Làm Giàu Với Cây Mãng Cầu Xiêm
Ông Trần Bữu Hoàng, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trước đây, khi còn làm ruộng thì với thu nhập của 4 công đất chỉ giải quyết được cho phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình, còn tất cả chi tiêu khác đều phải nhờ vào tiền chăn nuôi hoặc làm thuê thêm của 4-5 thành viên trong nhà. Từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm đến nay, gia đình đã khá lên rất nhiều, thu nhập từ 200 gốc mãng cầu xiêm được trồng trên diện tích 3.000m2 đã đem lại lợi nhuận cho ông đến 200 triệu đồng/năm. Ông Hoàng cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi vẫn cứ loay hoay bám ruộng của ông bà để sinh sống cộng với việc làm kinh tế nhỏ như nuôi heo. Nhưng thu nhập từ ruộng lúa đem lại thì đâu có là bao, trong khi con cái lớn đang tuổi ăn tuổi học phải tốn thêm nhiều chi phí nên cuộc sống luôn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nhưng thời gian sau này, thấy những gốc mãng cầu sau nhà cho trái khá nhiều mới nhận ra vấn đề là cần phải làm một cái gì đó để đổi đời”. Thế là suy nghĩ cải tạo vườn tạp trồng và nhân rộng giống mãng cầu xiêm được ông thực hiện. Dẫu biết rằng cây mãng cầu xiêm không thích hợp với vùng đất phèn, nhưng với sự tìm tòi học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước và các phương tiện thông tin đại chúng, cuối cùng ông Hoàng đã thành công.
Nếu như giống mãng cầu này thường chỉ thu hoạch từ tháng 9 kéo dài đến tháng 2 hàng năm là kết thúc, thì với cách chăm sóc của mình từ việc đào xới đất, tưới vôi diệt khuẩn đến khâu ghép cành thụ phấn, nên cây mãng cầu của ông cho trái quanh năm. Có lẽ nhờ vậy mà gần 10 năm nay nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào cây mãng cầu này đem lại. Không những thế, khi đã có thu nhập ổn định, ông còn chiết cây giống bán cho các hộ dân lân cận, có khi bán qua đến tỉnh Đồng Tháp.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: Mô hình trồng mãng cầu xiêm của gia đình ông Hoàng đã đem lại nhiều hiệu quả, nhất là giúp cho địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, đây được xem là một hướng đi mới cho nông dân trong vùng. Hiện nay, đại bộ phận người dân chỉ sinh sống bằng nghề nông nghiệp, trong đó có rất nhiều hộ còn diện tích vườn tạp, vườn kém chất lượng, trong thời gian tới, địa phương sẽ đề ra những kế hoạch cụ thể để nhân rộng mô hình. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ việc cải tạo vườn tạp để thay thế bằng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như: mãng cầu xiêm, xoài… để nâng cao thu nhập. Nếu thực hiện thành công sẽ góp phần cùng địa phương trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nhất là khi Tân Phú đang xây dựng xã nông thôn mới.
Có thể nói, mô hình trồng mãng cầu xiêm của nông dân Trần Bữu Hoàng trên vùng đất xã Tân Phú đã trở thành một điểm sáng cần nhân rộng trong thời gian tới. Nhất là huyện Long Mỹ đang phát động mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.
Related news
Nuôi tôm càng xanh luân canh trong vuông tôm sú là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao cho nông dân huyện Thới Bình (Cà Mau). Điều này làm bất ngờ đối với người dân địa phương, bởi trước đây người dân chỉ dám mơ ước 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, thế mà từ những thử nghiệm ban đầu, đến nay người dân xã Biển Bạch phấn khởi vì nuôi tôm càng xanh tăng thu nhập gấp đôi vụ lúa.
Mô hình nuôi heo rừng lai được triển khai thử nghiệm ở huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) từ năm 2010, với kinh phí 1,3 tỷ đồng trích từ nguồn vốn 30a. Mô hình hứa hẹn sẽ giúp đồng bào miền núi giải quyết bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo. Thế nhưng, qua hơn 1 năm triển khai, mô hình trên đã không mang lại hiệu quả.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, vừa cho biết: Tại Khánh Hòa, tính đến thời điểm này đã có khoảng 50 tấn tôm hùm nuôi bị chết (chủ yếu do bệnh sữa), ước thiệt hại cho người nuôi trên 50 tỷ đồng. Hiện nay, phác đồ mới điều trị bệnh sữa trên tôm hùm chỉ mới áp dụng thực nghiệm trên 10 hộ nuôi tại huyện Vạn Ninh. Kết quả còn chờ Bộ NN-PTNT thẩm định, đánh giá. Theo ông Khánh, hiện người nuôi tôm đang lạm dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh cho tôm.
Xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nép bên bờ sông Hậu một thời có chợ Chiếu nổi tiếng, nay có thêm chợ Rơm. Khác với chợ Chiếu chuyên họp về đêm, chợ Rơm họp ngày với các ghe rơm chất ngất, chủ yếu bán cho người SX nấm...
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng rau hữu cơ (RHC) ngày càng tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, vì đây là sản phẩm an toàn trong bảo vệ sức khỏe và môi trường. Tại Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng, khi mức sống của người dân ngày càng được nâng cao thì xu hướng sử dụng RHC ngày càng tăng. Tại các quận, huyện ngoại thành TP. HCM các mô hình trồng rau sạch đều được bà con nông dân áp dụng thành công và mang lại nhiều kết quả khả quan cho gia đình và xã hội.