Làm Giàu Từ Cam Bù

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, sau khi rời quân ngũ, anh Trần Văn Hải trở về quê hương (xóm 10, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) và nung nấu ý chí thay đổi cuộc đời. Sau khi nghiên cứu, nhận thấy giống cam Bù rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, anh quyết định đầu tư trồng loại cây này. Cái tên “Hải cam” cũng xuất hiện từ đó.
Năm 2000, với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh Hải mạnh dạn vay vốn mua 2ha đất thuộc vùng khe Dầu, xã Phúc Sơn để trồng 200 cây cam Bù. Ban đầu, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên năng suất vườn cam rất thấp. “Tới mùa thu hoạch, nhìn những quả cam bé xíu, vẹo vọ, tôi nản lắm, thậm chí vợ con, anh em còn khuyên tôi đừng làm nữa nhưng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được”, anh Hải tâm sự.
Để có thêm kiến thức, anh Hải vào huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), nơi có những giống cam nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng để tìm hiểu cách trồng cam. Trời không phụ lòng người, sau chuyến đi đó, vườn cam của gia đình anh như được thay áo mới, năng suất, chất lượng được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, anh chủ trương không sử dụng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh để có sản phẩm sạch bán được giá cao. Thời điểm năm 2005, trại cam của anh đã có 1.000 cây, đem lại thu nhập 400 – 500 triệu đồng.
Về kinh nghiệm trồng cam, anh Hải tâm sự: “Trồng cam không khó nhưng phải cẩn thận từng khâu, ngay từ khâu tuyển chọn đất rồi theo dõi sự phát triển của cây, cách bón phân làm cỏ xung quanh gốc. Ngoài ra, việc cắt tỉa cành đúng thời điểm cũng giúp cây sai quả, hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích và thuốc hóa học để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Không thoả mãn với những thành quả ban đầu, anh tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho hướng đi này. Năm 2008, anh mua thêm 3ha đất để trồng 1.000 gốc cam Bù, hiện đã thu hoạch những lứa quả đầu tiên.
Sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực, hiện mỗi năm gia đình anh thu nhập 700 - 800 triệu đồng nhờ trồng cam, đồng thời tạo việc làm cho 40 - 50 lao động địa phương. Sản phẩm cam của trang trại đã vươn ra Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác. Trang trại của anh cũng trở thành mô hình được nhiều đoàn về tham quan học tập, được Trường Cao đẳng Nông – lâm nghiệp Hà Nội chọn làm nơi thực tập về cách trồng, chăm sóc cam.
Hướng tới việc sản xuất cam sạch trên quy mô lớn, hiện, anh Hải đã mở rộng thêm 1 trang trại rộng 18ha để trồng thêm 4.000 gốc cam Bù nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, anh Hải vẫn chưa hết băn khoăn khi giá cam đang bấp bênh mà thị trường cũng chưa thực sự rộng mở. Bên cạnh đó, người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là vốn đầu tư. Cam có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán tràn lan, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của cam trong nước. Vì vậy, mong Nhà nước và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn nữa, có chính sách đầu tư, hỗ trợ nông dân để bà con yên tâm mở rộng sản xuất.
Related news

Khoảng hai năm trở lại đây, nhiều loại bệnh xuất hiện đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của cây hồ tiêu ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn huyện Vĩnh Linh đã có gần 700/810 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh các loại, trong đó đã có nhiều vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng.

Mọi năm vào thời điểm này, các xã vùng chuyên canh cây cà phê của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) như Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Linh, Ba Tầng “sôi” lên bởi chuyện mở rộng diện tích trồng mới hoặc tái canh cây cà phê. Người dân sở tại, người ở các nơi tìm về mua đất, thuê đất trồng cà phê với hy vọng đổi đời. Giá đất ở “thủ phủ cà phê” Hướng Phùng không dưới 150 triệu đồng/ha, có lúc “sốt đất” giá lên cao chót vót, từ 250 đến 300 triệu đồng/ha nhưng nhiều người vẫn đổ tiền của vào đầu tư phát triển cây cà phê, vì khi đó giá lên cao, chỉ sau một vài vụ là đã thu hồi vốn. Nhưng năm nay, khi mùa vụ trồng mới đang đến gần, hơn 2.500 ha cây cà phê toàn huyện già cỗi cần phải tái canh nhưng không khí làng bản vẫn nhuốm một màu ảm đạm.

Việc phát hiện đàn chim yến ở tỉnh Ninh Thuận dương tính với cúm A/H5N1 khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên, không chỉ chim yến, chim cút tại Đồng Nai cũng nằm “ngoài vòng kiểm soát” của dịch bệnh.

Theo Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre, để sản xuất vụ lúa Đông - Xuân thành công, bà con nông dân có thể sử dụng một số giống lúa dưới đây

Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới, bình quân mỗi ha trồng xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc lãi từ 100 - 200 triệu đồng/ha.