Làm giàu từ nuôi Dúi ở Hà Tĩnh
Đó là mô hình nuôi dúi sinh sản và thương phẩm của chị Trương Thị Bình ở Tổ dân phố 4, Thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Bắt gặp khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười nhân hậu của chị Bình khi đang cho đàn dúi hơn 300 con của mình ăn, ít ai biết rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một thời gian dài miệt mài tìm tòi, học hỏi, vượt qua bao khó khăn để tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình của người phụ nữ đầy nghị lực này.
Chị Bình cho biết: Năm 2013, vợ chồng tôi tham quan mô hình nuôi dúi của một người bạn ở Hương Khê. Nhận thấy dúi là động vật dễ nuôi, ít công chăm sóc nên chúng tôi đã mua 3 cặp dúi giống ở Thanh Hoá để nuôi thử nghiệm. Đến nay, mô hình đã có hơn 300 con, mang lại nguồn thu hơn 200 triệu đồng/năm.
Nói về mô hình nuôi dúi, chị Bình cho biết thêm: đối với chăn nuôi gà hay trâu, bò đòi hỏi nguồn vốn lớn, địa hình rộng và việc chăm sóc phải có kỹ thuật cao. Chính vì vậy sau khi tìm hiểu về dúi, chúng tôi đã quyết định thử sức với loại động vật hoang dã này. Dúi hay còn gọi là chuột nứa được xếp vào loại vật nuôi đặc sản, có giá trị cao trên thị trường, ưu điểm lớn nhất của nuôi dúi là chi phí đầu tư ban đầu thấp, ít tốn diện tích, ít dịch bệnh và đặc biệt là nguồn thức ăn rất dồi dào, dễ kiếm. Thức ăn của dúi chủ yếu là mía, tre, nứa. Ngoài ra, cho dúi ăn thêm gốc cỏ voi, ngô, sắn để có thêm chất dinh dưỡng, mau lớn. Chuồng nuôi dúi phù hợp nhất là kiểu chuồng nửa sáng, nửa tối, không có ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt, gió lùa, nắng nóng và bố trí ở khu vực yên tĩnh, nhất là đối với chuồng dúi sinh sản. Dúi là động vật hoang dã nên có sức đề kháng mạnh, ít dịch bệnh. Tuy nhiên dúi vẫn bị một số bệnh thông thường như bệnh ký sinh trùng ngoài da, bệnh đường ruột, vì vậy để dúi phát triển nhanh, khỏe mạnh thì phải dọn dẹp vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên.
Với kinh nghiệm hơn 8 năm nuôi loài vật này, theo chị Bình, để nuôi dúi thành công, đòi hỏi người nuôi phải thực sự chuyên tâm, kiên trì và thường xuyên theo dõi sự phát triển của vật nuôi. Dúi mang thai từ 45 - 50 ngày. Cứ 3 tháng là dúi mẹ đẻ một lần, mỗi lần từ 2 đến 3 con. Dúi con sau khi sinh được một tháng thì sẽ được tách mẹ, nuôi khoảng 4 tháng tuổi có thể xuất bán dúi giống với trọng lượng từ 700 - 800 gam. Dúi thương phẩm nuôi 8 tháng đạt trọng lượng 1,5 - 2kg. Dúi nuôi càng lâu thì thịt sẽ săn chắc và thơm ngon.
Hiện tại thị trường tiêu thụ dúi rất ổn định. Thịt dúi thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng nên được thực khách ưa chuộng. Có rất nhiều chủ nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh đến cơ sở đặt mua với số lượng lớn, đặc biệt là thời điểm giáp tết. "Hiện tại dúi thịt có giá 500 nghìn đồng/kg, dúi giống có giá từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/cặp. Trung bình mỗi tháng trang trại của tôi xuất chuồng khoảng 15-18kg dúi thương phẩm và khoảng 10 cặp dúi giống. Trừ hết chi phí, mỗi năm vợ chồng tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng", chị Bình cho biết thêm.
Theo chị Nguyễn Thị Ái Liên, chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Vũ Quang, để phát triển kinh tế thì nhiều hộ nông dân đã có những tìm tòi, sáng tạo các mô hình để nâng cao thu nhập, trong đó cơ sở nuôi dúi của gia đình chị Trương Thị Bình hiện là mô hình kinh tế có hiệu quả cao tại địa phương. Giá trị kinh tế con dúi mang lại lớn, chi phí chăm sóc không nhiều, lại không gây ô nhiễm môi trường. Đây là hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi đang khuyến khích bà con trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng, nâng cao thu nhập.
Rời phố núi Vũ Quang, chúng tôi thực sự thấy rất phấn khởi bởi cách đây hơn 20 năm đây còn là vùng đất với rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và đặc biệt là sự đổi mới, sáng tạo của những người nông dân cần cù, chăm chỉ bằng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao như chị Bình đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi của huyện miền núi - biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới./.
Related news
Mô hình nuôi lươn không bùn đã giúp vợ chồng anh Trần Văn Thăng (SN 1988) ở thôn Chùa, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).
Chị Dương Kim Ngọc (sinh năm 1982) cùng chồng là anh Phan Văn Hòa (sinh năm 1974, ở ấp Thanh Tây, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc).
Trai sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao và tốc độ phủ ngọc nhanh là những tín hiệu mừng từ mô hình thí điểm nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tạiThành phố Hà Tĩnh.