Máy Kéo Câu Giảm Sức Lao Động Cho Ngư Dân
Với trăn trở giảm sức lao động cho bà con ngư dân, cải thiện lối câu truyền thống, ba bạn trẻ Lê Văn Hoàng (1986), Phan Thành Nhân (1986) và Nguyễn Văn Xuân (1984) đã sáng tạo ra “Máy kéo câu” (hay còn gọi là “Máy tời thu câu”) phục vụ ngư dân Đà Nẵng.
Cả ba bạn trẻ đều ở Vịnh Mân Quang, phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, TP Đà Nẵng), truyền thống gia đình làm nghề ngư dân, đánh bắt hải sản.
Ngày trước, Lê Văn Hoàng thường hay theo ba và mọi người trong gia đình đi bủa lưỡi câu cá. Cảm nhận được sự vất vả nhọc nhằn của mọi người, nhất là lúc kéo lưỡi câu cần rất nhiều sức lao động góp lại, từ lúc đó Hoàng đã ấp ủ mong muốn sáng tạo “một cái gì đó” có thể giúp đỡ cho các gia đình ngư dân.
Các tàu câu mỗi ngày thường bủa hai lần vàng câu, mỗi lần khoảng 5 nghìn đến 10 nghìn lưỡi câu, có khi nhiều hơn tùy vào số lượng từng tàu. Mỗi lưỡi cách nhau 3,7 mét, và bủa hết số lượng lưỡi sẽ chiếm khoảng từ 10 đến 20 hải lý. Với số lượng lớn và dài như vậy, việc kéo lưỡi câu thủ công sẽ cần nhiều sức lao động và mất từ 7 đến 9 giờ để có thể thu hết lưỡi và cá câu được.
“Rồi ba mất ngoài biển, tôi theo học nghề và mở xưởng cơ khí với hai người bạn thân, nhận được sự ủng hộ từ hai bạn Nhân và Xuân, chúng tôi đã lên kế hoạch tạo ra máy kéo câu”, Hoàng chia sẻ.
Ngay sau khi có ý tưởng, các bạn trẻ bắt tay vào việc phác thảo sản phẩm, chuẩn bị nguyên vật liệu, chia công việc phù hợp với khả năng của từng người để có thể có được ý tưởng tốt nhất, phù hợp với thực tiễn. Sau hai năm chuẩn bị và ba tháng lắp ráp chiếc máy đầu tiên đã được hoàn thành, tuy nhiên lại xảy ra một số trục trặc.
Nhớ lại những ngày đầu, Thành Nhân cho biết: “Vì vận hành bằng điện nên chiếc máy rất tốn kém về chi phí, cần dùng công suất điện lớn và sử dụng máy phát điện. Không chỉ hao điện mà tuổi thọ cũng kém và không bảo đảm công suất hoạt động vậy nên chúng tôi lại mang về xưởng và thử nghiệm chiếc thứ hai với truyền động bằng hệ thống thủy lực”.
Nếu áp dụng máy kéo câu vào việc câu cá ngoài biển, sẽ giảm đáng kể sức lao động của các ngư dân. Thay vì dùng sức bốn người để kéo như cũ, bây giờ, các tàu chỉ cần hai người mỗi lần thu câu, một người thu cá và một người nẹp lưỡi. Thời gian thu cũng giảm 30 đến 50% so với thời gian trước đây. Máy chạy bằng dầu, nên không tốn kém so với chạy điện. Thay vì mua thùng đựng dầu bên ngoài, nhóm bạn còn tự chế thùng đựng riêng cho máy của mình hoàn toàn bằng sắt chống rỉ rét khi chịu ảnh hưởng của muối biển, thời tiết… Thùng đựng dầu còn có bộ lọc bên trong nhằm ngăn bọt dầu và cặn ảnh hưởng tới chất lượng khi sử dụng máy.
Một trong những tàu đang sử dụng máy kéo câu là ông Lê Em, chủ tàu ĐNa 36271 TS. Ông Em cho biết: “Tôi sử dụng máy kéo câu đã mấy tháng nay, máy rất phù hợp với những tàu công suất vừa và nhỏ như chúng tôi, và có thể câu đa phần các loại cá. Không chỉ giảm sức lao động cho các anh em trên tàu, bây giờ, tôi còn tăng thêm lưỡi câu mỗi lần bủa để mong tăng thu nhập cho các thuyền viên”.
Hiện nay, ba bạn trẻ đã hoàn thành bốn máy kéo câu, đang được những chủ tàu trong gia đình sử dụng. Tuy nhiên, mỗi chiếc máy có giá 35 triệu là một khoản không nhỏ đối với các gia đình ngư dân ở đây.
“Mỗi máy có thể sử dụng được từ 25 đến 30 năm. Những máy trước các cháu tự góp vốn để làm, bây giờ nếu vẫn tự bỏ vốn để tiếp tục thì sẽ rất khó khăn… Hiện nay, đã bắt đầu có những đơn đặt hàng từ các chủ tàu trong Vịnh. Thường các chủ tàu sẽ đặt trước 50% giá thành. Tuy vậy, nhiều gia đình vẫn còn e ngại bởi số tiền khá lớn” – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nại Hiên Đông Bùi Sửu cho biết.
Cố gắng của nhóm bạn trẻ đã phần nào giúp những ngư dân vơi bớt khó khăn nhọc nhằn khi lao động ngoài biển khơi. Tuy vậy, để sáng chế của các bạn đến được với các tàu câu, được đón nhận rộng rãi, vẫn cần có nhiều hơn nữa không chỉ sự cố gắng của các bạn trẻ.
Nguồn bài viết: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/24864302-may-keo-cau-giam-suc-lao-dong-cho-ngu-dan.html
Related news
Thời gian qua, dịch bệnh trên các loài thủy sản nuôi liên tiếp diễn ra khiến nhiều hộ nuôi lao đao. Không chỉ gây nên thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh còn khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tôm là một trong những loài thủy sản được nuôi phổ biến do mang lại giá trị cao.
Theo kết quả khảo sát vào đầu năm 2013 của Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu về tỷ lệ hao hụt của lươn nuôi từ nguồn giống khai thác tự nhiên ở địa bàn xã Tân An thuộc thị xã Tân Châu cho thấy: Tỷ lệ hao hụt trung bình của lươn nuôi ở các mô hình nuôi lươn thương phẩm là: 59,27% .
Trong những năm qua, ngành Thuỷ sản Vân Đồn (Quảng Ninh) có những bước phát triển mạnh. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản hàng năm đều đạt ở mức cao. Đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi nhuyễn thể, đã trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của huyện Vân Đồn.
Việc nuôi bò không chỉ có 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang), mà ngay cả vùng đầu nguồn, các huyện cù lao và ven sông Hậu cũng phát triển mạnh. Mô hình “2b” (trồng bắp và nuôi bò) trở nên phổ biến, khi nông dân tận dụng phụ phẩm trồng trọt để chăn nuôi, vừa giải quyết việc làm, vừa tăng thu nhập cho gia đình ở nông thôn.
Sáng ngày 4-9, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng Tập đoàn Chen Jedang Corpration - Hàn Quốc (Tập đoàn CJ) tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ “Phát triển vùng chuyên canh ớt gắn với xây dựng nhà máy chế biến ớt khô, đóng gói tại Ninh Thuận để xuất khẩu”.