Lao đao vì mưa dầm
Khoảng một tuần nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa liên tục, đã làm cho việc thu hoạch lúa Hè thu của bà con đang trong giai đoạn rộ bị trì trệ, có không ít diện tích bị đỗ ngã, lúa bắt đầu lên mộng do quá ngày thu hoạch, khiến nông dân vô cùng lo lắng. Ông Nguyễn Công Đạt, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, đang đứng ngồi không yên khi chứng kiến 7 công lúa của gia đình bị mưa quần đỗ sập. Ông Đạt cho hay: “Đến nay, lúa đã quá ngày thu hoạch 5 ngày nhưng không thể cắt được, vì ngày nào cũng có mưa. Để hạn chế lúa lên mộng do nhiều chỗ đã bị sập, ngày nào tôi cũng đem máy túc trực để bơm nước ra”.
Không chỉ ông Đạt, hàng loạt hộ khác trên địa bàn tỉnh cũng đang mất ăn mất ngủ vì lúa bị mưa dầm. Ông Nguyễn Văn Tèo, ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Hơn 5 ngày qua, máy cắt trực chờ tại ruộng nhưng không thể thu hoạch lúa do trời cứ mưa hoài. Từ lúa đứng thì nay lúa bị đỗ ngã hàng loạt, khiến chi phí thu hoạch tăng cao, cộng với lúa thất thoát nhiều, chất lượng giảm… đồng nghĩa giá bán giảm theo”.
Không riêng gì nông dân lo lắng mà các chủ máy cắt cũng rất nóng lòng vì không thu hoạch lúa được. Anh Nguyễn Hải Đăng, chủ máy cắt đang thu hoạch lúa trên địa bàn huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Nhiều ngày qua, chiếc máy cắt của tôi chỉ nằm chờ trên bờ kênh chứ không thể xuống ruộng cắt lúa được vì trời mưa. Với tình cảnh nằm chờ như vầy, khi trời nắng trở lại thì tình trạng ùn ứ công cắt sẽ diễn ra cục bộ. Hiện tại, máy cắt của tôi bị dồn trên 100 công lúa”.
Theo nhiều nông dân, mặc dù lúa vẫn chưa thu hoạch được nhưng hiện thương lái đang xin bà con giảm giá thu mua lúa xuống 100-200 đồng/kg so với giá đã đặt cọc trước đó vì chất lượng lúa bị giảm do đỗ ngã. Ông Nguyễn Văn Tèo, ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết thêm: “Cách nay 10 ngày, thương lái đặt cọc cho 4 công lúa của tôi với giá 4.600 đồng/kg (giống OM 5451). Nhưng giờ họ đề nghị giảm xuống 100 đồng/kg khi thu hoạch thì mới chịu cân. Hiện gia đình đang lưỡng lự không biết thế nào”.
Đến thời điểm này, bà con trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch hơn 18.000/77.000ha lúa Hè thu. Theo ước tính của ngành nông nghiệp tỉnh, sẽ có hơn 25.000ha lúa Hè thu được nông dân tập trung thu hoạch rộ từ nay đến cuối tháng 6. Tuy nhiên, trong điều kiện mưa dầm như hiện nay, đã làm việc thu hoạch lúa của bà con bị chậm đi khá nhiều. Trước tình hình mưa dầm cứ liên tục kéo dài, hiện nhiều nông dân đã thuê nhân công thu hoạch lúa bằng tay với chi phí tăng cao. Cụ thể, giá thuê thu hoạch lúa bằng thủ công hiện đang ở mức từ 700.000-800.000 đồng/công (bao gồm: tiền cắt, trâu kéo và máy suốt); trong khi thu hoạch bằng máy chỉ 280.000-300.000 đồng/công. Ngoài chi phí tăng, việc thu hoạch lúa bằng tay còn có bất lợi khác là không bán được lúa tươi mà phải đem về thuê lò sấy.
Bên cạnh việc gặp khó trong thu hoạch và tiêu thụ lúa Hè thu, những nông dân có lúa Thu đông gieo sạ sớm cũng mất ăn mất ngủ vì lúa bị chết do mưa dầm gây ngập úng. Tuy chưa có thống kê cụ thể của ngành chức năng, nhưng thực tế mấy ngày qua đã có nhiều diện tích lúa Thu đông bị chết, nông dân phải xuống giống lại vào những ngày tới.
Nhìn 3 công lúa Thu đông vừa xuống giống, bị những trận mưa lớn làm đỗ ngã trong những ngày qua, ông Cao Văn Nhân, ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, thông tin: “Mới sạ xuống xong thì gặp ngay trận mưa dầm, nước trên ruộng chưa kịp rút cạn, thì mưa lại tiếp tục ập đến và gây ngập trở lại. Do tình trạng mưa kéo dài liên tục nên tỷ lệ lúa còn sống rất ít. Tôi đã ngâm thêm lúa giống để sạ bổ sung vào mấy lần nhưng thấy không khả quan”.
Mấy ngày qua, tuy đã nhiều lần đem máy ra bơm nước, có hôm còn túc trực sáng đêm ngoài đồng, nhưng bà con ở ấp 1A này vẫn bất lực nhìn lúa chết. Qua thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, chỉ riêng ấp 1A có khoảng 30ha lúa Thu đông mới gieo sạ bị ảnh hưởng do mưa dầm và nhiều khả năng bà con nơi đây phải gieo sạ lại.
Với những tình cảnh trên, hiện người dân đang hy vọng trời sẽ sớm hết mưa để tranh thủ thu hoạch lúa Hè thu, vì đã quá ngày cắt khá nhiều, đồng thời vệ sinh đồng ruộng để xuống giống lúa Thu đông và sạ lại ở những diện tích đã bị chết cho kịp thời vụ. Bên cạnh đó, bà con cũng mong muốn các ngành chức năng có giải pháp trong việc giúp bà con tiêu thụ lúa Hè thu được thuận lợi và có những chính sách hỗ trợ cho những hộ có lúa Thu đông bị chết phải sạ lại…
Related news
Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh Cà Mau sẽ gieo cấy gần 45.000 ha lúa trên đất nuôi tôm ở những nơi có đủ điều kiện về ngăn mặn giữ ngọt, có nguồn nước tưới bổ sung khi cần thiết.
Cây chè được xem là cây trồng chủ lực không chỉ giúp nông dân Lâm Đồng xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, do nhiều nơi sản xuất vẫn còn tự phát, không theo quy hoạch, chưa tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với người sản xuất, nên hiện giá trị sản phẩm chè Lâm Đồng trên thương trường cạnh tranh trong và ngoài nước vẫn còn ở mức “khiêm tốn”.
Người trồng dừa lo lắng khi thương lái hỏi mua tại vườn với mức giá từ 26.000 - 30.000 đ/chục.
Cách đây khoảng vài tháng, giá chanh đạt mốc 20 - 25 ngàn đồng/kg, nhà vườn rất phấn khởi, tuy nhiên hiện nay thì 10kg chanh chưa đổi được một ly café đá đã khiến không ít nhà vườn trăn trở khi canh tác loại cây trồng này.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phường Cự Khối, quận Long Biên, TP Hà Nội đã mạnh dạn đưa cây ổi găng về trồng.