Ma trận thị trường cây giống Tây Nguyên

Thời điểm hiện nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang tìm về xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk để mua cây giống chuẩn bị cho công tác trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả...
Nhưng khổ một nỗi, tại đây có rất nhiều cơ sở kinh doanh cây giống với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng, giá cả khác nhau, khó phân biệt đâu là cây giống bảo đảm chất lượng, cây giống không đủ tiêu chuẩn...
"Rừng" cây giống
Cũng như mọi năm, bắt đầu mùa mưa bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên tìm về các trung tâm cây giống tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (gần Viện KHKT NLN Tây Nguyên) để mua các loại cây giống như cà phê, hồ tiêu, ca cao, bơ, sầu riêng… để trồng cho kịp thời vụ.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk có khoảng 200 cơ sở buôn bán cây giống, riêng xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột có tới trên dưới 100 cơ sở, hộ dân kinh doanh buôn bán cây giống với số lượng lớn cùng nhiều chủng loại, thành phần cây giống đa dạng, giá cả chênh lệch mỗi nơi mỗi khác.
Tại cơ sở bán cây giống của anh Đức ở thôn 1, xã Hòa Thắng, cây giống gì cũng có, từ các loại giống cây công nghiệp, lâm nghiệp như cà phê, tiêu, điều, ca cao, sưa, bạch đàn, muồng, đến cây ăn quả sầu riêng, bơ, mít, ổi, cam… Khi hỏi về giá cây giống bơ, thì được trả lời là bơ có rất nhiều loại: Nào là bơ chính vụ, bơ sớm vụ, bơ rải vụ, bơ tứ quý, bơ sáp…
Riêng cây giống bơ sáp giá giá trung bình từ 15 đến 30 ngàn đồng/cây. Trong khi đó, cũng là cây giống bơ tại cơ sở sản xuất mang tên Đức Huấn (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kiun) lại bán với giá 50 ngàn đồng/cây. Lý do cơ sở này đưa ra là giá tuy có cao một chút nhưng đây là cây giống của nhà làm ra. "Chúng tôi lấy chồi từ cây bơ “vàng” có tuổi thọ trên 25 năm và ghép ngay tại vườn, bán có bảo hành… bà con yên tâm", chủ cơ sở giải thích.
Một số chủng loại cây giống khác như tiêu, cà phê, sầu riêng…, giá cả mỗi nơi một khác, chênh lệch nhau có khi gấp 3 lần. Ông Bùi Văn Tới huyện Krông Păc tìm mua giống tiêu cho biết: “Lên trên này tìm mua cây giống chẳng biết đâu mà lần! Chỗ nào cũng thấy có biển hiệu chung là "cây giống Ea Kmat", giá cả mỗi nơi mỗi khác, rất khó mua. Nhỡ mua phải cây giống dởm thì tiền mất tật mang”.
Hãy cẩn trọng
Sự phong phú đa dạng về chủng loại cây giống, có cái hay là tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân Tây Nguyên lựa chọn theo ý mình. Tuy nhiên, nó cũng gây khó khăn cho người dân không thể phân biệt được cây giống thật, giả.
Cần cẩn trọng khi mua cây giống
Trường hợp của ông Lê Văn Hải, ở huyện Buôn Đôn là một ví dụ. Ba năm trước ông mua 150 cây cà phê giống tại khu vực trên về trồng thay thế cho vườn cà phê già cỗi của mình. Lẽ ra đến nay cà phê đã ra trái, nhưng thực tế nhiều cây bị chết, cây thì chậm phát triển, chưa có trái nên ông phải chặt bỏ trồng lại.
Theo tính toán, chi phí trồng, chăm sóc 1 ha cà phê từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch lên đến trên 100 triệu đồng. Vì vậy, trong trường hợp mua phải giống cây kém chất lượng thì thiệt hại sẽ rất lớn. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh khi bán cây giống đều không xuất hóa đơn, chứng từ nên khi phát hiện giống cây kém chất lượng thì người dân không thể đòi họ bồi thường.
Trước thực trạng trên, Viện KHKT NLN Tây Nguyên đã nhiều lần khuyến cáo bà con nông dân phải tìm hiểu kĩ trước khi mua cây giống, chọn những cơ sở cung cấp giống cây được cơ quan thẩm quyền cấp phép cũng như được Bộ NN-PTNT công nhận.
Cơ sở sản xuất cây giống phải có vườn ươm, vườn chồi, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tư vấn… Bà con đừng ham rẻ và quá tin vào những lời quảng cáo của những cơ sở buôn bán cây giống trôi nổi trên thị trường, kẻo “tiền mất tật mang”.
Related news

Sau một thời gian phát triển “nóng”, ngành cá tra Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do nội tại ngành thiếu sự liên kết, gắn kết chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong chuỗi giá trị và gặp phải rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu. Để ổn định, phát triển bền vững, đòi hỏi các bên có liên quan tích cực vào cuộc, thực hiện “nâng cấp” toàn diện chuỗi giá trị cá tra, từ khâu sản xuất đến cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước…

Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Ninh Thuận khuyến cáo mô hình nuôi ốc hương và trồng rong sụn với cách nuôi trồng cải tiến có nhiều ưu điểm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ở vùng ven biển.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thâm canh nên tỷ lệ lươn sống của gia đình ông Đỗ Hữu Biên ở thôn Hoàng Thượng, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) đạt cao…

Tổng cục Thủy sản vừa có Văn bản số 784/TCTS-NTTS về việc chỉ đạo phòng chống bệnh cho nghêu (còn gọi là ngao) nuôi năm 2015 trước tình hình nghêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Tiền Giang.
Chuyến vươn khơi bám biển đầu năm, ngư dân Hải Phòng trúng “lộc” biển, cá tôm được giá. Dù vậy, không ít chủ tàu thuyền đau đầu vì tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, kinh nghiệm khai thác tài nguyên biển.