Làm ăn lớn từ vốn vay biến thách thức thành cơ hội
Xoay cùng thị trường
Tôi ấn tượng lão nông Nguyễn Huy Tiến ở xóm 4, xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên, Nghệ An) trong lần gặp đầu tiên ấy.
Thú vị bởi cách tiếp cận thị trường của lão. Cũng như nhiều nông dân khác, khi vay vốn đầu tư đều phải tính đến hiệu quả lời lãi, để trả được nợ cho ngân hàng và kinh tế gia đình khá lên. Ông Tiến vừa thực hiện được hai điều đó vừa biết cách làm cho giá trị sản phẩm cao lên, chiếm lĩnh thị trường.
Đã 7 năm gắn bó với Agribank chi nhánh Hưng Nguyên, đã chừng ấy thời gian, vợ chồng ông Tiến cùng 5 lao động gắn bó với đàn gà, con lợn trong chuồng, con cá dưới ao mà làm nên cơ ngơi giàu có.
Từ chỗ vay Agribank 1,3 tỷ đồng đến nay dư nợ còn 700 triệu đồng. Trong khi đó, doanh thu vài năm gần đây, năm nào cũng xấp xỉ 6 tỷ đồng, lãi ròng 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Trang trại ông có 12.000 con gà, cung cấp mỗi ngày 8.000 quả trứng cho thị trường. Ông bảo, người ta lo lắng đầu ra sản phẩm đến toát mồ hôi, riêng ông thì thấy nhẹ nhàng.
Có hai điều đặc biệt mà tôi ấn tượng mô hình chăn nuôi của ông Tiến. Một là thị trường tiêu thụ chỉ tập trung ở trong tỉnh và có khi không đủ hàng bán. Hai là, giá bán sản phẩm luôn cao hơn mặt bằng chung. Cũng quả trứng, người ta bán 1.800 đồng, ông gia công thêm một chút lại bán được gấp đôi.
Hỏi điều đặc biệt đó, ông bảo, có gì đâu mà giấu giếm. Chia sẻ ra đây mong có thêm nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư cho giàu lên. Nói rồi, ông chỉ ra cách làm đó. Sự thật là, khi trứng gà xuống giá, ông cho trứng vào lò ấp để bán trứng gà lộn.
Khoảng 3 - 4 năm trước ở Nghệ An chưa ai làm trứng gà lộn thì ông đã nghĩ ra việc này và làm. Khi trứng gà lộn xuống giá, ông kéo dài thời gian ấp để bán gà giống. Nếu gà giống xuống giá thì ông để lại nuôi rồi bán gà thịt.
“Dĩ nhiên là phải dự báo và nắm chắc được thị trường để có cách đối phó. Trong khi các nhà hoạch định chưa dự báo sát thì mình gắn chặt với vật nuôi, bám sát mọi đầu mối tiêu thụ để nắm chắc tình hình mà cân đối sản phẩm. Chỉ có tính toán kỹ lưỡng, chi li đến từng tý như thế thì mới hạn chế được thất thu trong chăn nuôi”, ông Tiến bộc bạch. |
Cứ thế, quy trình tiêu thụ sản phẩm của ông Tiến chẳng mấy khó khăn. Hơn nữa, giá cả của mỗi chủng loại cứ sau cao hơn trước nên chỉ có lời.
Cũng phải nói thêm rằng, để có được sản phẩm chất lượng tốt nhất, đáp ứng thị trường, gà ở trang trại của ông Tiến là gà Ai Cập. Tất nhiên là ông không phải lọ mọ sang Ai Cập mua mà việc cung ứng nguồn giống cho ông thông qua Viện Chăn nuôi.
Ông Tiến bảo, giống gà Ai Cập có đặc tính ưu việt là đẻ khỏe, một con có thể đẻ 230 - 260 quả trứng/năm, trong khi gà ta chỉ đẻ 120 - 180 quả. Giá gà giống Ai Cập luôn cao gấp đôi so với giống gà ta nhưng chính vì gà Ai Cập đẻ khỏe, ít dịch bệnh nên ông lựa chọn.
Thoát cảnh đói nghèo
Ở Nghệ An nhiều vùng nông thôn vốn dĩ nghèo, đời sống người dân, nhất là tầng lớp thanh niên gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề việc làm.
Khoảng 10 năm gần đây, không ít lao động ở nông thôn huyện Yên Thành đã phải ly hương. Việc làm trong nước khó khăn, họ quyết định vay vốn theo chính sách Nhà nước để xuất khẩu lao động.
Ông Phan Đình Thông, GĐ Agribank chi nhánh Yên Thành nói rằng, có thời gian gắn bó với vùng quê sẽ thấy rõ sự đổi thay kỳ diệu. Sơn Thành là một trong những xã nghèo của huyện thì năm vừa rồi lại là xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới.
Ngoài nguồn kinh phí hạn hẹp đầu tư của Nhà nước, phần lớn là đóng góp của nhân dân. Tiền đóng góp xây dựng quê hương chủ yếu bằng nguồn kiều hối gửi về. Hiện Sơn Thành có 1.700 người đi xuất khẩu lao động...
Không chỉ tiền gửi về trả được nợ mà còn có tiền xây mới nhà cửa, có vốn làm ăn. Nhiều gia đình, anh đi trước, kéo các em đi sau. Có người sau khi về còn tích cóp được vốn để đầu tư kinh doanh như Cty Vận tải Văn Minh (xe khách Văn Minh) với gần chục đầu xe làm ăn hiệu quả.
