T chỉ cần ở nhà gọi điện thoại sẽ có người thu gom, đóng cả container gửi về tận nơi. Ông cho biết, mỗi vụ gặt bán được trên dưới 100 chiếc. Cộng với tiền công sửa chữa, mỗi vụ ông T kiếm gần trăm triệu dễ như trở bàn tay.

Nhưng đó chỉ là niềm vui của các chủ tiệm cung cấp, sửa chữa và một số ít người may mắn mua được những chiếc máy gặt tay chất lượng. Bởi đa số, khi mua phải máy móc trôi nổi, mỗi vụ mùa có khi đem đi sửa 5-6 lần.

Hầu hết nông dân khi tìm mua máy gặt tay, họ không mấy quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhất là chất lượng máy móc, ra sao. Không ai yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn, phiếu bảo hành của đơn vị sản xuất.

Gần như 100% người mua khi đưa loại máy này về dùng chỉ tin vào những cam kết miệng của các chủ tiệm là nếu máy bị lỗi, chủ tiệm sẵn sàng nhận sửa chữa miễn phí hoặc đổi lại.

Sự dễ dãi và chủ quan của người dân đã tạo điều kiện cho máy gặt tay kém chất lượng tràn về nông thôn rồi chính họ phải dở khóc, dở cười.

Sự dễ dãi và chủ quan của người dân đã tạo điều kiện cho máy gặt tay kém chất lượng tràn về nông thôn

Bà Nguyễn Thị B tại xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, cho biết: “Thấy nhà nhà đều có máy gặt, gia đình tôi bán đàn lợn sữa, ra tiệm sửa xe đạp đầu xã mua 1 chiếc máy gặt.

Nghe chủ tiệm nói, máy chạy ngon lành, cứ đem về gặt, có sự cố thì đem ra bảo hành. Lúc ở tiệm thì chạy tốt thật nhưng vừa đem ra ruộng gặt được vài vòng máy đã giật liên hồi, nổ lẹt đẹt như xăng dầu bị độn thêm nước lã rồi tắt lịm. Khởi động lại thế nào cũng không nổ.

Đem ra tiệm, sửa xong, đem về lại giở chứng, lại đem ra sửa tiếp. Cuối cùng chủ tiệm đổi cho cái khác nhưng kết thúc mùa gặt vẫn phải đem sửa 2 lần nữa. Làng này, nhà nào may mắn thì máy chạy ngon lành được 1 mùa, đến mùa thứ 2 lại hỏng hóc. Thật rõ chán!”.

Theo tìm hiểu của PV, những chiếc máy gặt tay đã và đang bán tại các vùng nông thôn Nghệ An, Hà Tĩnh nguồn gốc chủ yếu là máy cắt cỏ đưa về từ các tỉnh phía Nam về rồi chế lại.

Những chiếc máy cắt cỏ động cơ 2 thì “hết đát” đó được người ta gia công thêm một số chi tiết để biến thành máy gặt có tay cầm ga, gia cố lại cần và lưỡi (lưỡi dao và lưỡi đĩa tròn), lồng gặt.

Vì rẻ nên nông dân đua nhau mua loại máy gặt tay này. Nhiều người biết mua phải máy kém chất lượng, tự động viên mình, mua máy gặt cũng như mua đồ điện tử, may hơn khôn!

Ông H, một thợ sửa chữa xe máy chuyển sang làm dịch vụ này tại huyện Nam Đàn không ngần ngại nói thẳng: “Của nào thì tiền nấy thôi! Bởi trên thực tế, báo giá các máy gặt lúa bằng tay, động cơ 2 thì xịn mới sản xuất hiện không dưới 3 triệu đồng/máy. Máy gặt loại này rõ ràng rẻ hơn khá nhiều!".

Rẻ, nhưng chính ông H phải thừa nhận, hễ vào vụ gặt, mới 3-4 giờ sáng đã có người vác máy đến gõ cửa nhờ sửa máy để về đi gặt khi trời chưa nắng. Thực tế có quá nhiều máy kém chất lượng, “ngốn” xăng như “uống” nước lã, gặt được vài vòng lại xảy ra sự cố.

Thực trạng này, chẳng mấy năm nữa, nông thôn sẽ trở thành những bãi máy gặt tay thải loại.


Related news

Hiệu Quả Từ Nuôi Cá Lồng Trên Hồ Thủy Điện Sơn La Hiệu Quả Từ Nuôi Cá Lồng Trên Hồ Thủy Điện Sơn La

Từ năm 2010, hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước. Khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ này, bà con ven hồ xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là tín hiệu tốt để nhân dân ven hồ, bao gồm bà con các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phát huy lợi thế 214 km2 mặt nước hồ thủy điện Sơn La để phát triển kinh tế gia đình.

Sunday. October 14th, 2012
Khoanh Vùng Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Sú Tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa) Khoanh Vùng Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Sú Tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Vừa qua, một số ao nuôi tôm sú tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) xuất hiện tôm chết (khoảng 2 triệu con). Sau khi biết tin, các cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng Chi cục Thú y tỉnh đã xuống các đồng nuôi kiểm tra, lấy mẫu đi phân tích.

Friday. May 10th, 2013
Trồng Su Su Lấy Ngọn – Cơ Hội Làm Giàu Cho Nông Dân Trồng Su Su Lấy Ngọn – Cơ Hội Làm Giàu Cho Nông Dân

So với cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn…thì trồng su su đạt hiệu quả gấp 6,7 lần. Đó là nhận định của bà con nông dân tại xóm Biệng, xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), nhiều gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Friday. June 21st, 2013
Hơn 16 Ha Tôm Nuôi Ở Quảng Trị Bị Dịch Bệnh Hơn 16 Ha Tôm Nuôi Ở Quảng Trị Bị Dịch Bệnh

Ngày 8/5, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm đã xảy ra ở các xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh; xã Triệu An và Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, với diện tích nhiễm bệnh hơn 16 ha.

Saturday. May 11th, 2013
Những Bất Hợp Lý Trong Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Những Bất Hợp Lý Trong Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp

Năm qua, Bến Tre đã triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (TĐBHNN) tại 24 xã của 6 huyện, trong đó bảo hiểm đối với tôm biển 15 xã và bảo hiểm đối với cá tra 9 xã (Ba Tri 5 xã, Bình Đại 5 xã, Thạnh Phú 5 xã, Chợ Lách 3 xã, Giồng Trôm 3 xã, Châu Thành 3 xã).

Sunday. May 12th, 2013