Lão Nông Và Cuộc Đời Là Những Tour Du Lịch Với... Cỗ Máy Kiếm Tiền
Cuộc đời lão là những chuyến đi rong ruổi khắp các miền quê để lấy hoa thơm hương lạ cho đàn ong làm mật. Suốt mấy chục năm qua, lão coi đàn ong là bạn và cũng là “cỗ máy” kiếm tiền cho lão. Lão làm nhà, mua đất, mua xe rồi cho các cháu, các em của mình công ăn việc làm cũng từ đàn ong.
Trời đã sang thu, đất Lai Châu đã se se lạnh cũng là lúc lão Lê Xuân Sang dẫn đàn ong về thành phố “đánh” phấn hoa. Sau mấy lần hẹn gặp, lão Sang mới dành được chút thời gian cho chúng tôi.
Nuôi ong… bận như con mọn
Vừa đến nhà lão ở Quốc lộ 4D (phường Đoàn Kết, TP.Lai Châu), chỉ kịp chào khách một câu, lão vội lấy chiếc xe máy ra và dẫn tôi đi thẳng xuống khu nuôi ong. Vừa đến nơi, lão cũng chẳng kịp hỏi thăm tình hình thế nào mà ra luôn chỗ những thùng ong.
Lão lấy chiếc bật lửa trong túi quần ra, vơ ít lá chuối khô bên cạnh rồi vo tròn châm lửa. Hóa ra lão đốt lửa để ong khỏi đốt vào tay, rồi mở từng thùng ong ra để kiểm tra. Lão Sang làm gì cũng nhanh và dứt khoát. Từng thùng ong được mở ra, tâm trạng của lão cũng thay đổi, lúc vui, lúc buồn.
Có phên ong đã đóng lớp mật vàng ươm, ong bậu chi chít, lão Sang phấn khởi nói: “Đẹp quá! Đẹp quá! Mỗi thùng ong này cho vài kilogam mật là chắc chắn”. Nói xong, lão lại đậy nắp thùng ong lại đi kiểm tra thùng ong khác. Mọi việc lão làm đều đặn và nhanh như một cái máy. Kiểm tra khoảng 10 thùng ong xong, lão mới dừng tay và gọi mấy người giúp việc ra chỉ đạo, cắt cử công việc.
Qua những việc lão làm cũng đủ thấy lão yêu ong mật đến nhường nào. Nói như lão, làm gì cũng phải lao tâm khổ tứ mới hy vọng thu được kết quả tốt. Đặc biệt là với nghề nuôi ong, bận như con mọn, nhưng phải chăm chút, chịu khó như chính lũ ong mật mới được. Theo lời lão Sang, nuôi ong đầu tư ít, nhưng thu lợi nhuận lớn.
Để gây dựng mỗi thùng ong hết khoảng 1 triệu đồng, nhưng chỉ sau một năm là có lãi. Thức ăn của ong là hương hoa ngoài thiên nhiên. Quan trọng nhất là người nuôi đưa được đàn ong đến đúng nơi, đúng chỗ là gặt hái được thành công.
Lão Sang yêu ong, thích tìm hiểu về ong nên lão lặn lội khắp nơi sưu tầm các loại ong, nghiên cứu các loài hoa. Lão còn cất công về thủ đô Hà Nội để học cách nuôi ong sao cho đúng nhất. Niềm đam mê ấy đã giúp cho “bộ sưu tập” ong của lão có 2 “quốc tịch”.
Mấy đàn ong sau vườn vốn là ong rừng hoang dã. Chúng rất hung dữ nhưng lão lại thích nuôi bởi nó giống như người bạn nóng tính nhưng chân thành. Còn đội quân chủ lực của lão lại là những ngoại binh đến từ đất nước hình chiếc ủng - ong Italia. Bầy ngoại binh này được cái dễ thuần, dễ nhân đàn, năng suất cũng khá nhưng lão vẫn có tình yêu dành riêng cho những cánh ong bản địa.
Giờ đây, thú vui của lão đã mang lại giá trị kinh tế. Gia đình lão trở thành hộ kinh doanh giỏi nhất của phường Đoàn Kết, TP.Lai Châu. Với tài sản trên 400 đàn ong, mỗi năm lão thu được khoảng 24 tấn mật, trị giá hơn tỷ đồng. Nghề tay trái mà hái ra tiền, ấy thế mà lão Sang lại cho rằng đó là cái thú chơi ở đời. Theo cách lý giải của lão, ong mật là cái tinh tuý của trời đất, cái tinh tuý ấy phục vụ cho đời.
Cuộc đời là những “tour” du lịch
Nhờ nuôi ong mà lão Sang có nhà cao, cửa rộng, cuộc sống đề huề. Dường như cuộc đời lão sinh ra và lớn lên đã có cái “duyên” với con ong mật. Nhớ lại thời lão còn “để chỏm”, sống ở quê (Hưng Hà, Thái Bình), lão đã thấy nhiều người nuôi ong.
