Làng Rau 500 Tuổi Hối Hả Vào Vụ Tết

Những ngày cuối năm, nông dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) tất bật chăm bón rau màu chuẩn bị thu hoạch cung ứng cho thị trường vào dịp tết. Trung bình mỗi ngày làng rau này xuất bán 2 tấn rau các loại cho các chợ và siêu thị lớn tại miền Trung.
Cách TP.Hội An khoảng 2km về phía đông bắc, làng rau Trà Quế nằm nép mình dưới những bóng cau già. Theo nhiều nông dân, làng rau có diện tích 18ha với gần 500 năm tồn tại, có khoảng 200 hộ tham gia trồng hơn 30 loại rau khác nhau. Nhờ tiếp xúc với phương pháp trồng rau an toàn, nông dân nơi đây không sử dụng phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu mà chỉ bón rau bằng rong vớt từ sông Đế Võng nằm cách làng vài bước chân. Nhờ vậy, vựa rau Trà Quế nổi tiếng khắp vùng về việc xuất bán rau sạch và cả độ tuổi tồn tại lâu đời.
Bà Nguyễn Thị Lợi (83 tuổi, một người dân làng rau) cho biết: “Bên cạnh khâu chăm sóc rau an toàn, khâu làm đất và trồng từng loại rau thích hợp tùy vào những thời điểm khác nhau trong năm rất quan trọng. Tháng Chạp là thời điểm trồng được nhiều loại rau nhất, đảm bảo chất lượng và sản lượng cao nhất trong năm”.
Cận Tết Nguyên đán, cả làng rau tràn ngập sắc màu của rau, hoa đủ loại. Ngoài những cây rau chủ lực như rau thơm, rau quế, xà lách, ngò, diếp cá thì các loại cải, hành, rau răm, ngò gai… cũng được trồng chuẩn bị cho dịp tết. Thời điểm này, bà con trồng rau bắt đầu thu hoạch với số lượng ít để thăm dò giá cả thị trường. “So với năm ngoái thì vụ rau tết năm nay, chúng tôi thu hoạch muộn hơn 1 tháng vì có tháng nhuận.
Vì thế thời tiết có sự thay đổi thất thường ảnh hưởng không tốt đến rau” - ông Nguyễn Văn Trung (40 tuổi) cho biết. Theo bà con, thời gian cách tết 10 -15 ngày, bao giờ rau cũng bị rớt giá nhẹ so với tháng trước. Tuy nhiên, những ngày gần với ngày 30 tết, giá rau sẽ lên cao và bán rất chạy.
Ông Nguyễn Sẻ (thôn Trà Quế) nói: “Rau húng thời điểm này có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, xà lách là 15.000 đồng/kg, mồng tơi 15.000 - 20.000 đồng/kg… Dù giá rau đang có phần giảm nhẹ nhưng theo chu kỳ thì vào những ngày giáp tết lượng cầu tăng nên giá rau sẽ tăng theo, bà con nông dân ở đây chỉ mong sao thời tiết nắng ấm để rau đạt chất lượng”.
Ông Ngụy Như Mười - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Vào dịp tết, lượng rau Trà Quế xuất bán tăng từ 2,5-3 tấn/ngày. Hy vọng thời gian đến giá rau sẽ tăng để bà con nông dân làng Trà Quế có cái tết sung túc hơn”.
Related news

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, song song với việc triển khai vụ kiện bán phá giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ, việc cấp bách cần làm ngay là hiệp hội sẽ gửi đơn kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tạm ngưng hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm từ gia cầm của Mỹ chứ không chỉ một số bang như hiện nay, do từ cuối năm 2014 đến nay, nước này xảy ra dịch cúm gia cầm.

Dù sản phẩm đã được công nhận VietGAP nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự yên tâm. Lý do là sự sạch - bẩn của rau chủ yếu phụ thuộc vào lương tâm của người sản xuất và bán hàng, chứ chưa được các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát…

Ông Nguyễn Văn Thông ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, trồng 3 công đậu phộng giống L15 cho biết, loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chỉ sau 3 tháng có thể thu hoạch đạt năng suất 600 - 650 kg/công, tăng 20 - 25 kg/công so với vụ rồi. Sau khi thu hoạch xong, thương lái vào tận ruộng thu mua với giá 15.000 - 16.000 đồng/kg, tăng khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với thời điểm năm rồi. Sau khi trừ hết chi phí, ông Thông lãi gần 20 triệu đồng.

Ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An, bà con nông dân trồng rau ăn lá trong mùa mưa thường gặp nhiều rủi ro do ẩm độ không khí cao, sâu bệnh phát triển mạnh, mưa gió nhiều rau dễ bị dập nát khó bán, bà con phải dùng lưới che nên tốn thêm chi phí. Tuy nhiên, do giá rau cao hơn so với những tháng trồng vào mùa nắng nên bà con vẫn duy trì diện tích trồng.

Phú Tân là một huyện cù lao, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, cũng là một trong những huyện đi đầu trong tỉnh An Giang về ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng, những năm qua, huyện không ngừng đổi mới các phương pháp canh tác để tăng năng suất và tăng lợi nhuận cho nông dân, trong đó việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã giúp nông dân giảm thất thoát trên đồng ruộng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận ...