Liên Kết Để Làm Giàu Từ Cây Cà Phê
Nhóm hộ nông dân thôn Hướng Độ, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa (Quảng Trị) rất phấn khởi khi Công ty TNHH Đại Lộc đồng ý trực tiếp thu mua cà phê của bà con, không thông qua đại lý như trước đây. Nhờ vậy, thu nhập của 42 hộ dân trong nhóm tăng lên đáng kể.
Đầu năm, không khí cuộc họp của nhóm hộ dân nông dân thôn Hướng Độ vui vẻ, thoải mái hơn. Bà con bàn tính phương án tái canh cây cà phê; thời điểm thu hoạch thích hợp; giá cả thị trường… Anh Hồ Minh Phong chia sẻ: “Chúng tôi đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Đại Lộc để trao đổi về cơ hội hợp tác.
Chúng tôi cam kết với doanh nghiệp sẽ đảm bảo tỷ lệ hạt cà phê chín trên 95%; tuyệt đối không ngâm nước và trộn tạp chất; tập trung kiểm tra chất lượng cà phê của từng hộ trước khi xuất bán. Nếu hộ nào trong nhóm vi phạm thì sẽ bị phê bình, phạt và yêu cầu khắc phục. Điều đáng mừng là đợt thu hoạch vừa rồi, phần lớn các gia đình trong nhóm đều thu nhập cao hơn bình thường từ 5 đến 10 triệu đồng”.
Hay tin về tín hiệu vui từ thôn Hướng Độ, nông dân ở các thôn khác của xã Hướng Phùng như: Cheng, Tân Pun, Mã Lai, Hướng Phú, Hướng Hải, Hướng Đại… cũng đang nỗ lực xây dựng quy chế hoạt động của nhóm mình. Một số nhóm đã liên hệ với doanh nghiệp trên địa bàn, đặt mối quan hệ hợp tác để đôi bên cùng có lợi.
Những năm qua, cây cà phê đã giúp cuộc sống người dân xã Hướng Phùng được cải thiện hơn. Tuy nhiên, việc phát triển loại cây chủ lực này tại địa phương còn thiếu bền vững. Một trong những nguyên nhân là do người trồng cà phê chưa thực sự liên kết với nhau.
Trên địa bàn, bà con trồng, chăm sóc, thu hái và bán cà phê theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Vì lợi nhuận, một số hộ đã thu hái sớm, ngâm nước, trộn tạp chất… làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Thực trạng ấy khiến doanh nghiệp ngại thu mua cà phê trực tiếp từ nông dân.
Trong khi đó, từ trước đến nay, nông dân xã Hướng Phùng chủ yếu bán cà phê thông qua đại lý. Do không nắm được thông tin về giá cả thị trường, nhiều người cho rằng, họ bị ép về giá cả và tìm cách tăng trọng lượng của cà phê khi mang đi bán. Cứ thế, lòng tin giữa doanh nghiêp và nông dân bị sứt mẻ đáng kể.
Nhằm tạo mối liên kết giữa các hộ trồng cà phê và giữa nhóm hộ nông dân với doanh nghiệp, Viện Mê Kông đã triển khai Dự án “Nâng cao năng lực hướng tới phát triển toàn diện và bình đẳng Tiểu vùng sông Mê Kông”. Bước đầu, dự án hướng đến thành lập các nhóm hộ nông dân trồng cà phê.
Anh Nguyễn Hùng Cường, quản lý dự án cho biết: “Việc thành lập các nhóm hộ nông dân sẽ là cơ sở để dự án hỗ trợ và triển khai các hoạt động như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất cà phê; tăng cường liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, kinh doanh; hỗ trợ, nâng cao năng lực cho người dân về kỹ thuật canh tác, trồng mới, trồng xen canh, bón phân và thu hái sản phẩm…”.
Từ tháng 6 đến tháng 9/2014, 15 nhóm hộ nông dân ở các thôn bản của xã Hướng Phùng đã được thành lập với tổng số 368 hộ. Họ đến với nhóm hoàn toàn tự nguyện, chủ động bầu ra ban quản lý. Để nâng cao năng lực cho người dân, Viện Mê Kông cử các giảng viên được đào tạo kiến thức và kỹ năng từ Thái Lan đến tận địa phương để giúp bà con xây dựng quy chế, phương hướng hoạt động; lên phương án kinh doanh riêng của từng nhóm; hỗ trợ kỹ năng phân tích thu chi của hộ gia đình.
