Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngao Há Miệng, Người ... Há Mồm

Ngao Há Miệng, Người ... Há Mồm
Publish date: Tuesday. July 29th, 2014

Cơn nắng nóng của thời tiết khiến ngao trên bãi há miệng ra chết cũng không làm cho chủ nuôi run sợ bằng sự chết lặng của thị trường khi cả ngàn tấn ngao bị tồn ứ.

Tay phải chặt tay trái

Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.

Hội của ông có đến trên 100 hội viên, kể cả người ngoài hội nữa tổng diện tích ngao nuôi đến 1.200 ha, cung cấp ra thị trường một năm cỡ 30.000 tấn. Thương hiệu ngao sạch Giao Thủy ra đời như một bệ đỡ nữa tưởng đảm bảo một cách chắc chắn cho loài nhuyễn thể này có thể phát triển bền vững.

Thế mà, trên khắp các bãi ngao giờ đây chỉ còn thấy một sự uể oải đến tiêu điều. Ngao chết há miệng trắng như sắn phơi ngoài bãi nhưng nào có đáng gì so với sự chết lặng của thị trường.

Các hộ lớn như ông Cửu với 40 ha nuôi mất cỡ 4 tỉ đồng, hộ ông Phạm Văn Thực với 20 ha mất cỡ vài tỉ thì cả vùng ngao Giao Thủy ước tính sơ sơ cũng phải mất cả trăm tỉ đồng.

Ông Cửu phân tích cho tôi hiện tượng này có nhiều nguyên nhân. Năm 2012, cơn bão Sơn Tinh càn qua, 90% bãi ngao bị thổi bay chòi, tung lều, trôi mất phương tiện đi lại. Nhà nào cũng cần tiền để khắc phục hậu quả sau bão. Ngao Giao Thủy vốn có ba thị trường khá ổn định là nội địa, Trung Quốc và xuất khẩu gián tiếp qua đường vào Nam.

Trước đây phải có hợp đồng mới xuất ngao nhưng vì bí vốn người ta gửi hàng đi bán khắp nơi. Nào tự ý thuê xe vào Nam. Nào gửi vài bao tải trên xe khách liên tỉnh bán rong. Người người bán. Nhà nhà bán. Giá ngao từ 40.000đ/kg xuống 35.000đ, 30.000đ, 25.000đ, 20.000đ...

Thêm vào đó, Trung Quốc tung tin chỉ mua hàng theo cửa chính ngạch, đóng tiểu ngạch. Được một hồi, lại có tin đồn thị trường này không ăn ngao nữa. Mọi thứ cứ nháo nhào cả lên bởi lượng hàng xuất qua thị trường Trung Quốc chiếm 30-40%.

Cùng trong Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy cũng xuất hiện các kiểu cạnh tranh không lành mạnh. Trước tập thể thì thề thốt thống nhất với nhau về số lượng, về giá bán nhưng về nhà lại tìm cách hạ giá hàng của mình đi một ít sao cho đẩy bằng được ngao đi.

Từ 1.200 ha giờ đây huyện Giao Thủy chỉ còn khoảng 800 ha ngao. Giá xuống mạnh nhưng thảm hại hơn là muốn bán cũng rất khó. Dự tính số lượng cần bán mỗi ngày khoảng 180 tấn nhưng hiện chỉ xuất được cỡ 100 tấn là cùng. Mất ngao đi liền với mất nhà, nguy cơ đó đang treo lơ lửng trên đầu người nuôi nhuyễn thể ở Giao Thủy.

Giá xuống thấp nhất là thời điểm cuối năm 2012 với chỉ 9.000đ/kg nay ổn định loanh quanh 10.000đ/kg. Ngay cả con ngao ở tít tận Bến Tre cũng bị con ngao miền Bắc vít giá xuống tận đáy khiến cho các chủ nuôi phải cùng nhau than trời.

Thêm một lý do nữa để cho con ngao Giao Thủy ế là trước ngao chủ yếu được nuôi ở Nam Định còn giờ đây Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… đều nuôi được cả với sản lượng gia tăng một cách nhanh chóng.

Gần 100% người nuôi ngao đang lỗ nặng trong đó 10% đã bỏ cuộc, 40% cầm cự thoi thóp, 50% còn khả năng trụ lại một thời gian.

Cơ hội cuối cùng

Một cứu tinh cho nghề nuôi ngao tại Giao Thủy khỏi sụp đổ chính là chủ động được khâu SX giống. Mày mò từ chục năm trước với đủ công nghệ Tây, Tàu mà không nên cơm cháo gì bởi vô cùng tốn kém, bởi đều yêu cầu sạch sẽ đến mức phải lọc thật kỹ nguồn nước dẫn vào. Động tác này vô tình đã gạn sạch luôn nguồn lợi phù du khiến cho ngao bị đói, rất ốm yếu, chết yểu.

Mọi thứ đang đi vào ngõ cụt thì tình cờ năm 2004 tại bãi biển Giao Xuân xảy ra một cơn “mưa tiền” từ trên trời rơi xuống. Các bãi lúc đó xuất hiện hằng hà, sa số ngao giống tự nhiên, con nào con nấy đã to bằng hạt gạo, hạt đậu.

Ngao dạt vào đất của ai người đó nghiễm nhiên được quyền cào vớt. Có nhà sau mươi ngày cào vớt lên từ biển cả tỉ đồng. Cả Giao Xuân hồi đó phải trúng 60-70 tỉ đồng.

