Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cuộc Chiến Cam – Bưởi Nghịch Lý Trồng – Chặt

Cuộc Chiến Cam – Bưởi Nghịch Lý Trồng – Chặt
Publish date: Thursday. May 30th, 2013

Bất chấp những khuyến cáo, cảnh báo của ngành chức năng, không ít nhà vườn ở các địa phương vùng ven huyện Châu Thành (Hậu Giang) và một số xã của thị xã Ngã Bảy đổ xô cải tạo vườn tạp, thậm chí đốn bưởi Năm Roi, chuyển đất trồng lúa để trồng cam sành. Trong khi, cây bưởi Năm Roi, lúa đang được khuyến khích duy trì và phục hồi diện tích nhưng ngày càng bị thu hẹp dần.

Những năm gần đây, cam sành trở thành hiện tượng của quá trình chuyển đổi cây trồng ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Lý do đơn giản là vì cam sành mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với một số loại trái cây khác.

Tưởng chừng như vậy thì cây cam sành sẽ được khuyến khích nhân rộng mô hình. Trái lại, ngành chức năng khuyến cáo là không nên tiếp tục chạy theo cam sành vì lo sợ nguy cơ “thừa hàng, dội chợ”. Bởi trên thực tế, sản phẩm cam sành chỉ được tiêu thụ nội địa, chưa thể xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Thế nhưng, diện tích cam sành của tỉnh cứ tăng vọt qua từng năm.

Diện tích cam sành phình to

Đông Bình là một trong số các ấp thuộc vùng sâu, vùng xa của xã Đông Phước, huyện Châu Thành. Địa bàn tuy nằm khá tách biệt với trung tâm xã, nhưng từ lâu nơi đây được mệnh danh là “làng tỉ phú cam sành” của huyện. Theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Đông Bình, cũng là người đã từng gắn bó hàng chục năm với cây cam sành thì hầu như nhà nhà đã trồng và đang “phất lên” từ cây cam sành. Ông Hiệp khẳng định: “Mức thu nhập 600-700 triệu đồng là bình thường, thậm chí 1 tỉ đồng/ha mỗi năm đối với bà con xứ này hiện nay không còn là chuyện hiếm”.

Như để chứng minh cho nhận định của mình, ông Hiệp từ tốn liệt kê cụ thể tổng số 154 hộ của chi hội trong năm 2012 vừa qua thì chỉ có 6 hộ nghèo mà nguyên nhân chủ yếu là không đất canh tác. Số còn lại đều khá giả, thuộc diện sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, Trung ương, với mức thu nhập trung bình vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng trở lên.

Còn theo ông Hai Thông (Đặng Văn Thông), hội viên Chi hội Nông dân ấp Đông Bình thì tất cả bà con có được nhà “kín cổng, cao tường” như hôm nay chính là nhờ trồng cam sành. Hiện ông Thông có trong tay 10 công cam sành đã cho trái và đang có giá khoảng 18.000-19.000 đồng/kg. Ông Thông ước tính: “Nếu giá cam sành vẫn ổn định ở mức này thì năm nay khả năng gia đình ông sẽ thu nhập bạc tỉ. Ngoài 7 công cam được trồng trước đó thì 3 công cam tơ bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên nên sản lượng chắc chắn tăng lên đáng kể”.

Không chỉ có người dân xã Tân Thành, có chung dòng chảy với tuyến kênh Bảy Thưa là ấp Đông Bình, xã Đông Phước mà người dân ở xã Đại Thành thuộc thị xã Ngã Bảy cũng đang ồ ạt chuyển đổi sang cam sành, với mong muốn “hốt” bạc tỉ sau vài năm chăm sóc. Vì thế, diện tích cam sành Ngã Bảy gia tăng qua từng năm. Năm 2011, diện tích cam sành của thị xã là 2.046ha, tăng 847ha so với năm 2010 và đến nay vườn cam sành gia tăng lên con số 2.378ha. Còn diện tích cho trái trên 1.500ha, ước năng suất 18 tấn/ha thì sản lượng lên đến 27.155 tấn cam thương phẩm.

