Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Liên kết sản xuất lúa giống vừa mừng vừa lo

Liên kết sản xuất lúa giống vừa mừng vừa lo
Publish date: Tuesday. June 23rd, 2015

“Làm lúa giống lợi đủ đường”

Đó là khẳng định của xã viên HTX Đức Vĩnh, xã Đức Phú (Mộ Đức), những người đã và đang liên kết sản xuất giống với các DN trong tỉnh. Những cái lợi theo ông Huỳnh Liên là chi phí vật tư, phân bón giảm, năng suất tăng; không tốn công phơi và vận chuyển vì lúa được DN thu mua ngay tại ruộng, giá bán cao (DN mua 1kg lúa tươi bằng giá 1kg lúa khô cùng thời điểm)... nên người làm lúa luôn có lãi.

“Như vụ đông xuân vừa rồi, chỉ riêng 4 sào giống Hương Xuân mà tôi thu được 1,5 tấn lúa tươi. Với giá bán 6.100 đồng/kg lúa tươi, sau khi trừ chi phí, tôi cũng bỏ túi hơn 5 triệu tiền lãi. Đây là số tiền quá lớn với những người làm lúa như tôi”, ông Liên tiết lộ. Chẳng thế mà với 15 sào ruộng đang canh tác, vụ nào ông Liên cũng dành hơn 2/3 diện tích để sản xuất giống.

Không chỉ ông Liên mà hiện giờ HTX Đức Vĩnh có hàng nghìn xã viên, hộ dân tham gia sản xuất giống cho các DN với diện tích lên đến 80ha/vụ. Riêng vụ đông xuân 2014-2015, nông dân sản xuất các loại giống như Hương Xuân, VD8, TH6, Sơn Lâm 2, KD28… đạt năng suất từ 65-80 tạ/ha, DN thu mua với giá cao hơn thương lái từ 300-1.100 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi vì có lãi. Có được kết quả này theo ông Đoàn Thanh Minh- Chủ nhiệm HTX Đức Vĩnh là do “nông dân thấy cách làm này có lãi, lại không phải chật vật lo chi phí mua giống, phân bón đầu vụ sản xuất. Với người làm lúa, thế là đủ”.

Cùng với HTX Đức Vĩnh, các HTX như Tịnh Trà (Sơn Tịnh), Phước Sơn (Mộ Đức), Hành Dũng (Nghĩa Hành), Bình Dương (Bình Sơn)… đã và đang thực hiện vai trò đầu mối liên kết giữa nông dân với DN trong việc sản xuất giống. Thậm chí, nhiều HTX còn đảm nhận một số khâu trong chuỗi sản xuất-tiêu thụ như khử lẫn, thu hoạch, phơi, đóng gói sản phẩm để vừa giảm chi phí sản xuất cho nông dân, vừa tạo kinh phí hoạt động.  

Vẫn lo doanh nghiệp thất tín

Việc liên kết sản xuất giống giúp ba bên cùng có lợi: Nông dân được DN hỗ trợ kỹ thuật, cho ứng trước giống, gia tăng hiệu quả sản xuất; HTX thêm kinh phí, còn DN được sản phẩm nhờ tận dụng công và diện tích đất. Lợi là thế, nhưng hiện các HTX lại không dám mở rộng diện tích, dù nhu cầu sản xuất của nông dân lẫn DN là rất lớn. Thậm chí tại HTX Phước Sơn, DN các tỉnh phía Bắc vào tận nơi đặt vấn đề sản xuất giống nhưng Giám đốc Lê Văn Trường vẫn lắc đầu từ chối. Lý do “mình chưa thực sự tin tưởng vào năng lực doanh nghiệp. Họ ở xa, lỡ làm ăn thua lỗ rồi bỏ của chạy lấy người thì HTX lấy gì bù cho bà con nông dân?”.

