Làm Giàu Từ Vườn Cà Phê Già Cỗi

Anh Nguyễn Công Sanh (thôn Hướng Phú, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) là một nông dân điển hình trong việc thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc trên chính vườn cà phê già cỗi của mình để làm giàu.
Lập gia đình với của hồi môn là 2 ha cà phê già cỗi, vốn liếng không nhiều, anh Sanh luôn trăn trở làm thế nào để thoát khỏi đói nghèo trên chính khu vườn của mình. Anh tính toán: Cà phê trồng từ những năm 2004, nếu phá bỏ trồng lại thì cũng phải chờ đến 3, 4 năm mới cho thu hoạch.
Khoảng thời gian trống đó biết lấy gì để sống? Thế là anh quyết định đầu tư thâm canh thông qua việc chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng cách và không quên bón phân sau thu hoạch để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tránh tình trạng năng suất năm được năm mất.
Bên cạnh đó, anh còn tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, cà phê… ủ làm phân hữu cơ để bón cho cây. Vào mùa mưa, cà phê dễ bị sâu bệnh, anh chỉ phun thuốc trừ sâu cục bộ trên những cây bị sâu hại chứ không phun đại trà như trước đây để tiết kiệm chi phí và giữ môi trường trong lành cho rẫy cà phê. Hàng năm, anh thay dần những cây cà phê già cỗi, năng suất kém và trồng xen cây bơ để tăng thu nhập.
Theo anh, cây cà phê ưa bóng mát, trồng thêm cây ăn quả với mật độ thích hợp không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mà còn có thêm nguồn thu. Đặc biệt anh Sanh là hộ dân đầu tiên đầu tư máy bơm công suất lớn để chủ động tưới nước cho cây cà phê, hạn chế ảnh hưởng của hạn hán tại huyện Hướng Hóa.
Nhờ tưới nước đầy đủ và chăm sóc đúng cách nên toàn bộ diện tích cà phê của gia đình anh đều xanh tốt, cho năng suất cao, trong khi cây cà phê của huyện Hướng Hóa năm được năm mất nhưng vườn của nhà anh luôn đạt từ 60 - 70kg quả tươi/cây mỗi vụ. Không chỉ quen với tay cày tay cuốc, tranh thủ những lúc nông nhàn, anh Sanh thường lên mạng internet tìm hiểu những thông tin cần thiết để áp dụng vào việc chăm sóc vườn cà phê của mình, nhất là cách phòng trừ các loại sâu bệnh, kỹ thuật ủ phân hữu cơ chăm sóc cho cây trồng…
Đất đai không nhiều nhưng nhờ biết tính toán làm ăn cộng với tính tiết kiệm, đến nay gia đình anh Sanh đã có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Cái đói, cái nghèo bị đẩy lùi, anh xây được nhà cửa khang trang, sắm đầy đủ các phương tiện sinh hoạt gia đình. Chăm lo làm kinh tế, nhưng anh Sanh cũng ý thức dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt, từ đó tạo mọi điều kiện tốt nhất để các con ăn học đàng hoàng.
Anh chia sẻ: “Đời mình cực khổ nhiều, bố mẹ đã phải xa làng, bản, tận tỉnh Hòa Bình di cư vào miền tây Quảng Trị lập nghiệp, giờ có điều kiện rồi thì càng phải cố gắng hơn, nhất là tiếp tục cần cù lao động và tiết kiệm để cuộc sống gia đình luôn no đủ”.
Nói về sự nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu của anh Sanh, ông Văn Viết Hoàng, thôn trưởng thôn Hướng Phú, xã Hướng Phùng cho biết, không chỉ làm kinh tế giỏi mà anh Sanh còn luôn giữ cho mình lối sống chan hòa với bà con láng giềng, luôn tận tình trao đổi, chia sẻ cách thức làm ăn, giúp đỡ những người dân trong thôn cùng vươn lên thoát nghèo…
Related news

Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học phù hợp với sự phát triển chăn nuôi trong khu vực đông dân cư, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Trong ảnh: Một mô hình nuôi heo trên nền lót đệm sinh học tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức).

Theo các chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, gần 1 tuần nay, trứng gà được bán tại trại đã ở mức 1.200-1.300 đồng/quả, tăng 300-400 đồng/quả.

Những năm trở lại đây, nhờ chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp ở địa phương, giúp tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, đời sống kinh tế của người dân ở xã Cường Lợi (Na Rì - Bắc Kạn) ngày càng được nâng lên...

Huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) hiện có 2,8 nghìn ha chè (trong đó có 2,6 nghìn ha chè kinh doanh). Năm 2014, huyện phấn đấu sản lượng chè búp tươi đạt 34 nghìn tấn, tăng 5% so với 2013.

Trong đợt nắng nóng kéo dài những ngày qua đã làm cho nhiều diện tích ngô, lúa ở các huyện vùng cao Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn… bị héo khô vì hạn hán.