Theo ông Thông, có năm chi nhánh giải ngân 12 tỷ đồng cho người xuất khẩu lao động, bình quân mỗi người vay 100 triệu đồng. Một vài tháng đầu, người lao động ổn định việc làm là họ gửi tiền về trả nợ.
Đây là điều may mắn và thuận lợi cho cả người dân và ngân hàng khi đồng vốn bỏ ra phát huy hiệu quả. Dĩ nhiên là có nơi, có người gặp may; có nơi, có người lận đận. Điều đặc biệt là khi họ gặp khó khăn, phía Agribank đã không bỏ rơi họ.
Chúng tôi muốn kể câu chuyện về một số người từng trắng tay sau khi đi xuất khẩu lao động.
Anh Phan Duy Tiến ở xóm Lâm Đồng, xã Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là trường hợp như thế. Tiến học hết cấp 3 rồi đi nghĩa vụ quân sự sau đó mới về thi đỗ vào trường Cao đẳng điện Hà Tĩnh. Học xong ước có một việc làm ổn định nhưng đợi mãi chẳng có đâu gọi đi làm.
Thế rồi bố mẹ đồng ý vay 140 triệu đồng của Agribank Hương Sơn cho Tiến đi Ăng gô la. Trước Tiến có người anh trai và nhiều bạn bè trong xã cũng đi xuất khẩu lao động.
Công việc của Tiến và những người này ở bên đó là xây dựng, mức lương 800 - 900 USD/tháng. Tiến bảo, thu nhập đó đủ sống. Hết hạn hợp đồng Tiến về nước cũng được mẹ cho hay là tiền gửi về đủ để trả hết nợ cho ngân hàng. Tiến không còn một đồng dính túi.
Nhiều người trong xã cũng giống Tiến. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Tiến lại đặt vấn đề với bố mẹ về kế hoạch làm ăn.
Sau khi nghe “đề án” của con trai, bố mẹ đồng ý vay vốn ngân hàng cho Tiến đầu tư trang trại nuôi hươu. Thời gian anh em Tiến đi ngước ngoài, ở nhà bố mẹ cũng đã có chuồng nuôi hươu nhưng số lượng ít.
Nay theo nguyện vọng của Tiến, quy mô chăn nuôi được mở rộng. Hiện đàn hươu có 60 con. Nhờ chăm sóc tốt nên mỗi năm cưa lấy nhung bán 2 lần.
Mẹ của Tiến bảo với chúng tôi rằng, con trai chịu khó, ngân hàng chung sức và tỉnh có chính sách khuyến khích người chăn nuôi trong việc hỗ trợ lãi suất vay vốn nên giúp đỡ được gia đình rất nhiều.
Nhắc đến chính sách, những năm gần đây Hà Tĩnh đã liên tục ban hành văn bản về việc hỗ trợ lãi suất và cho không người chăn nuôi tiền với số lượng lên đến hàng tỷ đồng.
Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Thái Huy xóm Tân Quang xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ) là một ví dụ. Hiện trang trại này đã đầu tư gần 9 tỷ đồng với quy mô đàn lợn nái 350 con. Theo anh Huy đến tháng 6 này thu sẽ đủ bù chi và phải mất gần chục năm mới có thể thu hồi được vốn.
Hiện trang trại của anh Huy đã được các cấp, ngành thẩm định để được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất. Toàn bộ hồ sơ đã được hoàn tất và đang chờ quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu được phê duyệt, ngoài chính sách hỗ trợ lãi suất, anh Huy còn được tỉnh cấp ngân sách cho không 3 tỷ đồng.
Chỉ tính năm 2014, đàn hươu của gia đình Tiến cho thu hoạch 20 kg nhung, bán được 200 triệu đồng, cộng với 100 triệu đồng tiền bán hươu giống. Tiến bảo, trừ chi phí vẫn còn lãi 150 triệu đồng. Trong năm nay, Tiến dự định sẽ mở cửa hàng cung ứng sản phẩm vì thương hiệu nhung hươu của gia đình đã được khẳng định trên thị trường. Nhiều đoàn lãnh đạo của tỉnh, trong đó có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm và động viên khen ngợi mô hình này. |
Related news
Dịch bệnh hoành hành, sức tiêu dùng sản phẩm thịt nội địa trong nước thấp, thịt nhập khẩu tăng… khiến tốc độ tăng trưởng sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN) năm nay có dấu hiệu chững lại.
Sáng 20/3 tại TP.Cần Thơ, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với WWF, tổ chức Hội thảo “Xây dựng nhận thức về SX cá tra bền vững tại ĐBSCL”.
Ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thành Lợi (xã Thành Lợi, Bình Tân, Vĩnh Long) cho biết, liên tục mấy ngày qua, nhiều người Trung Quốc đã đến HTX gặp gỡ ban lãnh đạo nhờ thu mua lá khoai lang với số lượng không giới hạn.
Huyện ủy, UBND huyện Bình Đại (Bến Tre) vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 05 của Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo ngăn chặn và xử lý việc nuôi tôm biển trong vùng quy hoạch ngọt hóa.
Một loại ớt có xuất xứ từ Trung Quốc được nhiều người dân trồng trên các cánh đồng tại tỉnh Nghệ An mà chưa hề được cơ quan chức năng kiểm định (kiểm dịch)