Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Vịt Khép Kín
Ông Hồ Văn Ngọ, ở thôn Hoài Nhơn (xã Phước Hậu, Ninh Phước - Ninh Thuận) được người dân trong xã nhắc tới bằng cái tên “vua vịt” bởi mỗi năm, ông thu về hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình nuôi vịt khép kín: Nuôi vịt đẻ lấy trứng, ấp trứng, bán vịt con...
Ông Ngọ cho biết mình đã mở lò ấp trứng được 14 năm nay. Trước đó, để có trứng ấp ông phải đi mua ở các hộ nuôi vịt trong tỉnh. Ông Ngọ nhớ lại: “Hồi đó không có lò ấp mà chỉ có cái bồ quây tròn, sau đó dùng trấu hoặc rơm lúa để ủ. Làm theo phương pháp truyền thống và thủ công ấy nên tỷ lệ nở của trứng rất thấp, công sức bỏ ra thì nhiều mà lợi nhuận lại không được bao nhiêu”.
Thời điểm năm 1999, do có một số bạn bè ở Bình Định phát triển thành công mô hình nuôi vịt khép kín, nên ông đã lặn lội ra đó để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tự tìm tòi qua sách vở các kiến thức về kỹ thuật nuôi vịt đẻ và quá trình ấp trứng công nghiệp. Tới năm 2000, ông đã quyết định đầu tư lò ấp, nuôi đàn vịt lấy trứng ấp nở để bán con giống và duy trì từ đó tới nay.
Bắt tay vào công việc, ông đầu tư 40 triệu đồng để cải tạo gian nhà trống làm nơi đặt hệ thống lò ấp, đồng thời gây đàn mới với 700 con vịt lấy trứng. Sau 5 tháng gây đàn, vịt bắt đầu đẻ những quả trứng đầu tiên. Ông Ngọ chọn lựa những trứng đạt nhất để cho ấp thành vịt con; số trứng còn lại bán dạng trứng ngang hoặc trứng lộn để ăn. Nhờ vậy, lò ấp của gia đình ông lúc nào cũng không sợ thiếu trứng. Tới nay, đàn vịt lên tới 1.200 con.
Dịp cao điểm, mỗi ngày đàn vịt đẻ 700 quả trứng, với giá bán mỗi quả là 2.000 đồng (đối với trứng ăn thông thường) và 3.000 đồng (đối với trứng lộn); số trứng đưa vào ấp thành con giống bán được khoảng 6.000 đồng/con. Sau khi trừ mọi chi phí, ông thu lãi gần 150 triệu đồng/năm.
Để đàn vịt khỏe mạnh, cho sản lượng trứng cao, ông Ngọ đặc biệt chú ý tới khâu vệ sinh phòng dịch. Đặc biệt, trước tình hình dịch cúm A/H5N1, ông thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Khi vịt con được 20 ngày tuổi, ông tiến hành tiêm vắc-xin đầy đủ trước khi xuất bán.
Ngoài ra, ông cũng chú ý đến chế độ ăn uống của vịt đẻ bằng cách cho vịt ăn thức ăn tổng hợp, chất lượng cao. Một ngày, đàn vịt tiêu thụ hết khoảng 2 tạ thức ăn tổng hợp. Cứ tới tháng 12 hàng năm, ông Ngọ lại tiến hành thay thế đàn vịt mới để sản lượng và chất lượng trứng được đảm bảo. Do đó, trứng và vịt con nhà ông Ngọ ra lò đến đâu đều được thương lái tin tưởng và tới tận nơi thu mua.
Ngoài việc nuôi vịt đẻ, ấp trứng, gia đình ông Ngọ còn trồng 9 sào lúa. Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, ông Ngọ chia sẻ: “5 năm trong vai trò là chủ nhiệm Hợp tác xã Hoài Nhơn, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức chăn nuôi, sản xuất để từ đó ứng dụng vào việc phát triển kinh tế gia đình. Cùng với sự cần cù, nắm vững các kiến thức, kỹ thuật và vệ sinh phòng dịch chu đáo nên tôi có được thành công trong chăn nuôi như hiện tại.”
Related news
Thời gian gần đây, mô hình trồng mận An Phước trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nhà vườn Lai Vung (Đồng Tháp). Với mô hình sản xuất này, trung bình 1.000m2 mỗi năm nhà vườn có thể lãi từ 60 - 70 triệu đồng.
“Nôm na thì cứ gọi nhãn Miếu, vì cây nhãn nằm gần ngôi miếu cổ, hoặc nhãn điếc vì quả có hạt nó rất nhỏ, nhăn nheo hoặc không có hạt, nhưng hương vị của nó thì… miễn chê” - Ông Vương Đăng Chính người làng Tân Chính, xã Đại Hoá, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết như vậy.
Đó là ý kiến của đa số đại biểu tham dự hội thảo “Liên kết, hợp tác phát triển ngành dừa bền vững” do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức sáng 8-4. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ IV năm 2015 (từ ngày 7 đến 13-4-2015).
Hiện các vựa thu mua xô cam sành với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng trước đó. Những trái cỡ lớn, chín vàng đẹp có mức giá 29.000 đồng/kg. Tại các chợ, giá cam sành bán lẻ từ 32.000 - 37.000 đồng/kg.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị “Sơ kết tháng hành động phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long” vừa tổ chức cuối tuần qua tại TP Phan Thiết (Bình Thuận).