Vốn là người nhanh nhẹn, tháo vát, lão cũng mon men đến học xem các bô lão của thôn nuôi ong kiểu gì. Chẳng mấy chốc, lão cũng tự đóng thùng nuôi vài đàn ong cho vui. Đến tuổi trưởng thành, lão tạm biệt vùng quê lúa lên đất Điện Biên làm lính biên phòng.
Được sống ở xứ miệt rừng, lão Sang như mọc thêm cánh bởi lẽ nơi này là cái vựa hoa, là cái kho mật để cho các loài ong sinh trưởng. Suốt 10 năm là lính biên phòng, công tác qua nhiều đồn, đến đâu lão cũng gây dựng thùng ong. Cứ nhìn thấy hoa, thấy cỏ mà không có tiếng ong vo ve lấy mật là lão tiếc. Đến lạ, ở vùng thấp hay vùng cao, lão nuôi ong đều cho mật.
Cuối năm 1989, lão xin ra quân, mục đích của lão cũng là để có thời gian tập trung cho đàn ong của mình. Ngày đó, nhu cầu mật ong còn ít nhưng lão vẫn coi nghề nuôi ong là cái “cần câu cơm” hữu hiệu. Mấy chục thùng ong theo lão hết năm này đến năm khác và duyên phận đưa đẩy, lão về định cư lâu dài ở TP.Lai Châu ngày nay.
Mang tiếng sống ở thành phố, nhưng mỗi năm lão lại di chuyển đi khắp nơi. Từ vài thùng ong ban đầu, đến giờ lão đang quản lý 400 đàn ong. Cuộc đời người nuôi ong cũng giống như dân du mục ở đất nước Mông Cổ xa xôi nay đây mai đó, không ở một chỗ nào được lâu. Cứ hết mùa hoa là lão lại di chuyển.
“Nếu dừng một chỗ là tan cơ nghiệp ngay. Đàn ong phải làm việc và người nuôi ong cũng phải luân chuyển đi các nơi” - lão Sang cho biết.
Hành trình nuôi ong là những chuyến đi. Lão để đàn ong lấy mật và phấn hoa rừng ở TP.Lai Châu khoảng 2 tháng. Sau đó cả người và đàn ong di chuyển về huyện Phong Thổ (Lai Châu) đánh “mật” hoa rừng, hoa cao su. Trước khi dẫn “quân” đi, lão Sang thường phải đi tiền trạm trước để tìm nguồn thức ăn cho đàn ong. Mỗi địa phương nơi đàn ong tràn tới lại cho ra thứ mật ong khác nhau.
Lão Sang bảo, ở Phong Thổ hoa rừng nhiều nhưng mật ong chua, không có giá trị lắm. Khi cái nắng mùa xuân đã trải dài trên nương ngô, nương lúa của bà con, lão tiếp tục di chuyển đàn ong về Điện Biên để đánh mật hoa nhãn. Theo lời lão Sang, mật hoa nhãn là thơm ngon và được giá nhất, có lúc lão bán được 60 triệu đồng một tấn mật.
Mỗi lần dừng chân là một lần lão “gặt” được vài tấn mật. Trừ chi phí rải đường, rồi thuê người làm, thức ăn cho ong, lão vẫn thu được cả trăm triệu đồng.
Kiếm tiền dễ là vậy, nhưng tiền không phải từ trên trời rơi xuống, có được như ngày hôm nay lão cũng không ít lần trả giá cho những chuyến du ong. Có nơi lão đến mất 2-3 tháng trời, cuối cùng đàn ong lại không làm mật được hoặc chất lượng quá xấu. Cái “tour” du ong ổn định như hiện nay, lão cũng đã kinh qua hàng chục năm mới vẽ ra được.
Related news
Cà Mau là một trong những tỉnh chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Những diễn biến bất thường của thời tiết trong thời gian gần đây đã trở thành nguy cơ đe dọa nghề nuôi tôm ở Cà Mau. Trước tình hình đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến được cho là giải pháp an toàn cho nghề nuôi tôm.
Từ giữa tháng 3/2014 đến nay, giá cá tra ở ĐBSCL tăng khoảng 2.000 đồng so với cuối năm 2013. Nhiều nông dân khẳng định nghề nuôi cá tra đã khởi sắc trở lại nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá cá tăng trong thời điểm hiện nay có nhiều điều bất thường.
Trong những ngày gần đây, Hiệp hội VASEP nhận được nhiều phản ánh của các DN hội viên về các vướng mắc trong việc vận chuyển các container hàng thủy sản (đông lạnh, đồ hộp...) do Bộ GTVT đang tích cực triển khai thực hiện nghiêm Thông tư 03/2011/TT-BGTVT. Theo đó, tất cả các xe kéo container có 3 cầu chỉ được kéo container tối đa 26 tấn kể cả vỏ container (hay tối đã chỉ được 21 tấn hàng).
Dê là loại động vật ăn tạp, dễ nuôi, có khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Dê được nuôi dưới hình thức chăn thả nếu chăn thả đúng thời gian trong một thời gian ngắn dê có thể tự biết về chuồng đúng giờ.
Những năm gần đây, nghề nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, nghề này cũng đang gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là về thị trường tiêu thụ.