Lo lắng của ông Trường không thừa khi tình trạng DN chây ì, thậm chí bội ước chẳng chịu trả tiền cho nông dân sau khi thu mua lúa đã từng xảy ra ở các HTX trên địa bàn. Đơn cử như HTX Đức Vĩnh, HTX Đức Tân. “Cách đây vài năm, một DN phía Bắc đã nợ tiền mua lúa giống của nông dân đến hơn 800 triệu đồng. Chúng tôi phải đi ra đi vào, rồi ăn dầm nằm dề tại trụ sở của họ cả tháng mới lấy được tiền. Từ đó đến nay, tôi rất cẩn trọng, chỉ liên kết sản xuất với các DN trong tỉnh”, Chủ nhiệm HTX Đức Vĩnh Đoàn Thanh Minh nhớ lại.

Cũng theo ông Minh thì nguyên nhân khiến các DN bội ước một phần do năng lực tài chính hạn chế, phần do cách làm ăn kiểu chạy theo thời vụ. Nghĩa là thấy loại giống nào đó bán chạy là họ tập trung sản xuất, rồi gửi sản phẩm tại kho HTX nhưng lại không ứng trước tiền. “Bán được giống thì không lo. Nhưng nếu ế thì họ quên luôn, hoặc viện cớ giống kém chất lượng để đổ nợ cho HTX”, ông Minh cho hay.

Trao đổi vấn đề này, ông Đỗ Đức Sáu, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh cho rằng, hình thức liên kết sản xuất giống giúp nông dân gia tăng 30-40% hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, nhiều DN tham gia nên diện tích sản xuất bị chia nhỏ, rồi một số DN làm ăn thất tín khiến nông dân mất lòng tin. “Do đó trước khi quyết định hợp tác làm ăn, các HTX cần thận trọng, tìm DN uy tín để hợp tác nhằm tránh những thiệt hại không đáng có”, ông Sáu hiến kế.


Related news

Biến Rác Thành Phân Hữu Cơ Nhờ Chế Phẩm Vi Sinh Biến Rác Thành Phân Hữu Cơ Nhờ Chế Phẩm Vi Sinh

Một loại chế phẩm vi sinh mới dùng để xử lý phế thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ đã được Viện Công nghệ môi trường (Viện KH - CN Việt Nam) đã nghiên cứu và sản xuất thành công

Friday. March 11th, 2011
Giữa Mùa Tôm U Ám Giữa Mùa Tôm U Ám

ĐBSCL đang u ám với mùa tôm năm 2012 bị dịch bệnh hoành hành gây thiệt hại lớn, PV Tiền Phong đi một vòng qua những nơi nuôi tôm nổi tiếng.

Tuesday. May 29th, 2012
Trăn Trở Từ Nghề Chăn Nuôi Heo Ở Đồng Tháp Trăn Trở Từ Nghề Chăn Nuôi Heo Ở Đồng Tháp

Nghề chăn nuôi heo đang đối mặt với nhiều rủi ro. Trong lúc khó khăn kéo dài, giá heo hơi tiếp tục lao dốc, người chăn nuôi đành chọn giải pháp giảm số lượng heo nhằm đảm bảo nguồn vốn...

Wednesday. October 24th, 2012
Ông Vua Nuôi Cá Ở Hương Thuỷ Ông Vua Nuôi Cá Ở Hương Thuỷ

Với 0,6 ha mặt nước nuôi cá giống và cá thịt, mỗi năm xuất bán hơn 24 tấn cá thương phẩm và hơn 2 triệu con cá giống, ông Hồ Bá Quang, ở tổ 18, phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành triệu phú, với thu nhập hàng năm 700 triệu đồng

Friday. March 18th, 2011
Hiệu Quả Từ Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Hiệu Quả Từ Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn

Trong những năm gần đây, tình trạng nông dân và doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản xảy ra phổ biến, trong đó người nông dân luôn chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, hầu hết nông dân phải bán đổ bán tháo lúa mới vừa gặt, thậm chí bán cả lúa non để trang trải nợ nần. Mô hình cánh đồng mẫu lớn là lời giải cho bài toán rối rắm này.

Tuesday. May 29th, 2012