Trong những ngày gần đây, cuộc sống của nhiều diêm dân ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn (Bình Định) gặp nhiều khó khăn vì giá muối chỉ ở mức 400 - 450 đồng/kg, thậm chí chẳng có người mua. Ngược lại, cách đấy khoảng 120 km về phía Bắc, diêm dân ở đồng muối Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) lại chẳng chịu bán với giá 1.400 - 1.600 đồng/kg, dù có rất nhiều tư thương đến mua.
Theo nhiều tư thương thì do hầu hết người dân dọc các tỉnh ven biển miền Trung đều chọn muối Sa Huỳnh để chế biến mắm, nên giá muối vẫn ở mức cao. Bởi vì, các loại mắm được chế biến từ muối ở đây rất thơm ngon và mang hương vị đặc trưng không dễ gì có được. Điều này đã được kiểm chứng qua thời gian cùng với sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Thực tế trong những năm qua, cứ mỗi khi ngư dân bội thu những loại hải sản dùng chế biến các loại mắm như: cá nục, cá cơm, cá trích… thì giá muối Sa Huỳnh lại ở mức cao. Và từ lâu, chính những "con cá làm ra con mắm" đã "công nhận" thương hiệu muối Sa Huỳnh trước khi được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận vào tháng 4/2011.
Tuy nhiên, điều đáng nói là việc giá muối đang ở mức cao, nhiều tư thương đến chào mua nhưng diêm dân lại không chịu bán, mặc cho lượng muối trong xã còn tồn đọng trên 500 tấn. Ngược lại với những năm trước, mỗi khi giá muối ở mức thấp 400 - 600 đồng/kg thì diêm dân lại tranh nhau bán, dù chẳng có người mua. Xem ra có vẻ lạ đời, nhưng đối với những người quan tâm đến "số phận" của hạt muối Sa Huỳnh thì đấy là điều dễ hiểu. Bởi vì, từ đầu vụ đến nay thường xuyên xuất hiện mưa giông làm cho diêm dân Sa Huỳnh thất thu 2.000 - 2.500 tấn muối so với cùng thời điểm các năm trước. Nếu với mức giá hiện tại thì gần 600 hộ diêm dân trong xã thất thu hơn 3 tỷ đồng (mỗi hộ phải chịu mất khoản 5 triệu đồng), số tiền thấm đẫm bao giọt mồ hôi của người diêm dân nơi đây.
Theo kinh nghiệm của diêm dân, cứ mỗi khi muối mất mùa thì được giá và ngược lại. Do vậy, họ cứ tích trữ muối để chờ giá lên khi chỉ vài ngày lại xuất hiện mưa giông như từ đầu vụ đến nay. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, họ cũng đã nhiều lần "khốn khổ" với việc mất mùa lại mất luôn giá. Liệu hơn 500 tấn muối đang chờ giá lên ấy có được như họ mong muốn hay lại "về với biển" như trong cơn bão số 9 vào năm 2009?
Hạt muối Sa Huỳnh đã được cấp giấy chứng nhận thương hiệu, nhưng hơn 1 năm trôi qua vẫn phải nằm trong những bao tải, bao nhựa không đảm bảo chất lượng. Nó vẫn cứ ngấm nước và đổi màu trước khi đến tay người tiêu dùng. Vậy thì chuyện lạ - quen đối với hạt muối Sa Huỳnh, với chuyện "giá cao chẳng bán" đến bao giờ mới chấm dứt?