Lấy Lại Niềm Tin Cây Mía
Sau niên vụ ép năm trước, Cty CP Đường Bình Định nợ người trồng mía 45 tỷ đồng, đến tháng 6/2014 mới trả hết nợ. Nhiều lo lắng cho rằng không biết vụ ép 2014-2015 Cty có còn hoạt động?
Nay đã có câu trả lời, niên vụ ép này Cty Đường Bình Định bắt đầu khởi động vào ngày 4/12/2014, giá thu mua cao, cam kết trả tiền sau 3 ngày. Vụ trồng mía 2014-2015, Cty vẫn tiếp tục có chính sách đầu tư cho cả 2 vùng nguyên liệu Bình Định và Đông Gia Lai.
Ông Phan Lâm Tường, Phó TGĐ Cty CP Đường Bình Định, cho hay: Hiện nay Cty đã hoàn thành công tác chuẩn bị để sẵn sàng bước vào vụ SX 2014-2015. Về máy móc thiết bị, Cty hoàn tất công tác kiểm tra dây chuyền SX với công suất 3.000 tấn mía/ngày.
“Ngày 28/11 chúng tôi đã triển khai cho nông dân đốn mía. Nhưng do cơn bão số 4 làm ngưng trệ, đến ngày 1/12 số lượng mía nhập về Cty mới có khoảng 1.200 tấn. Từ ngày 1/12 đến nay, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kéo dài gây mưa liên tục, nên việc vận chuyển mía gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ trồng mía ngại đốn vì sợ phải trung chuyển, tăng thêm chi phí. Vì vậy Cty quyết định ngày 4/12 khởi động bước vào vụ ép mới”.
Theo ông Tường, vụ SX này Cty CP Đường Bình Định sẽ mua mía của nông dân với giá 900.000 đ/tấn 10 chữ đường. Đây là giá mua tại ruộng, Cty sẽ chịu chi phí vận chuyển.
“Trước khi bước vào vụ SX mới, Cty đã tổ chức gặp gỡ người trồng mía và cam kết với họ là sau khi cân mía, 3 ngày sau Cty sẽ thanh toán tiền sòng phẳng. Nông dân đồng tình nên từ ngày 1/12 đã nhập mía về nhà máy”, ông Tường cho hay.
Nông dân Nguyễn Văn Đức ở xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) trồng 3 ha mía bày tỏ: “Mấy năm nay ngành đường gặp khó khăn chung nên năm vừa rồi Cty mang nợ nông dân nhưng cũng đã trả hết. Năm nay Cty tiếp tục mua mía của giá khá cao, chúng tôi yên tâm lắm.
Theo như thông báo của Cty là không hạn chế sản lượng mua vô trong ngày, ai có nhu cầu đốn mía, chỉ cần thông báo ngày đốn, số đầu tấn để trạm thu mua nguyên liệu chuẩn bị cơ số xe và phát phiếu đốn. Cách thu mua như thế này là có cải tiến hơn trước”.
Song song với việc tổ chức SX niên vụ ép mới, Cty CP Đường Bình Định sẽ tiến hành triển khai chính sách đầu tư cho các vùng nguyên liệu. Tại Bình Định, trong niên vụ này Cty sẽ đầu tư cho khoảng 3.000 ha mía trồng mới, nông dân sẽ được Cty đầu tư không thu lãi từ 28 - 30 triệu đồng/ha gồm tiền mặt, 10 tấn mía giống, 30 tấn bã bùn/ha và phân NPK các loại. Thời hạn thu nợ trong vòng 1 năm.
Đối với mía gốc, Cty sẽ đầu tư không thu lãi cho 1.000 ha với mức 20 triệu đ/ha gồm tiền mặt, 20 tấn bã bùn/ha, phân NPK các loại. Thời hạn thu hồi vốn là 1 năm. Ngoài ra còn nhiều chính sách khuyến khích khác như: Mua tăng 20.000 đ/tấn mía có 10 chữ đường tại ruộng ở vùng mía thuộc các xã: Tây Thuận, Tây Giang (Tây Sơn); Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh). “Chúng tôi sẽ ưu tiên giá bán bã bùn cho nông dân chỉ 30.000 đ/tấn”, ông Phan Lâm Tường nói.
