Liên Kết Trong Chăn Nuôi
Trong bối cảnh người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn vì con giống, thức ăn, thuốc thú y liên tục tăng giá nhưng thị trường đầu ra lại bấp bênh; nguy cơ dịch bệnh rình rập… thì mô hình liên kết chăn nuôi giữa Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam với một số chủ trang trại trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) mở ra hướng đi mới đầy triển vọng.
Theo chân anh Thái Quốc Khánh, Giám đốc HTX chăn nuôi Thống Nhất, huyện Cam Lộ đến thăm trang trại 1.500 con lợn/lứa do chính anh làm chủ, chúng tôi mới biết ở Quảng Trị đã có những trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, hiện đại và chuyên nghiệp đến vậy.
Sau khi hướng dẫn cách nhúng chân qua bồn khử trùng, anh Khánh dẫn chúng tôi vào khu vực nuôi lợn là một dãy nhà được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài và giới thiệu: “Để hợp tác được với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, trước hết tôi phải xây dựng trang trại theo đúng mô hình thiết kế của công ty về diện tích, cách bố trí các dãy, ô chuồng; có hệ thống quạt thông gió làm mát không khí vào mùa hè; máy phát điện để sưởi ấm vào mùa đông đảm bảo nhiệt độ chuồng nuôi luôn ổn định ở mức 270C.
Ngoài khu nhà điều hành, kho dự trữ thức ăn, trong khuôn viên trang trại còn có hệ thống xử lý chất thải hầm bioga dung tích 7.500 m3, thiết kế hiện đại đảm bảo xử lý tuyệt đối chất thải chăn nuôi… Tôi đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để có hệ thống cơ sở hạ tầng này”.
Đổi lại, anh Khánh được Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp 1.500 con lợn giống/lứa; toàn bộ thức ăn, thuốc thú y trong quá trình nuôi; sau 4,5 - 5 tháng phải đảm bảo điều kiện trọng lượng 100 kg/con trở lên, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Trung bình mỗi con lợn hơi xuất chuồng anh Khánh được công ty trả 300 ngàn đồng/con. Ngoài ra, trong quá trình nuôi công ty thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống theo dõi, hướng dẫn cách chăm sóc cũng như phòng chống dịch bệnh cho trang trại. Đây được gọi là hình thức chăn nuôi gia công, một mô hình liên kết chăn nuôi lần đầu tiên có mặt ở Quảng Trị và chỉ trong một thời gian ngắn đã có 5 chủ trang trại ở huyện Cam Lộ thực hiện mô hình này.
Ông Hồ Văn Dương, nông dân xã Cam Thanh là người đầu tiên “bắt tay” với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P thực hiện mô hình này. Vốn là một nông dân có chí làm giàu, ông Dương được nhiều người biết đến với mô hình cá - lúa kết hợp chăn nuôi ra đời khá sớm ở vùng đất bạc màu xã Cam Thanh.
Tuy nhiên, với nguồn vốn tự có ông Dương nhận ra rằng thật khó mở rộng sản xuất nếu tự trang trải mọi khâu trong quy trình chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Vì vậy, khi vào Đồng Nai học tập kinh nghiệm làm ăn, ông nhanh chóng tiếp thu mô hình liên kết chăn nuôi giữa doanh nghiệp với nông hộ chăn nuôi.
Theo ông Dương thì mô hình chăn nuôi này rất phổ biến ở các tỉnh, thành miền Nam nhưng ở Quảng Trị thì chưa có nên ông phải tốn khá nhiều công sức để tìm hiểu, chủ động liên lạc và đàm phán để hợp tác với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Sau 2 năm thực hiện, ông Dương đã xuất chuồng 4 lứa lợn thương phẩm (1.000 con/lứa) cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P, tổng tiền gia công ông nhận được từ công ty là 1,2 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí nhân công, điện, ông Dương hưởng lợi nhuận bình quân 300 - 400 triệu đồng/năm.
Ngoài lợi nhuận về kinh tế thì sau khi chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung; liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi để sản xuất lợn thương phẩm, ông Dương cũng như các chủ trang trại ở Cam Lộ đều học thêm được nhiều kiến thức về chăn nuôi từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P, những người thường xuyên về hỗ trợ chuyên môn cho các trang trại như quy trình kỹ thuật nâng cấp con giống, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, môi trường… nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lợn thịt theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp, góp phần định hướng sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Related news
Gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà (Krông Nô - Đắk Nông) hiện có vườn vải 400 gốc, cho thu hoạch mỗi năm 25 tấn, đưa lại tổng thu nhập 700 triệu đồng.
Trong vòng 10 ngày trở lại đây, giá tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh ĐBSCL tăng ít nhất 10.000 đồng/kg, từ 87.000 đồng lên 97.000 đồng/kg loại 100 con/kg tại ao. Dự báo xu hướng giá tôm thẻ chân trắng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do sản lượng tôm năm nay của Thái Lan không đạt như kỳ vọng, trong khi nhu cầu thị trường mỗi ngày một tăng.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng hướng dẫn cách nuôi nghêu đối với bà con ở khu vực phía Nam. Theo chuyên gia, nuôi nghêu giỏi có thể giúp nông dân thu bạc tỷ.
Sử dụng quỹ đất công, giao cho các tổ chức đoàn thể tăng gia sản xuất để gây quỹ rồi cho chính các hội viên của mình vay để xóa đói giảm nghèo - một cách làm hay của xã Kon Thụp (huyện Mang Yang, Gia Lai).
Xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) có hơn 280 hộ dân là làm nghề nuôi trồng thủy sản. Qua giới thiệu của bác Lựu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp tôi được biết đến cơ sở ương nuôi cá chim giống qua đông đạt hiệu quả cao của ông Chinh – xóm Nội.