Loạn Sân Nghêu

Sân nghêu khoảng 300ha ở khu vực cồn Chày Mười (thuộc ấp Thới Hòa 1 và Thới Hòa 2, xã Thới Thuận, Bình Đại, Bến Tre) từ đầu tháng 5 đến nay luôn trong tình trạng hết sức căng thẳng, bởi những người trộm nghêu tấn công!
Trắng đêm kinh hoàng ở bãi nghêu
Chúng tôi có mặt tại bãi nghêu vào chiều ngày 26-5-2014. Trời chạng vạng tối, từ trong phía bìa rừng dương kéo dài khoảng 4km, từng nhóm người với dụng cụ sẵn sàng ngồi quây quần chờ cho nước lớn để tràn ra bãi cào nghêu. Tiến vào bìa rừng, muỗi kêu vo ve, tiếng bốp chát đập muỗi liên tục.
Một nhóm thanh niên đến từ ấp Thừa Lợi (Thừa Đức) cho biết đã ở đây từ lúc khoảng 11 giờ trưa, mang theo cơm nguội và xôi, nước đựng trong chai để ăn uống cầm chừng, mòn mỏi chờ cho nước lớn trở lại cào tiếp, sau khi đã cào xong lúc nước lớn ban ngày khoảng 13 giờ.
Dưới bãi biển, lực lượng Quân sự huyện, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Đại túc trực trên chốt, tàu tuần tra và ca nô; Công an, Quân sự xã Thới Thuận; khoảng hơn 30 bảo vệ của Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Rạng Đông; các lực lượng này phối hợp với nhau canh giữ. Tất cả đều rất khẩn trương pha đèn liên tục khi nước sắp tràn vào bãi. Khoảng 23 giờ, nước lớn tràn từ từ vào.
Từ trong các bìa rừng, những tiếng reo hò vang động ùa ra. Từ cồn Kẽm, hơn 150 thanh niên chỉ mặc quần đùi, ngoài dụng cụ cào nghêu trên tay, phía sau lưng còn đeo thêm một khúc cây dài khoảng một mét, vừa tràn ra bãi biển, vừa la hét inh ỏi trong khi nước lớn tràn vào cùng với gió ào ào.
Bãi nghêu ầm ĩ với hơn 500 người lặn hụp cày xới. Rất nhanh chóng, họ tràn qua ranh giới để tiến vào khu vực nuôi nghêu thịt của HTX Rạng Đông. Những tiếng loa phóng thanh tuyên truyền vận động của cơ quan chức năng xem ra không ăn thua gì.
Tình hình trở nên rất căng thẳng khi bà con ở xã Thới Thuận ý thức được rằng, chính họ đang tàn phá tài sản của họ. Họ tập hợp lại để cùng với cơ quan chức năng truy đuổi những người trộm nghêu. Cuộc đối đầu rất hỗn loạn, nhưng rất may là không có trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Không ai đi “hôi của” của chính mình
Bãi nghêu thiên nhiên ở cồn Chày Mười có diện tích khoảng 300ha, trước kia thuộc quyền quản lý và khai thác của UBND xã, nhưng do có trữ lượng không đồng đều hàng năm, nên UBND huyện Bình Đại xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh và đã được phê duyệt giao lại cho HTX Rạng Đông sáp nhập vào diện tích 1.200ha của HTX: quản lý, phân lô nuôi nghêu thịt, khai thác nghêu thiên nhiên và chia lại đồng đều cho bà con xã viên.
Sở dĩ từ ngày 2-5-2014 đến nay, mỗi ngày đều có người đến khai thác nghêu con trái phép vì họ đã bị lừa bởi sự thổi phồng, kích xúi của những “đầu nậu”: nghêu cào được sẽ mua với giá 5,6 triệu đồng/kg, mỗi ngày cào vài ba kilogram là chuyện thường, bởi lượng nghêu năm nay rất nhiều…
Nhưng khi cào được vài gram thì họ bảo nghêu có lẫn nhiều tạp chất, kích cỡ lớn, lại chủ yếu là nghêu lụa, ít nghêu thương phẩm, nên mua giá vài trăm ngàn đồng/kg. “Họ cũng đâu có xuất hiện nữa, mà chủ yếu chúng tôi bán cho lái khác, nhưng lái cũng bị cơ quan chức năng “điều tra”, nên hiện tại dù chúng tôi cào được nghêu cũng chẳng có ai mua” - N.V.Tr (người trộm nghêu ở Ba Tri) nói.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch UBND xã Thới Thuận, cho biết: Kể từ đầu tháng 5-2014, một vài người phát hiện có nghêu con nên đã loan tin và người dân ở một số nơi lận cận tìm đến “hôi nghêu”. Người dân tại chỗ thì sợ tài nguyên bị chiếm đoạt nên cũng tranh thủ “kiếm chác”, làm cho tình hình rối ren.
Ông Hùng nói: “Không ai lại đi “hôi của” của chính mình. Lẽ ra người dân Thới Thuận nên bình tĩnh, đồng lòng và phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ tài nguyên của thiên nhiên ban tặng cho mình ngay từ đầu mới phải. Đâu cần chờ đến khi “kẻ trộm” tấn công vào lô nghêu thịt của HTX Rạng Đông, xã viên mới bảo vệ”.
Về biện pháp xử lý đối với nghêu tặc, ông Nguyễn Văn Măn - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho biết: Chủ trương là vận động, tuyên truyền cho bà con, sau đó mới xử lý vi phạm. Lực lượng chức năng sẽ cố gắng đến mức tối đa để tránh xảy ra những việc đáng tiếc.
Đối với người trộm nghêu từ địa phương khác đến, địa phương sẽ liên hệ với chính quyền nơi họ cư trú để phối hợp xử lý; những trường hợp thường trú tại địa phương sẽ căn cứ theo Điều lệ HTX để xử phạt… Tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý đúng luật định, các trường hợp trộm nghêu mà tang vật bắt quả tang trị giá đến 2 triệu đồng trở lên (pháp luật quy định) sẽ bị khởi tố hình sự.
“Những đầu nậu đến từ những địa phương khác đã thất hứa trong việc làm ăn với HTX Rạng Đông, họ chỉ mua nghêu con vài ngày đầu rồi biệt tăm. Sau đó, họ chỉ mua của những người trộm nghêu, kèm theo đó là những tin mang tính xuyên tạc, kích xúi gây xôn xao trong dư luận.... Đây là một dấu hiệu rất bất thường và cơ quan Công an đang điều tra làm rõ để ổn định tình hình.
Trước hết, bà con phải thật sự bình tĩnh, cùng phối hợp với cơ quan chức năng xử lý những kẻ đã dùng thủ đoạn kích thích lòng tham của con người hòng gây mất trật tự, qua đó chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý mọi trường hợp để tránh tạo tiền lệ xấu đối với HTX Thủy sản Đồng Tâm (xã Thừa Đức) trong thời gian tới” - Ông Nguyễn Văn Măn - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại.
Related news

