Home / Cây lương thực / Trồng ngô

Mật Độ Và Khoảng Cách Trồng Ngô

Mật Độ Và Khoảng Cách Trồng Ngô
Publish date: Friday. January 21st, 2011

Ở Việt Nam, những năm 1984-1986, Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi đã trồng giống ngô MSB49 ở các mật độ 9,52 vạn cây/ha (70x15cm), 7,14 vạn cây/ha (70x20cm) và 5,7 vạn cây/ha (70x25cm). Kết quả cho thấy: ở mật độ 9,52 vạn cây/ha với mức phân bón 120 N : 80 P205 : 40 K20 cho năng suất cao nhất (55,30 tạ/ha) và ở mật độ 5,7 vạn cây/ha cho năng suất thấp nhất.

Từ năm 2006, Bộ NN-PTNT đã ban hành Hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh ngô lai đạt năng suất trên 7 tấn/ha ở các tỉnh miền Bắc. Trong đó khuyến cáo, với các giống dài ngày nên trồng với mật độ từ 5,5-5,7 vạn cây/ha, các giống ngắn và trung ngày trồng 6,0–7,0 vạn cây/ha với khoảng cách (KC) giữa các hàng là 60-70cm. Tuy vậy, nhiều nơi bà con nông dân chưa trồng đạt mật độ khuyến cáo, có nơi chỉ đạt khoảng 3 vạn cây/ha (một sào Bắc bộ chỉ đạt 1.200 - 1.300 cây).

Theo TS Phan Xuân Hào - Viện phó Viện Nghiên cứu Ngô, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến năng suất ngô trong sản xuất của nước ta chỉ mới đạt 30 - 40% so với năng suất thí nghiệm (trong điều kiện thí nghiệm nhiều giống đã đạt 12 - 13 tấn/ha). Trên cả nước chỉ mới có tỉnh An Giang đạt năng suất trung bình 7,5 - 7,8 tấn/ha trên diện tích gần 10.000 ha từ năm 2004 đến nay.

Điều đáng nói ở đây là các nghiên cứu về KC hàng chưa được thực hiện ở ta, kể cả giống thụ phấn tự do và giống lai, mà chỉ dựa theo khuyến cáo của CIMMYT là 70-75cm. Về mật độ, cũng khuyến cáo dựa vào thời gian sinh trưởng, mùa vụ, đặc điểm hình thái như chiều cao cây, bộ lá (dài ngày, cao cây, lá rậm… thì trồng thưa; ngắn ngày, thấp cây, lá thoáng hoặc đứng… thì trồng dày)… mà chưa có một nghiên cứu cụ thể về các vấn đề trên ở điều kiện nước ta.

Thực hiện đề tài “Nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất ngô”, vụ xuân 2006, xuân và thu 2007 tại Viện Nghiên cứu Ngô đã làm thí nghiệm với với 5 giống: LVN4, LVN184, LVN99, LVN10 và LVN45. Từ kết quả thí nghiệm cho thấy, nếu so với mật độ 5 vạn cây/ha và khoảng cách hàng 70cm như đang khuyến cáo, thì năng suất thu được ở mật độ 8 vạn cây/ha đối với phần lớn các giống và 7 vạn cây/ha đối với LVN10, nhưng ở khoảng cách hàng 50cm vượt trung bình 32% (từ 30-35%).

Thí nghiệm cũng theo dõi các chỉ tiêu về thời gian sinh trưởng, đặc điểm hình thái, khả năng chống chịu với sâu bệnh và đổ gãy, các yếu tố cấu thành năng suất. Kết quả cho thấy chỉ có chỉ tiêu về cao cây và chiều cao đóng bắp ở khoảng cách hàng 90cm có xu hướng thấp hơn một ít so với các công thức khác nhưng không có ý nghĩa. Còn các chỉ tiêu khác hầu như không có sự khác biệt rõ ràng giữa các công thức, kể cả mức độ nhiễm sâu bệnh và đổ gãy. Các chỉ tiêu trên chỉ phụ thuộc vào giống, tức là những giống dễ đổ gãy hay dễ nhiễm sâu bệnh thì ở mật độ và khoảng cách nào cũng bị ảnh hưởng nặng hơn các giống khác.

Tăng 1 triệu tấn ngô, chỉ cần thay đổi cách trồng?

TS Phan Xuân Hào cho rằng nên trồng theo hàng kép với khoảng cách hàng hẹp khoảng 35cm và khoảng cách hàng rộng dưới 65cm, khoảng cách giữa các cây trong hàng khoảng 26 - 28cm để đạt mật độ từ 7 – 7,5 vạn cây/ha. Ở phía Nam, do dùng thuốc trừ cỏ và ít vun xới, KC hàng rộng có thể khoảng 60 cm, hàng hẹp dưới 40 cm và khoảng cách cây khoảng 25 cm để đạt mật độ xung quanh 8 vạn cây/ha.

Thí nghiệm với 7 giống ngô lai (LVN10, LVN4, LVN99, LVN184, LVN45, LVN9, LVN145) có thời gian sinh trưởng, đặc điểm hình thái, khả năng chống chịu khác nhau trong 3 vụ (xuân 2006, xuân và thu 2007) tại Đan Phượng – Hà Tây cho thấy: Thu hẹp khoảng cách hàng là biện pháp tăng mật độ và năng suất ngô rất rõ. Với cùng một mật độ, nhưng ở khoảng cách hàng hẹp hơn cho NS cao hơn với tất cả các giống và mật độ. Tất cả các giống ngô thí nghiệm cho năng suất cao nhất khi trồng với khoảng cách hàng 50cm (hoặc 40cm), tiếp đó là 70cm và thấp nhất là ở 90cm ở tất cả các mật độ.

