Lúa VN 121 ngắn ngày, chất lượng
Vụ HT 2015, giống lúa VN 121 được đưa vào SX tại thôn Định Công, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) với diện tích 1 ha, đã khẳng định được nhiều ưu điểm nổi trội, tạo cơ hội cho nông dân có thêm sự lựa chọn.
Giống lúa thuần VN 121 được Cty CP Giống cây trồng miền Nam chọn tạo, đã được Bộ NN-PTNT công nhận và đưa vào danh mục giống được phép SXKD tại Việt Nam.
Ưu điểm nổi bật nhất của VN 121 mà nông dân xã Hoài Mỹ ghi nhận trong vụ HT 2015 là ngắn ngày, từ khi gieo sạ đến thu hoạch chỉ có 85 ngày.
Ngoài ra, còn có ưu điểm sinh trưởng, phát triển khỏe; đẻ nhánh khá; dạng hình gọn; cứng cây chống đổ ngã tốt; chống chịu sâu bệnh, năng suất khá; đặc biệt cơm ngon, mềm, thơm…
Nông dân Bùi Mười ở thôn Định Công, xã Hoài Mỹ, cho biết: “Khi vừa xuống giống là gặp ngay nắng nóng kéo dài cả 1 tháng rưỡi, lượng giống sạ chỉ 4 kg/sào (500 m2) nhưng nhờ cây phát triển khỏe, lúa nở kín ruộng. Khi trỗ lúa bị cơn lốc mạnh nhưng không bị đổ ngã, chứng tỏ rất cứng cây.
Đặc biệt vụ HT này trên địa bàn có nhiều diện tích bị nhiễm đợt rầy rất bất thường với mật độ cao, nhưng VN 121 không thấy rầy xuất hiện.
Trước giờ tôi đã làm nhiều giống lúa ngắn ngày nhưng chưa thấy giống nào dễ làm như giống này, mà năng suất cho khá, vụ HT đạt trên 70 tạ/ha”.
Ông Nguyễn Văn Phương không tham gia mô hình nhưng từ vụ ĐX trước đã làm thử 1 sào VN 121. Nhận thấy giống này có nhiều ưu điểm như: Thời gian sinh trưởng ngắn, trỗ trước các giống lúa khác, ít nhiễm sâu bệnh, canh tác dễ nhưng năng suất cho đạt 75 tạ/ha khô sạch.
Điều ông Phương “mê” nhất là gạo ngon, mềm, thơm nhẹ. Do đó vụ thu này ông tiếp tục SX trên diện tích 1 sào.
“Tui mới thu hoạch hôm qua, năng suất bảo đảm đạt trên 70 tạ/ha khô sạch. Với giống lúa thuần dễ canh tác như thế này, tui mong ngành chức năng cho phát triển diện rộng”, ông Phương đề nghị.
“Hội đồng Khoa học tỉnh sẽ xem xét đưa giống VN 121 vào cơ cấu giống triển vọng trong thời gian tới để bố trí SX quy mô lớn trên các chân đất phù hợp. Chúng tôi đề nghị bên cung ứng giống xem xét lại giá bán giống để nông dân dễ chấp nhận hơn”, ông Nguyễn Văn Trượng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định. |
Ông Trần Khánh Dư, Phó Chủ nhiệm HTXNN Hoài Mỹ cho rằng, trong vụ ĐX thì giống nào làm cũng dễ, riêng vụ HT rất kén giống. Có những giống cơ cấu cho vụ ĐX đưa vào SX vụ thu cho năng suất kém ngay.
Vụ HT 2015 này thời tiết khắc nghiệt, nhưng giống VN 121 vẫn phát triển tốt nhờ nhiều ưu điểm kết hợp, thời gian sinh trưởng chỉ 85 ngày, đầu tư phân bón nhẹ hơn nên giảm được chi phí và rủi ro.
Đặc biệt, dạng hình màu lá chuối non, xanh nhẹ nên sâu gây hại ít thích như dạng hình lúa màu xanh đậm.
“Năm nay hạn kéo dài, đến tháng 6 tháng 7 mưa trái mùa xảy ra nên các giống khác phát sinh bệnh khô vằn nghiêm trọng, riêng lúa VN 121 không có. Ưu điểm ngắn ngày của giống này rất phù hợp với điều kiện nắng hạn bất thường như hiện nay”, ông Dư nói.
Nhiều nông dân khác thì cho rằng, vụ ĐX ở Bình Định thường gặp lũ ói, nhiều diện tích bị ngập gây chết giống. Nay có giống ngắn ngày như VN 121 sẽ rất phù hợp trong trường hợp phải sạ đi sạ lại.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, năm 2017 sẽ khởi công bê tông hóa tuyến kênh Lại Giang nằm trên địa bàn huyện.
Khi triển khai thi công ắt sẽ bị đình trệ SX, trong bối cảnh này, giống ngắn ngày VN 121 sẽ giúp ngành nông nghiệp huyện Hoài Nhơn rút ngắn thời gian canh tác, đáp ứng việc thi công tuyến kênh.
Related news
Ngay sau cuộc họp báo về Hiệp định TPP của Bộ Công Thương, một DN đã bức xúc: "TPP quá cao cấp nhưng cần được hiểu theo nghĩa của một người dân bình thường. Họ cần phải được biết, ngày mai gió bão là gì? DN chẳng biết cần chuẩn bị gì trong TPP".
Ban Quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nuôi tôm tại tổ hợp tác ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1.
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, đến hết quý 3 năm 2015, toàn tỉnh có gần 192 ha diện tích thả nuôi tôm bị thiệt hại hoàn toàn về kinh tế do nhiễm bệnh.
Tôm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng thế giới. Mà tôm khô ngon, được nhiều người biết đến nhờ chỉ dẫn địa lý là tôm khô Rạch Gốc (Cà Mau).
Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, cùng với đó chính sách hỗ trợ tàu thuyền khai thác xa bờ giải quyết kịp thời đã khuyến khích ngư dân mạnh dạn vươn khơi bám biển.