Chị Lê Thị Nhật, chủ một trang trại heo ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, cho biết khoảng 10 ngày nay, một số thương lái đã đến thu mua loại heo trên dưới 100 kg tại trang trại của chị. Mức giá cao hơn so với bình thường từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Các thương lái này cũng hẹn sẽ quay lại gom hàng khi số heo còn lại đạt đủ trọng lượng.

Cách đây khoảng 3 năm, số tiền cám mà chị Chu Thị Hoàn, thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, đầu tư nuôi một nghìn con gà từ khi mới nở đến lúc xuất bán (khoảng 4 tháng) hết 40 triệu đồng, nhưng hiện nay đã tăng lên 70 triệu đồng. "Giá cám tăng chóng mặt, nhưng gia đình tôi vẫn phải nuôi vì trót vay vốn ngân hàng để đầu tư", chị Hoàn giãi bày.

Trang trại nuôi gà rừng của gia đình ông Lê Toái (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) dần dần đã trở nên đông khách và thu hút rất nhiều hội viên Hội nông dân tham quan học tập bởi đặc điểm hết sức độc đáo so với gà nhà, với vóc dáng nhỏ bé, màu sắc khác thường và giá trị dinh dưỡng mang lại rất cao, được nhiều người ưa chuộng.

Những ngày này, tại một số cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nông dân đang tất bật các công đoạn bơm nước, ngâm ủ giống và đã bắt đầu xuống giống vụ lúa Đông xuân 2013-2014. Tuy nhiên, việc xuống giống lúc này của người dân cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết hiện nay.

Giá tiêu hiện ở mức khoảng 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại. Theo dự báo, giá tiêu có thể tăng thêm, bởi nhu cầu thế giới tăng, trong khi sản lượng tiêu ở các nước như Indonesia, Ấn Độ… đều giảm. Thế nhưng, niềm vui của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh không được trọn vẹn bởi điệp khúc “được giá - mất mùa”.