Các giống thí nghiệm cho năng suất cao nhất ở mật độ 8 vạn cây/ha với khoảng cách 50x25cm, chỉ riêng giống LVN10 là ở 7 vạn cây/ha và khoảng cách 50x28cm hoặc 40x35cm. Các giống cho năng suất cao ở mật độ thấp thì cũng cho năng suất cao ở mật độ cao. Tăng mật độ chỉ có hiệu quả cao khi đồng thời thu hẹp khoảng cách hàng. Ở khoảng cách hàng 50 cm năng suất ở mật độ 8 vạn cây/ha vượt 5 vạn cây/ha là 1.623 kg, tương đương với 23%, còn ở khoảng cách hàng 70 cm chênh lệch NS giữa 2 mật độ là 721 kg, tương đương với 10,8%, và ở khoảng cách 90 cm chỉ có 623 kg, tương đương 9,9%.

Ưu thế của khoảng cách hàng hẹp hơn càng rõ khi mật độ tương đối cao. Ở mật độ 5 vạn cây/ha, NS ở KC 50cm vượt ở 70 và 90cm tương ứng 6,0 và 11,9%; ở 6 vạn cây/ha là 8,8 và 17,3%; ở 7 vạn cây/ha là 11,4 và 18,5%; ở 8 vạn cây/ha có chênh lệch lớn nhất - với 17,8 và 25,4%.

Với KC hàng 50 cm, khi tăng mật độ từ 7 vạn lên 8 vạn cây/ha NS vẫn tăng thêm 536 kg/ha, tương đương 6,6%, còn ở KC 70cm và 90 cm chênh lệch NS ở 2 mật độ chỉ là 70kg/ha và 56 kg/ha, tương đương 1,0 và 0,8%.

TS Phan Xuân Hào khẳng định sản lượng ngô Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 1 triệu tấn so với hiện nay mà không cần tăng diện tích, nếu giải pháp trồng theo khoảng cách hàng hẹp đều hoặc hàng kép (dưới 40 và 70cm) với mật độ khoảng 7, 8 vạn cây/ha được áp dụng rộng rãi, đồng thời thực hiện nghiệm túc các giải pháp kỹ thuật khác đã được khuyến cáo từ trước đến nay.Chỉ mật độ 5 vạn cây/ha nhưng khi trồng với KC hàng 50cm đã cho NS cao hơn mật độ 6 vạn cây/ha ở KC hàng 70cm hay mật độ 6, 7, 8 vạn cây/ha nhưng trồng với KC hàng 90cm. Ở mật độ 6 vạn cây/ha nhưng với KC hàng 50cm đã cho NS cao hơn mật độ 7, 8 vạn cây/ha nhưng trồng với KC hàng 70 hoặc 90 cm. Có thể trồng 7, 8 vạn cây/ha với KC hàng 50cm, 6 vạn cây/ha với KC hàng 70cm, không nên trồng với KC hàng rộng hơn 70 cm. Không thấy sự sai khác rõ về các chỉ tiêu về thời gian sinh trưởng, đặc điểm hình thái, khả năng chống chịu với đỗ gãy, sâu bệnh chính, tỷ lệ cây vô hiệu… giữa các công thức.

Về nguyên nhân năng suất tăng khi trồng ở hàng hẹp: Khi trồng ở hàng hẹp, đặc biệt ở mật độ tương đối cao, khoảng cách giữa các cây được phân bố đều nhau hơn, nhờ vậy chúng nhận được ánh sáng nhiều hơn, giảm sự cạnh tranh về dinh dưỡng và các yếu tố sinh trưởng phát triển khác. Khoảng cách hàng hẹp cũng làm hạn chế sự rửa trôi đất và dinh dưỡng, hạn chế cỏ dại phát triển và bốc hơi nước do đất sớm được che phủ.


Related news

Bón phân cho ngô, cây phàm ăn Bón phân cho ngô, cây phàm ăn

Thực tế, nếu muốn tăng nhanh diện tích, năng suất và sản lượng ngô trong những năm tới, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật về phân bón có đóng góp quan trọng.

Wednesday. November 14th, 2018
Kỹ thuật bón phân Văn Điển cho cây ngô Kỹ thuật bón phân Văn Điển cho cây ngô

Thực tiễn sản xuất hiện nay đất trồng ngô ở Vĩnh Phúc nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung hầu hết bị chua (pH < 5). Cây ngô cần pH từ 5,5 - 6,5, trong đất

Thursday. November 29th, 2018
Một số lưu ý kỹ thuật trồng và chăm sóc cây màu xuân Một số lưu ý kỹ thuật trồng và chăm sóc cây màu xuân

Hiện nay nông dân trong tỉnh đã và đang chuẩn bị giống và vật tư để trồng cây màu vụ xuân 2019, giúp bà con trồng và chăm sóc cây trồng sinh trưởng phát triển

Friday. February 15th, 2019
Phát hiện sâu gây hại ngô giống sâu keo mùa thu Phát hiện sâu gây hại ngô giống sâu keo mùa thu

Đây là đối tượng kiểm dịch thực vật tại Việt Nam, chúng đã gây hại nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan

Tuesday. March 19th, 2019
Kỹ thuật chăm sóc ngô ngọt vụ xuân 2019 Kỹ thuật chăm sóc ngô ngọt vụ xuân 2019

Để cây ngô ngọt đạt năng suất cao và nâng cao hiệu quả sản xuất cần lưu ý một số kỹ thuật chăm sóc như sau:

Tuesday. March 26th, 2019