Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lợn Tăng Giá Và Tính Bền Vững Của Chăn Nuôi Trang Trại

Lợn Tăng Giá Và Tính Bền Vững Của Chăn Nuôi Trang Trại
Publish date: Wednesday. December 18th, 2013

Mặc dù một thời gian dài vào giữa năm 2013, thịt lợn hơi giảm giá mạnh làm cho người chăn nuôi không lãi nhiều nhưng vẫn cầm chừng đàn và với sự tính toán, nắm bắt nhu cầu thị trường, từ tháng 9/2013, nông dân tăng đàn để đảm bảo lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong Tết Nguyên đán. Đúng vào thời điểm này, giá thịt lợn tăng trở lại tạo điều kiện để người chăn nuôi nâng cao thu nhập.

Nuôi lợn trang trại có nhiều lợi thế

Trang trại chị Nguyễn Thị Kiệu ở thôn Tân Xuân, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) thường xuyên nuôi trong chuồng 450- 500 con lợn thịt và 83 con lợn nái. Trang trại rộng khoảng 2 ha chị dành hết cho chăn nuôi lợn và gia cầm. Lúc giá thịt lợn giảm cũng như lúc giá thịt lợn tăng, chị cứ đều đặn xuất chuồng mỗi tháng 100- 150 con. Nhờ chủ động tự túc được nguồn lợn giống và tự phối trộn được thức ăn nên giá thành chăn nuôi lợn của trang trại chị Kiệu thấp hơn nhiều trang trại khác.

Do đó, lúc giá thịt lợn hơi trên thị trường trong năm nay giảm xuống còn 37.000 đồng/kg chị vẫn duy trì được hoạt động chăn nuôi. Đến hiện nay, giá tăng trở lại 45.000 đồng/kg lợn hơi, trang trại của chị thu lợi nhuận mỗi tháng hơn 60 triệu đồng. Bốn lao động của trang trại vẫn đảm bảo được mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Kiệu cho biết: “Nghề chăn nuôi lợn phải duy trì hoạt động thường xuyên, lúc được giá thì tăng đàn, lúc giảm giá thì cũng phải duy trì đàn ở mức tối thiểu chứ đừng bỏ đàn và phải đón đầu thị trường. Thường thời gian gần tết và sau tết là giá các loại thịt tăng nên lúc nào trang trại của tôi cũng tăng đàn trước đó 3 tháng để đáp ứng nhu cầu tăng trên thị trường thịt mà lợi nhuận cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với thời gian giữa năm. Việc tăng, giảm giá lợn trên thị trường như thành quy luật rồi nên người chăn nuôi cũng nắm bắt được và đều có kế hoạch tăng đàn để đảm bảo đạt lợi nhuận tốt nhất”.

So với các năm trước, năm 2013, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do thịt lợn hơi giảm giá mạnh, song không vì thế mà tình hình chăn nuôi lợn giảm sút. Các trang trại vẫn duy trì đàn và bước sang quý 3 thì bắt đầu tăng đàn nhanh chóng. Tổng đàn lợn toàn tỉnh cả năm 2013 đạt 237.000 con, trong đó riêng quý 3 chiếm hơn 40% tổng đàn. Một số địa phương như xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị có tốc độ tăng đàn nhanh đạt hơn 800 con trong quý 3 trong tổng số hơn 1.800 con của cả năm 2013.

Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Quyết định 32/2009/QĐ-UBND ngày 15/12/2009 của UBND tỉnh Quảng Trị áp dụng đối với quy mô chăn nuôi từ 50 con trở lên đối với trang trại và 10 con trở lên đối với hộ chăn nuôi đã có tác dụng khuyến khích chăn nuôi theo quy mô trang trại và gia trại.

Việc chăn nuôi tập trung và chuyên nghiệp đã làm cho công tác quản lý chăn nuôi dễ dàng hơn. Các chủ trang trại nắm bắt tốt thị trường nên có kế hoạch sản xuất tốt nhất trong từng thời điểm. Vì thế, tính trên bình quân chung cả tỉnh ít khi xảy ra tình trạng cung không đủ cầu thịt lợn.

Ông Nguyễn Sinh Tung, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: Chăn nuôi tập trung đem lại rất nhiều thuận lợi trong xây dựng kế hoạch phát triển cũng như trong quản lý chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Chỉ tính riêng vấn đề tăng đàn và giảm đàn vào thời điểm nào cho có lợi thì các chủ trang trại làm tốt hơn rất nhiều hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong sản xuất nông nghiệp lúc tăng giá, lúc xuống giá là chuyện bình thường, các chủ trang trại dự tính tốt tình hình nên theo đuổi đến cùng. Do vậy, sau thời gian dài giảm giá mạnh, đến thời gian cuối năm nay, thịt lợn tăng giá mạnh mà tỉnh Quảng Trị vẫn đảm bảo được lượng thịt đáp ứng nhu cầu tăng trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Ứng dụng KHKT giúp chăn nuôi phát triển bền vững

Trong thực tế, chăn nuôi nhỏ lẻ ít tạo ra lợi nhuận (nếu không nói là lỗ) bởi nhiều nguyên nhân là ít áp dụng KHKT, con giống lựa chọn chưa chuẩn nên thời gian nuôi kéo dài, tiêu tốn thức ăn nhiều nhưng lại cho năng suất thấp và chất lượng thịt cũng thất thường.

Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng không được hưởng ưu đãi các dịch vụ đầu vào (do số lượng mua thức ăn công nghiệp ít) nên giá thành lợn hơi nông hộ nuôi cao hơn nhiều so với trang trại. Hơn nữa, việc chăn nuôi nhỏ lẻ cũng làm cho các ngành chức năng khó khăn trong quản lý, đặc biệt quản lý dịch bệnh nên dịch bệnh dễ bùng phát và lây lan gây thiệt hại nhiều cho ngành chăn nuôi toàn tỉnh.

Trong khi đó chăn nuôi tại trang trại lại đạt hiệu quả hơn nhiều ngay cả khi giá lợn xuống thấp. Bởi các trang trại có mức độ đầu tư cao, con giống được lựa chọn tốt, ứng dụng nhiều tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, chế độ dinh dưỡng tốt, chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, quản lý chăn nuôi tốt và hưởng được khá nhiều ưu đãi các dịch vụ đầu vào nên chăn nuôi cho năng suất cao và chất lượng thịt tốt. Khi tiêu thụ cũng thuận lợi hơn và không bị các thương lái ép giá.

Chị Nguyễn Thị Kiệu cho biết thêm: “Trang trại của tôi nuôi lợn nhanh lớn (chỉ 3 tháng rưỡi/lứa) nên chi phí thức ăn giảm. Thức ăn công nghiệp đậm đặc mua cũng được các công ty ưu đãi về giá, cộng với áp dụng cách phối trộn mới đảm bảo chất dinh dưỡng mà giá rẻ nên lợi nhuận cao hơn các nông hộ nuôi nhỏ lẻ. Năm 2013, lúc giá thịt lợn hơi giảm xuống thấp nhất là 37.000 đồng/kg thì mỗi lứa lợn trang trại của tôi vẫn lãi 200 ngàn đồng/con. Hiện nay, giá lợn hơi hơn 45.000 đồng/kg, tôi lãi được 600 ngàn đồng/con”.

Chính nhờ liên kết chặt chẽ về dịch vụ đầu vào, đầu ra và ứng dụng nhiều tiến bộ KHKT trong chăn nuôi nên các trang trại luôn đảm bảo sản xuất có hiệu quả. Vì thế, phải chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mở rộng quy mô chăn nuôi và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến bán sản phẩm ra thị trường, trong đó các chủ thể tích cực hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Có như thế chăn nuôi mới phát triển bền vững.


Related news

Đa Dạng Cơ Cấu Vật Nuôi Với Mô Hình Gà Lai Đông Tảo Đa Dạng Cơ Cấu Vật Nuôi Với Mô Hình Gà Lai Đông Tảo

Nhằm đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tháng 4/2014, Hội Nông dân TP. Điện Biên Phủ đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm nuôi gà lai Đông Tảo trên địa bàn 5 phường: Tân Thanh, Mường Thanh, Him Lam, Noong Bua, Thanh Bình với số lượng 1.250 con gà cho 70 hộ dân. Sau hơn 2 tháng triển khai, bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Friday. June 27th, 2014
Mãng Cầu Xiêm Và Khóm Rớt Giá Mạnh Mãng Cầu Xiêm Và Khóm Rớt Giá Mạnh

Tương tự, tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) - địa bàn có diện tích khóm lớn nhất ĐBSCL với hơn 14.000ha, giá khóm hiện chỉ dao động ở mức 1.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá 3.000 - 3.500 đồng/kg cuối tháng trước, do đang vào thu hoạch vụ chính.

Friday. June 27th, 2014
Lối Đi Nào Cho Công Nghiệp Nông Thôn ? Lối Đi Nào Cho Công Nghiệp Nông Thôn ?

Với xuất phát điểm thấp, các ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Hậu Giang còn lạc hậu so với các địa phương khác. Cả tỉnh có trên 4.224 cơ sở CNNT, nhưng đa số hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết trong sản xuất - tiêu thụ. Do vậy, công nghiệp nông thôn vẫn loay hoay chưa tìm ra chỗ đứng.

Friday. November 28th, 2014
Thêm Những Mùa Vàng Thêm Những Mùa Vàng

Trong sản xuất nông nghiệp, ông cha ta vẫn truyền nhau kinh nghiệm: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" đó là những điều kiện không thể thiếu để đạt năng suất cao.

Friday. June 27th, 2014
Mất Mùa, Rớt Giá Mất Mùa, Rớt Giá

Dự báo, năng suất chỉ đạt khoảng 50-60% so với năm ngoái. Ông Đỗ Văn Thành, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, cho hay: “Vào thời điểm để trái, thấy cây ra bông mà mừng trong bụng, vì nghĩ rằng năm nay sẽ trúng mùa. Nhưng không hiểu vì sao, tuy có ra bông nhưng số trái đậu rất thấp và trái bị rụng khá nhiều, mặc dù đã không ít lần xịt thuốc phòng chống sâu bệnh”.

Friday. November 28th, 2014