Bên cạnh đó, các hộ nông dân còn được tập huấn về phương pháp tái canh, xen canh, sử dụng và sản xuất phân bón hữu cơ… Ngoài ra, Viện Mê Kông cùng các đối tác tại địa phương tổ chức cho nông dân địa phương nhiều chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Từ ngày các nhóm đi vào hoạt động, mối liên kết giữa các hộ trồng cà phê ngày càng chặt chẽ. Thông qua các cuộc họp định kỳ, người dân có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật thu hái, cách bón phân hợp lý, giá cả cà phê.
Bên cạnh đó, họ còn hợp tác trong các công việc hàng ngày như thuê chung một chuyến xe chở phân bón; cùng trông nom rẫy; giúp đỡ nhau làm cỏ, thu hoạch; kiểm tra chéo chất lượng cà phê sau thu hái… Ông Hồ Văn Liếp, trú tại thôn Cheng cho biết: “Trước đây, nhà nào trồng cà phê chỉ biết nhà nấy thôi. Giờ thì khác rồi, bà con hỗ trợ nhau từ khâu trồng trọt cho đến mang đi bán. Do có sự hợp tác nên chi phí bỏ ra giảm đi đáng kể”.
Nhờ sự liên kết trong trồng cà phê, tiếng nói của nhóm hộ nông dân với doanh nghiệp có trọng lượng hơn. Thông qua đối thoại, nhóm hộ nông dân và doanh nghiệp đã hiểu những khó khăn, vướng mắc của nhau, qua đó có phương án tháo gỡ. Ông Trần Hải, Giám đốc Công ty TNHH Đại Lộc cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với các nhóm nông dân trên địa bàn xã Hướng Phùng để thu mua sản phẩm cà phê có chất lượng cao.
Để thúc đẩy liên kết và hợp tác hiệu quả, trong quá trình thu mua cà phê của nhóm, công ty sẵn sàng hỗ trợ chi phí vận chuyển; áp dụng mức giá cao nhất đối với sản phẩm chất lượng; hướng dẫn nhóm hộ nông dân về quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C; thanh toán trực tiếp cho hộ nông dân chi phí hỗ trợ từ giá của sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4C…”.
Related news
Vụ việc trên là lời cảnh báo cho bà con nông dân, cần nâng cao cảnh giác hơn nữa trước thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm, nhất là khi khi mua bán với người lạ mặt. Nếu phát hiện vụ việc tương tự, bà con cần báo ngay cơ quan Công an để phòng ngừa tội phạm và hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Khoai tây đang trở thành loại cây rau màu chủ lực đem lại thu nhập cao và là hướng phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Để sản xuất khoai tây phát huy hiệu quả trên từng diện tích canh tác, việc sử dụng nguồn khoai giống có chất lượng, bảo đảm đóng vai trò hết sức quan trọng.
Để giúp người trồng bắp đạt năng suất và hiệu quả cao, vụ Đông Xuân 2013-2014, các xã Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa (Long An) đã triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất, cung ứng và bao tiêu sản phẩm với Công ty Ecofarm với tổng diện tích 52ha; trong đó, xã Mỹ Hạnh Bắc có 32ha.
Nhằm khuyến khích người nông dân sản xuất rau an toàn, từ tháng 3 năm 2013, TP.Sóc Trăng đã vận động 13 nông hộ trồng rau ở khóm 6, phường 4 tham gia mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích ban đầu là 2,1 ha, đây là dự án điểm do Liên đoàn đô thị Canada tài trợ.
Cây khoai môn sáp vàng đã gắn bó với người dân xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) gần 10 năm nay. Hiện nay, toàn xã Lộ 25 có trên 10 hécta với trên 30 hộ trồng khoai môn sáp vàng, tập trung chủ yếu ở ấp 1, ấp 2 và ấp 5. Đây là đất trồng bắp và các loại rau màu trước đây được người dân chuyển đổi sang trồng môn sáp vàng.