Năm sau, ngao cũng xuất hiện nhiều không kém. Lần này người ta đã chờ chực sẵn để tranh nhau cào, vớt những con ngao chỉ mới bé bằng sợi tóc. Mười con cào về soi lên kính hiển vi vỡ mất chín. Năm sau nữa, nạn cào ngao từ khi còn trứng nước vẫn tiếp diễn khiến nguồn lợi cạn kiệt, cơn “mưa tiền” không còn rơi xuống đất Giao Xuân.

Buồn rầu vì ngao

Tại sao ngao tự nhiên năm 2004 nở rộ mà ngao nuôi trong trại lại thất bại triền miên? Câu hỏi đó cứ trở đi trở lại trong đầu ông Nguyễn Văn Cửu. Phải đưa ngao trở lại với chính môi trường tự nhiên. Ý tưởng đó chợt lóe lên và được thực hiện. Thành công đến như một lẽ dĩ nhiên.

Hiện nay, Giao Thủy đã có 52 trại giống, SX mỗi năm 16-17 tỉ con. Thay vì phụ thuộc vào giống nhập khẩu hoặc giống từ Bến Tre ra với giá 70 đồng/con hiện nay chỉ còn 25 đồng/con. Từ miền Bắc ngao giống xuất ngược vào Nam, xuất sang cả Trung Quốc.

Theo ông Cửu nghề nuôi ngao của Nam Định tuy khó khăn nhưng vẫn có thể phát triển bền vững vì ngao là động vật làm sạch môi trường, vì đã tự chủ được giống.

Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy đề xuất: Thứ nhất phải quy hoạch tổng thể, phân định rõ nơi nào SX ngao thương phẩm, ngao giống, nơi nào phát triển ngao tự nhiên, rừng ngập mặn. Thứ hai cần đa dạng giống nuôi nhất là nguồn ngao bản địa (đang có giá gấp dăm bảy lần ngao trắng).

Hiện cả nước chỉ có nuôi mỗi giống ngao Bến Tre là điều không ổn bởi kinh nghiệm cho thấy từ năm 1992 Nam Định nhập ngao méo Thanh Hóa ra nuôi đến năm 1997 hễ thả là chết, là chậm lớn.

Con ngao Bến Tre đang có hiện tượng thoái hóa tương tự. Hồi mới nuôi chỉ khoảng 12 tháng là cho thu nhưng giờ ít nhất cũng phải 2 năm, thậm chí 3, 4 năm mới cho thu. Tỷ lệ thất thoát do sương muối, nắng nóng, sốc mặn, sốc ngọt nhiều hơn, đã thế trọng lượng ngao lại ngày một giảm. Xưa đến kỳ thu hoạch ngao đạt 25-27 con/kg nhưng nay phải 70 con mới được 1 kg.

Đề xuất thứ tư là quy hoạch vùng giống tập trung không để tình trạng 52 trại lẻ tẻ, phân tán ở cả vùng muối, vùng tôm, vùng mặn lợ. Đề xuất cuối cùng phải xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ bởi sản lượng ngao Giao Thủy không thua kém ngao Bến Tre là mấy trong khi miền Nam có mấy chục nhà máy chế biến còn cả miền Bắc bói không ra một cái nào.


Related news

Ngư Dân Xã An Hải (Huyện Tuy An) Phấn Khởi Vì Được Mùa Cá Cơm Ngư Dân Xã An Hải (Huyện Tuy An) Phấn Khởi Vì Được Mùa Cá Cơm

Khoảng một tháng nay, nhiều ngư dân ở xã An Hải (Phú Yên) được mùa cá cơm nên rất phấn khởi. Sau một đêm đi biển, thuyền khai thác ít nhất cũng được 20kg cá, thuyền nhiều trên 100kg nên ngư dân có thu nhập khá.

Friday. July 4th, 2014
Xuất Khẩu Gạo Chạm Ngưỡng 7 Triệu Tấn Xuất Khẩu Gạo Chạm Ngưỡng 7 Triệu Tấn

Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp thành viên cho đến nay, đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với tổng số lượng lên tới 6,909 triệu tấn, tăng 1,54% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, lượng gạo đã xuất khẩu đạt 5,49 triệu tấn với tổng trị giá 2,39 tỷ USD.

Monday. December 1st, 2014
Tạo “Điểm Nhấn” Nông Thôn Mới Tạo “Điểm Nhấn” Nông Thôn Mới

“Phong trào xây dựng NTM như luồng gió mới, góp phần đổi thay diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, cải thiện cuộc sống và thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển” - Đó là khẳng định của ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 3 năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với đặc thù của Điện Biên, chương trình cần “điểm nhấn” và giải pháp đột phá để thành công.

Monday. December 1st, 2014
Miền Trung Tận Diệt Nguồn Lợi Thủy Sản Ven Bờ Miền Trung Tận Diệt Nguồn Lợi Thủy Sản Ven Bờ

Với kiểu khai thác tận diệt, nhiều loại thủy, hải sản ven bờ các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng. Sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản ở khu vực này cũng đẩy hàng ngàn hộ dân rơi vào tình cảnh khốn khó. Hệ sinh thái ven bờ đang có nguy cơ bị đảo lộn hoàn toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Friday. July 4th, 2014
Cá Đồng Khan Hiếm Cá Đồng Khan Hiếm

Ngoài nguyên nhân người đánh bắt dùng xuyệt, lưới rùng, đánh thuốc để bắt theo kiểu tận diệt thì tình trạng sử dụng thuốc hóa học bừa bãi trên đồng ruộng đã khiến cho môi trường sống của các loài thủy sinh bị ô nhiễm nặng nề. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sinh này.

Friday. July 4th, 2014