Liên Kết Trồng Hoa, Cây Cảnh
Để giúp làng nghề trồng hoa, cây cảnh xóm Phạm Tăng phát triển bền vững, Hội nông dân (ND) xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định đã thành lập câu lạc bộ trồng hoa, cây cảnh.
Xóm Phạm Tăng có 139 hộ thì 80 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích 6ha. Nhiều hộ đã đổi đời từ nghề này.
Vào CLB có nhiều cái lợi
Dẫn chúng tôi đến thăm làng nghề trồng hoa, cây cảnh, ông Ngô Văn Hướng - Chủ tịch Hội ND xã Hải Tân cho biết: Trước kia, toàn bộ diện tích trồng hoa, cây cảnh này là cánh đồng chiêm trũng, mùa lũ nước ngập trắng xóa. Năm 2003, xã có chủ trương khuyến khích ND chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh và các cây có giá trị kinh tế cao.
Nhiều hộ đã mạnh dạn đưa hoa, cây cảnh vào trồng trên đất lúa. Năm 2012, làng nghề trồng hoa, cây cảnh xóm Phạm Tăng được UBND huyện Hải Hậu công nhận làng nghề truyền thống. Để giúp ND “sống khỏe” với nghề, tháng 2.2013, Hội ND xã thành lập CLB trồng hoa, cây cảnh. CLB có nhiệm vụ dạy nghề, cung cấp cây giống, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp ND vốn, tiêu thụ sản phẩm. Đầu năm 2014, làng nghề được UBND tỉnh Nam Định công nhận làng nghề truyền thống cấp tỉnh”.
Ông Phạm Văn Viên - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Ngày mới thành lập, CLB có 27 thành viên là những hộ có cùng đam mê cây cảnh. CLB sinh hoạt định kỳ hàng tháng để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, giải đáp thắc mắc gặp phải trong việc trồng hoa, cây cảnh”.
Năm 2013, Hội ND xã Hải Tân phối hợp với CLB trồng hoa, cây cảnh và Hội Sinh vât cảnh tỉnh Nam Định mở 2 lớp dạy nghề trồng hoa, cây cảnh cho 70 hội viên ND. Trong 3 tháng, học viên được trang bị những kiến thức về kỹ thuật cắt, tỉa, tạo thế cây.
Thấy được lợi ích khi tham gia CLB, nhiều hộ dân đăng ký tham gia. Đến nay, thành viên CLB tăng lên 45 người.
Thêm mối làm ăn, tăng thu nhập
Là thành viên tổ kỹ thuật của CLB, anh Ngô Văn Nhợi tâm sự: “Gia đình tôi có hơn 2.000m2 trồng hoa, cây cảnh. Muốn làm ăn lớn thì phải liên kết lại, chứ hộ nào biết hộ đấy sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ. Chính vì thế khi Hội ND xã ra mắt CLB tôi xin gia nhập ngay.
Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, chỉ riêng 400m2 trồng đào cảnh, tôi thu lãi 120 triệu đồng. Năm nay, ngoài những đơn hàng cũ, tôi còn nhận thêm 2 đơn hàng nữa. Nếu thời tiết thuận lợi, năm nay gia đình tôi sẽ thu lãi cao gấp đôi năm ngoái từ vườn hoa, cây cảnh này”.
"Muốn làm ăn lớn thì phải liên kết lại, chứ hộ nào biết hộ đấy sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ”
Anh Ngô Văn Nhợi
Với trách nhiệm của mình, anh Nhợi cùng với 4 thành viên khác trong tổ trực tiếp hướng dẫn các hội viên tạo thế cây theo hình các con giáp và những hình dáng khác như long đàn phượng vũ, ngũ phúc, dáng trực... không chỉ độc đáo mà còn lạ mắt. Sau khi đã tạo thế, mỗi cây có thể bán được từ 5-7 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng.
Cũng tham gia CLB ngay từ ngày thành lập, ông Hoàng Văn Sơn cho hay: “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng các loại hoa truyền thống như cúc, hồng, mỗi năm thu lãi khoảng 20 triệu đồng… Tham gia CLB, được hướng dẫn bài bản kỹ thuật cắt, tỉa, tạo thế cây cho đào cảnh, quýt cảnh… tôi mạnh dạn chuyển 1.500m2 trồng lúa sang trồng cây cảnh. Năm 2013, trừ chi phí tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng”.
Ông Ngô Văn Hướng chia sẻ: Sản phẩm của làng nghề xóm Phạm Tăng được thương lái khắp nơi trong nước tìm mua. Nhiều hộ đã có của ăn của để. Toàn xã hiện có hơn 700 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích hơn 30ha…
Related news
Vụ mùa năm nay, xã Tùng Bá tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa lai diện tích lớn với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, khuyến nông viên xã; đặc biệt xã chủ động đứng ra bảo lãnh với Đại lý phân phối vật tư nông, lâm nghiệp cung ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thực hiện mô hình để sản xuất kịp khung thời vụ theo phương châm “5 cùng”... hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn.
Trong khi các xã khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang khẩn trương thu hoạch ngô, chuẩn bị đất để gieo trồng vụ mới thì người dân ở các xã: Niêm Tòng, Niêm Sơn, Khâu Vai mới bắt đầu tiến hành vun các diện tích ngô trồng lại.
Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.
Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.
“Với gần 4.300ha nhãn cho thu hoạch với chất lượng quả rất cao, bán được giá gấp đôi, gấp ba so với nhãn thường, tư thương lại thu mua mạnh nên vụ nhãn năm nay người dân huyện Sông Mã rất phấn khởi” - ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) hào hứng thông tin.