Làm Giàu Nhờ Kết Hợp Nuôi Ếch Và Cá Trê
Với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi ếch kết hợp với cá trê, gia đình ông Cao Văn Phương (thôn Thanh Mỹ, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được coi là hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu.
Đến xã Ninh Quang, hỏi nhà ông Phương nuôi ếch, hầu như ai cũng biết. Ông Phương là người đầu tiên của xã thành công với mô hình nuôi ếch giống, ếch thịt cung cấp cho thị trường.
Đưa chúng tôi tham quan cơ ngơi rộng hơn 500m2 với 20 ao xi măng đang nuôi hơn 3.000 con ếch giống, ông Phương chia sẻ cái duyên đến với nghề nuôi ếch: Trước năm 2004, gia đình ông chuyên nuôi tôm giống tại xã Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa). Do làm ăn không hiệu quả nên ông kiếm nghề khác.
Trong một lần tình cờ xem chương trình “Bạn nhà nông” giới thiệu mô hình nuôi ếch khá hiệu quả của một doanh nghiệp ở Hà Tĩnh, ông Phương đã tìm đến học một số kỹ thuật nuôi cơ bản. Sau đó, ông đặt mua 2.000 con ếch giống Thái Lan về nuôi thử nghiệm trong 5 ao (16m2/ao).
Qua 6 tháng nuôi, số ếch còn sống khoảng 500 - 600 con. Lúc này, ông chọn 90 con bố mẹ cho sinh sản trực tiếp, lứa đầu tiên thành công với hơn 20.000 con, giá bán 1.200 đồng/con; sau khi trừ chi phí, lứa ếch đầu ông thu lãi hơn 14 triệu đồng.
Nhận thấy việc nuôi ếch khả quan, được sự hỗ trợ vốn vay tín chấp của Hội Nông dân xã, ông Phương đã mạnh dạn đầu tư thêm trang thiết bị, ao nuôi. Đến nay, gia đình ông xây được 20 ao, phát triển 500 cặp ếch sinh sản (mỗi năm đẻ 3 đợt, mỗi đợt khoảng 25.000 ếch con). Trừ chi phí, mỗi năm, ông thu hơn 60 triệu đồng từ việc bán ếch giống cho các nơi trong và ngoài tỉnh (như: Phú Yên, Gia Lai, Bình Thuận, Lâm Đồng...).
Ông Phương cho biết: Con ếch nuôi rất dễ, chủ yếu là siêng thay nước hàng ngày, cho ăn thức ăn công nghiệp hoặc các loại tạp phẩm (như: cá, tôm, cua vụn), phân loại ếch theo cùng kích cỡ... để phòng tránh các trường hợp ếch bị bệnh hoặc ăn thịt lẫn nhau.
Ngoài cung cấp con giống, gia đình ông Phương còn cung cấp loại ếch thịt lai tạo giữa giống ếch Bắc Mỹ và ếch đồng cho các nhà hàng, khách sạn lớn. Được biết, loại ếch thịt lai tạo do gia đình ông Phương cung cấp có trọng lượng 300 - 400 gram/con, giá bán ra thị trường khoảng 25.000 - 30.000đồng/kg. Bên cạnh việc nuôi ếch sinh sản, ếch thịt, ông Phương còn tận dụng các ao thả khoảng 1.500 con cá trê để tận dụng hết thức ăn thừa của ếch và có thêm thu nhập. Được biết, trong việc nuôi ếch kết hợp với cá trê, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Kết quả này không chỉ nâng cao kinh tế gia đình, mà ông Phương còn góp phần cung cấp nguồn giống tốt cho nhiều nông dân ở xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) và các tỉnh lân cận... Ông Phương đã được Hội Nông dân tỉnh cấp chứng nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh (giai đoạn 2007 - 2011 và 2011 - 2014). Năm 2013, đề tài mô hình nuôi ếch sinh sản, ếch thương phẩm của ông Phương đã được trao giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh.
Đánh giá về mô hình kinh tế của gia đình ông Phương, ông Trần Thanh Quang, Chủ tịch UBMTTQ xã Ninh Quang cho biết: Mô hình nuôi ếch của hộ ông Cao Văn Phương được coi là một điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Hàng năm, ngoài việc tăng thu nhập cho gia đình, hộ ông Phương còn giúp 5 hộ khác trong xã chuyển đổi mô hình vật nuôi để tăng thu nhập, thoát nghèo và giải quyết từ 5 đến 7 lao động có việc làm thường xuyên.
Related news
Là cây trồng đặc sản nổi tiếng, khoai lang Ngọc Vừng có vị thơm, ngọt đặc biệt, củ to, được du khách ưa chuộng. Trong những năm qua, dù được đầu tư phát triển thế nhưng cây trồng đặc sản này đang gặp khó khăn do đầu ra không ổn định.
Xã Viễn Sơn (Yên Bái) có diện tích trồng quế lớn nhất, nhì huyện Văn Yên. Cây quế góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu. đồng bào Dao nơi đây coi cây quế như một sản vật truyền thống.
Bà con nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ - Hòa Bình) đang thu hoạch bí xanh – một trong những cây họ bầu bí giảm nghèo chủ lực trên vùng đất còn nhiều khó khăn này. Thông thường mọi năm, các hộ chỉ trồng bí vụ đông xuân. Tuy nhiên, gần đây, cây bí xanh được bà con trồng tăng vụ ở vụ hè thu. Đáng mừng là nỗ lực chuyển đổi của bà con đã được bù đắp xứng đáng nhờ bí xanh trái vụ được giá, được mùa. Mới có ít ngày thu hoạch thời điểm trung tuần tháng 8 đã mang về hàng chục triệu đồng cho các hộ, cá biệt có hộ thu trên, dưới 100 triệu đồng.
Nam Hả Trong là thôn có nhiều hộ trồng địa liền của xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Kinh tế chủ lực của thôn là phát triển lâm nghiệp, nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu đất rừng, đã buộc xã Nam Sơn phải có phương án làm sao trên cùng một diện tích đất có thể thu được nhiều nguồn lợi. Một trong những nguồn lợi ấy là trồng cây địa liền xen kẽ trên các diện tích trồng keo.
Trên địa bàn huyện chỉ mới xuất hiện những cơn mưa dông đầu mùa, đất chưa đủ độ ẩm nhưng nhiều người dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã ồ ạt xuống giống một số cây trồng vụ mùa; trong đó chủ yếu là cây mì, sau đó gặp nắng nóng kéo dài đã làm cho hàng ngàn ha mì chết và chậm phát triển vì thiếu nước. Những ngày qua, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa, phần nào giải cơn khát cho cây trồng thì cũng là điều kiện cho các dịch bệnh gây hại cây trồng xuất hiện.