Lúa Thơm Đang Được Săn Lùng
Quan sát của chúng tôi, kể từ khi Chính phủ hỗ trợ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, các DN ở ĐBSCL đã hoạt động mua lúa khá mạnh, nhưng họ không mua lúa gạo chất lượng thấp mà chọn lúa chất lượng cao. Các giống lúa chất lượng như Jasmine hay VĐ 20 đều bán rất chạy, giá cao, cụ thể giống Jasmine giá từ 7.000-7.200 đồng/kg, thương lái vẫn tranh nhau mua. Nhiều thương lái chạy ghe dưới sông còn treo hẳn bảng "mua lúa thơm, không mua IR 50404".
Ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Khánh An, huyện An Phú – An Giang, cho biết: Tôi làm 3 ha lúa giống IR 50404 (giống chất lượng thấp), năng suất đạt rất cao từ 7-8 tấn/ha, nhưng thời điểm này chúng tôi kêu thương lái để bán lúa là một điều rất khó, họ hẹn lần hẹn lữa. Giá lúa ướt tại ruộng chỉ còn 4.000-4.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với tuần rồi. Còn lúa khô phơi 2 nắng giá chỉ 4.800-4.900 đồng/kg. Với mức giá này gia đình ông Bé vẫn chưa chịu bán mà đang neo lại vài ngày chờ giá lên. Còn hộ ông Trần Tuấn Kiệt, vừa thu hoạch 8 công lúa IR 50404 ở xã An Khánh, huyện Châu Thành – Đồng Tháp, cho biết: Gia đình cũng ráo riết thu hoạch lúa sớm để bán được giá cao, khi thu hoạch xong lúa rớt giá chỉ còn 4.800 đồng/kg, cũng đành phải bấm bụng bán để lấy tiền trả cho các đại lý VTNN, có vốn đầu tư phân bón và lúa giống cho vụ lúa HT kế tiếp. Theo ông Kiệt, với mức giá đó vụ lúa này gia đình ông lời giỏi lắm khoảng 800.000 - 1 triệu đồng/công, trong khi đó vụ lúa ĐX 2011 ông lời mỗi công 1,5-2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, cho biết: Tôi vừa thu hoạch 2ha lúa giống IR 50404, năng 1,2 tấn/công, cao hơn vụ ĐX năm 2011 khoảng 200kg/công. Thấy tình hình giá lúa này đang xuống thấp, gia đình ngày nào cũng ngồi dưới sông Ô Môn đón ghe mua lúa, ghe nào ghé lại bốc lúa lên gặp IR 50404 đều khoát tay không trả lời tiếng nào mà nổ máy đi thẳng. Ông Dũng nói thêm, cuối tuần qua thương lái còn ăn lúa IR 50404 giá dao động từ 4.900-5.000 đồng/kg. Đầu tuần này thương lái gặp lúa phẩm chất thấp không ăn nữa, thậm chí giá lúa giảm xuống khoảng 80-100 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), hiện giá gạo thơm xuất khẩu được giá cao từ 600-700 USD/tấn mà không có đủ gạo bán. Gạo phẩm cấp thấp đang rất khó xuất khẩu, thị trường nội địa cũng không kham nổi do lượng sản xuất quá nhiều, có nơi lúa IR 50404 chiếm tới 60-70% diện tích.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, thương lái mua lúa ở huyện Cờ Đỏ - TP. Cần Thơ cho hay: Cả tuần nay tôi chỉ “săn” lúa thơm như Jasmine và VĐ 20 vì các giống này đang ăn hàng rất mạnh, còn ai kêu bán lúa phẩm chất gạo thấp IR 50404 thì không mua. Chỉ có ghe nào đi mua lúa chất lượng cao mà không đầy thì mới mua lúa IR 50404 về xay xát bán lẻ gạo chợ, chứ gạo này bán cho các nhà máy xuất khẩu họ chê.
Ông Phạm Văn Bên, GĐ DN tư nhân Cỏ May – Đồng Tháp, cho biết: Hiện nay DN chúng tôi thu chủ yếu các mặt hàng lúa gạo chất lượng cao, kế hoạch năm nay xuất khẩu 50.000 tấn. Riêng vụ lúa ĐX này sẽ thu mua khoảng 25.000 tấn gạo. Hiện nay các đối tác ký hợp đồng với chúng tôi đều đòi hỏi gạo có phẩm chất tốt. Gạo phẩm chất thấp như IR 50404 họ không mua.
Các giống lúa thơm đang được thương lái thu mua giá trung bình 7.200-7.600 đồng/kg, theo đó nông dân có thể lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha.
Related news
Những cơn mưa trên địa bàn huyện Chư Sê (Gia Lai) bắt đầu xuất hiện nhiều với tầng suất và lượng mưa tương đối lớn, cũng là lúc các loại bệnh trên cây trồng xuất hiện nhiều hơn.
Trong sản xuất mía hiện nay, chữ đường (CCS) được xem là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định đến giá mía và nguồn thu nhập của người dân. Do đó, với sự hỗ trợ tích cực từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện người trồng mía trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để cây mía đạt CCS tốt nhất đến ngày thu hoạch.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) được mùa, được giá. Người trồng ít cũng thu nhập trên trăm triệu đồng. Tuy nhiên, ngành chức năng lo ngại, nếu nông dân mở rộng diện tích trồng tiêu sẽ kéo theo sản xuất thiếu bền vững.
Có 2 loại sâu đục thân hại cây cà phê là sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) và sâu đục thân mình hồng (Zeuze coffea Nietner). Chúng hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.
Hiện nay, nông dân trồng lúa trong vùng nước nhiễm mặn của các huyện phía Bắc của các tiểu bang, đặc biệt là tiểu bang Kattampally, có thể trồng giống lúa hữu cơ chịu mặn mới được lai tạo trong chương trình nhân giống cây trồng hữu cơ của Trạm Nghiên cứu Nông nghiệp Vùng (RARS) tại Pilikkode thuộc Kasaragod của Ấn Độ.