Vườn bưởi Năm Roi teo tóp

Ngay cả ở vùng đất Phú Hữu, Phú Tân - “thủ phủ” của cây bưởi Năm Roi danh tiếng ngày nào cũng đã bị “lép vế” trước sức ép cây cam sành. Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Lâm Văn Út thừa nhận, về lâu về dài không biết sao chứ hiện tại cây cam sành là cây xóa đói giảm nghèo của xã. Thực tế là có không ít gia đình thoát nghèo, thậm chí trở thành tỉ phú. Do đó, diện tích cam sành của xã đã tăng lên 747ha, còn vườn bưởi Năm Roi khoảng 423ha, giảm hàng chục héc-ta trong vòng 3 năm qua. Biết rằng người dân tự phát trồng cam sành nhưng địa phương chưa có bất cứ biện pháp nào để chế tài hoặc ngăn cản hữu hiệu.

Vào khoảng tháng 8 năm rồi, ông Nguyễn Văn Minh, nhà vườn có trên 30 năm kinh nghiệm trồng bưởi Năm Roi ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu vẫn quyết tâm đốn hạ 4 công bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để trồng cam sành. Ông Minh cho rằng: “Đất sản xuất ít, lại thêm vườn bưởi đã già cỗi rất khó cải tạo. Chưa kể là sâu đục trái tấn công dữ dội, khiến cho chi phí sản xuất tăng cao thì khó kiếm lợi nhuận nuôi sống gia đình. Cho dù cải tạo lại thành công thì mỗi năm cho thu nhập cao lắm 40-50 triệu đồng là cùng. Nhưng trồng cam sành, nhanh cho trái nên vài năm sau là có thể kiếm được vài trăm triệu đồng/năm”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, người dân đang so sánh thu nhập giữa cây bưởi Năm Roi và cam sành. Cho nên, nhiều hộ có xu hướng cải tạo vườn bưởi già cỗi, ít có khả năng phục hồi để trồng cam sành. Đặc biệt là bưởi liên tục rớt giá trong thời gian qua (ngoại trừ thời điểm từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bưởi Năm Roi bất thường giữ mức giá trên 20.000 đồng/kg, đôi lúc gần 30.000 đồng/kg).

Chính điều này gây nhiều khó khăn, cản trở quá trình quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản tập trung của các địa phương, kể cả vùng chuyên canh bưởi Năm Roi. Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho hay, huyện xác định cây bưởi Năm Roi là cây trồng chủ lực của huyện, bởi loại cây trồng này có lợi thế cạnh tranh cao trong nước và xuất khẩu.

Vậy mà diện tích bưởi Năm Roi của huyện hiện còn khoảng 1.650ha, giảm hàng trăm héc-ta so với thời điểm 5 năm trước. Thế nhưng, ngành không thể ngăn cấm chặt phá mà chỉ có thể tuyên truyền, khuyến khích người dân giữ gìn vườn bưởi Năm Roi. Đồng thời, động viên người dân không nên tiếp tục chạy theo cam sành vì nguy cơ bùng phát dịch bệnh, “thừa hàng, dội chợ” là rất lớn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, Hậu Giang có diện tích cây ăn trái 26.109ha, sản lượng 180.210 tấn/năm. Riêng cây cam sành có diện tích 7.827ha, được trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, với sản lượng thu hoạch năm 2012 đạt 53.562 tấn.


Related news

Vì sao nông sản Việt Nam mất giá Vì sao nông sản Việt Nam mất giá

Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản (NLTS) đã có những bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại. Tuy nhiên, so với khối lượng xuất khẩu nông sản ngày càng tăng, tốc độ gia tăng của chế biến vẫn còn rất hạn chế. Chính điều này đã làm nông sản Việt Nam mất giá

Monday. November 30th, 2015
Trồng rau sạch, thu ngàn tỷ đồng Trồng rau sạch, thu ngàn tỷ đồng

Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang làm lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng rau sạch...

Monday. November 30th, 2015
40% nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách 40% nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT, tỷ lệ nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách khá nhiều, chủ yếu là do sử dụng quá liều, sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc không tuân thủ đúng thời gian cách ly…

Monday. November 30th, 2015
Hiệu quả sử dụng phân Đầu Trâu cho cây trồng Hiệu quả sử dụng phân Đầu Trâu cho cây trồng

Tổng kết kinh nghiệm sử dụng phân khoáng cho cây trồng được nêu tóm tắt theo những ý chính dưới đây:

Monday. November 30th, 2015
Lợn giun quế ăn Tết đặt trước 4 tháng, cử người thăm nuôi Lợn giun quế ăn Tết đặt trước 4 tháng, cử người thăm nuôi

Mặc dù gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2016 nhưng một số gia đình ở Hà Nội đã bắt đầu lùng mua lợn sạch. Điều đặc biệt là loại lợn này được nuôi bằng giun quế và thảo dược.

Monday. November 30th, 2015