“Mặc dù vấn đề tiêu thụ đường hiện nay đang gặp khó, nhưng trước khi vào vụ ép mới, Cty đã đi liên hệ và đã có DN đồng ý bao tiêu sản phẩm, đường ra tới đâu thu mua hết tới đó. Đây là cơ sở để Cty cam kết với nông dân về hạn thanh toán tiền mua mía”, ông Phan Lâm Tường bộc bạch.
Tại vùng nguyên liệu Đông Gia Lai, trong niên vụ 2014-2015, Cty CP Đường Bình Định cũng sẽ áp dụng chính sách đầu tư trồng mới cho 3.000 ha với mức đầu tư 20 triệu đ/ha bao gồm phân bón và tiền mặt. Lãi suất được tính 12%/năm, Cty hỗ trợ 6%, nông dân chịu lãi 6%, thời gian thu hồi nợ là 1 năm. Đối với mía gốc, Cty sẽ đầu tư cho 2.000 ha với mức 10 triệu đ/ha, lãi suất 12%/năm, Cty hỗ trợ 6%, nông dân chịu lãi 6%, 1 năm sau thu hồi nợ.
Giá mua mía vụ ép 2014-2015 sẽ được bảo hiểm là 750.000 đ/tấn mía có 10 chữ đường, đó là giá mua tại ruộng, không bao gồm cước vận chuyển. Tùy vào giá thị trường tại thời điểm, Cty sẽ thông báo giá mua hợp lý, nhưng bảo đảm không thấp hơn giá bảo hiểm nói trên.
Năm nay do nắng hạn kéo dài, vùng nguyên liệu tại Bình Định mất trắng khoảng 350 ha, chỉ còn khoảng 1.300 ha mía đứng trên đồng, nên trong vụ ép này cầm chắc sản lượng mía tại tỉnh này sẽ giảm khoảng 50.000 tấn mía cây. Do đó, trong niên vụ trồng 2014-2015, Cty sẽ tập trung kinh phí đầu tư cho vùng nguyên liệu tại Bình Định.
Theo kế hoạch, niên vụ ép 2014-2015, Cty CP Đường Bình Định sẽ thu mua từ 2 vùng nguyên liệu Bình Định và Đông Gia Lai khoảng 400.000 tấn mía cây, SX ra 40.000 tấn đường. “Giải pháp để Cty tháo gỡ khó khăn trong niên vụ ép này là cố gắng tiết kiệm trong SX, nhất là cải tiến công tác thu mua, nhanh chóng đưa mía vào SX để không bị thất thoát sản lượng”, ông Lê Minh Phương, Trưởng phòng Nguyên liệu, Cty CP Đường Bình Định nói.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/lay-lai-niem-tin-cay-mia-post135607.html
Related news
Từ một xã gặp nhiều khó khăn sau khi chia tách, nhưng bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, nên qua 15 năm phát triển, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Qua 1 vụ nuôi từ 9 - 12 tháng, hào đạt từ 0,5 – 0,7 con/kg, ông bán với giá 14.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí ông thu lãi hơn 40 triệu đồng. Năm 2013, ông tiếp tục mở rộng diện tích tôn lên 1.050 mét và chia ra nuôi nhiều đợt để có sản phẩm thu hoạch tiêu thụ hàng ngày, hàng tuần nhằm vừa đảm bảo thời gian thu hoạch vừa nuôi tiếp những kỳ tiếp.
Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh tổng hợp xã Điện Quang (Điện Bàn) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, tăng thu nhập cho người dân.
Xã Thừa Đức là một xã biển của huyện Bình Đại, điều kiện tự nhiên của xã rất thuận lợi cho sự phát triển nền kinh tế biển và nuôi trồng thủy sản. Trong những năm gần đây, phong trào nuôi hàu thương phẩm phát triển nhanh tại địa phương và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Cà Mau là trung tâm lớn về nuôi trồng và khai thác, chế biến thuỷ sản trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, toàn tỉnh có trên 296 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản thì diện tích nuôi tôm đã là trên 266 nghìn ha, chiếm tới 40% diện tích so cả nước.