Kỹ Thuật Trồng Lúa - Phòng Chống Chuột Hại Lúa
Muốn phòng trừ chuột có kết quả, không có một biện pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được, mà chúng ta phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách hợp lý trong Quy trình quản lý tổng hợp mới mong giải quyết được.
1- Biện pháp canh tác:
- Phải xuống giống tập trung gọn thời vụ, để hạn chế nguồn thức ăn cho chuột có mặt liên tục trên đồng ruộng.
- Không nên để đất hoang hóa hoặc gò đống nằm xen kẽ trong cánh đồng lúa, không nên đắp bờ đê quá lớn, mọc nhiều cỏ dại... để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột.
- Ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng nên giữ mực nước trong ruộng cao.
2- Biện pháp vật lý:
- Trước khi xuống giống, trên đồng ruộng thường thiếu thức ăn, chuột bị đói, cần tranh thủ đặt các loại bẫy để nhử chuột tiêu diệt.
- Trong thời kỳ sinh sản chuột thường nằm trong hang, nên tranh thủ bắt chuột bằng cách đào hang, đổ nước, hun khói... kết hợp với dùng chó săn để bắt chuột.
- Làm bẫy cây trồng (BCT) (áp dụng cho những vùng thường bị chuột gây hại nhiều hàng năm). Bằng cách cứ khoảng 15-20 ha lúa bố trí một BCT nằm ở khu vực trung tâm. BCT là một ruộng lúa hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 30m, được xuống giống sớm hơn những ruộng khác khoảng 2-3 tuần. Xung quanh ruộng bẫy rào kín bằng vải nilon, cao 0,5-0,6m. Mỗi bờ khoét 1-2 lỗ dưới chân hàng rào để đặt bẫy hom.
Bẫy hom là một cái lồng hình hộp chữ nhật có khung bằng sắt, một đầu gắn hom (giống như hom của lờ bắt cá) xung quanh bằng lưới sắt mắt cáo. Chiều dài bẫy hom là 60cm, chiều rộng và chiều cao từ 25-30cm, miệng hom hướng ra phía ngoài. Bên ngoài chân hàng đào một rãnh nhỏ chứa nước để khi chuột muốn leo qua hàng rào vào bên trong phải bơi qua rãnh nước, lông bị ướt, sẽ trơn trợt không leo vào được.
Do khu đồng chưa được xuống giống, gặp ruộng bẫy có lúa chuột sẽ kiếm chỗ chui vào, vì có hàng rào nên chuột phải chui qua lỗ hom vào bẫy. BCT chỉ áp dụng được ở những nơi có tập quán gieo cấy tập trung và thời gian trống giữa hai vụ lúa phải dài ít nhất 3-4 tuần. Biện pháp này sẽ đem lại hiệu quả cao cho cộng đồng, tuy nhiên muốn thực hiện được phải có sự vận động, đồng thuận của những chủ ruộng trong cùng khu đồng.
Ngoài ra, có thể dựng những bức “tường bằng vải nilon” chắn ngang hướng di chuyển từ nơi có nhiều chuột vào ruộng lúa. Trên bức tường này thỉnh thoảng đặt một bẫy hom (hom hướng về nơi chuột sẽ di chuyển tới) để thu gom chuột.
- Làm hàng rào nilon bao xung quanh ruộng: Dùng nilon dựng thành hàng rào cao khoảng 50-60cm bao kín xung quanh ruộng, ngăn không cho chuột chui vào ruộng lúa.
- Săn đuổi chuột: Dựng hai hàng rào bằng lưới hay vải nilon, cao khoảng 60 cm theo hình chữ V (chiều dài của hàng rào tùy thuộc chiều dài của khu ruộng, nên dài khoảng 50-60 mét là vừa), ở góc nhọn dưới đáy của chữ V đặt một bẫy hom, huy động người dàn hàng ngang trên miệng chữ V, gây tiếng động xua đuổi, dồn chuột từ phía trên miệng chữ V chạy dồn về phía đáy chữ V, tới đây chuột không còn đường thoát sẽ lần lượt chui vào bẫy hom, chúng ta chỉ việc thu gom chuột. Cách này phải tiến hành vào ban đêm, vì thường lúc này chuột mới từ trong hang chui ra cắn phá lúa.
- Chất chà diệt chuột: Vào mùa nước ngập chuột sẽ rút hết lên các gò đống, ngọn cây... Khi nước rút bà con bắt đầu sạ lúa. Do mới bị ngập nước, chuột chưa có chỗ đào hang để trú ẩn nên ban đêm chuột tràn ra phá hại lúa còn ban ngày tìm chỗ kín, rậm rạp để ẩn nấp. Lợi dụng đặc tính này của chuột chúng ta có thể tìm những khoảnh đất trống gần ruộng lúa, rộng khoảng 10-15m2, đóng vài cây cọc xung quanh rồi dùng cây chà (rào tre, ngọn cành cây trâm bầu, so đũa, bạch đàn, cây tràm...) chất vào bên trong, tủ thêm rơm rạ cỏ rác… lên trên tạo thành một cái ổ kín đáo cho chuột chui vào trú ẩn. Có thể rắc thức ăn vào trong đống chà để dụ chuột chui vào ăn. Sau đó cứ khoảng10-15 ngày một lần, quây đăng, cót (hoặc lưới) kín xung quanh đống chà, xong xuôi dỡ bỏ đống chà, thấy động chuột từ trong đống chà sẽ phóng ra ngoài, chúng ta chỉ việc bắt thu gom chuột.
3 -Biện pháp hóa học:
Dùng thức ăn mà chuột ưa thích như tấm, cám, gạo, bột gạo, bột bắp, cua cá nướng, cá chiên… trộn với thuốc diệt chuột Zinphos 20% hoặc Fokeba 20% để làm mồi diệt chuột.
Do chuột rất tinh khôn và có tính đa nghi, nên vài ngày đầu đặt mồi không có thuốc (vào cửa hang hoặc những đường chuột thường qua lại…) để chuột ăn quen mồi. Khi chuột đã quen mồi thì đặt mồi có thuốc vào đúng vị trí đã đặt mồi không có thuốc trước đây.
Mồi được trộn như sau: Cứ 45 phần thức ăn thì trộn với 1 phần dầu đậu phộng và 4 phần thuốc diệt chuột. Đặt mồi vào buổi chiều tối (khoảng 20-50 gram mồi cho một hang), đêm chuột ra ăn, sáng ngày hôm sau thu gom toàn bộ mồi còn dư và xác chuột chết đem chôn để tránh nguy hiểm.
Hai loại thuốc diệt chuột trên đây nằm trong Danh mục hạn chế sử dụng ở nước ta, rất độc với người và gia súc, không có thuốc giải độc, chỉ nên áp dụng khi thật cần thiết. Mỗi khi đặt thuốc, cần thông báo cho xung quanh khu vực để tránh nguy hiểm cho người, gia súc, gia cầm.
Ngoài ra cũng có thể sử dụng một số loại thuốc diệt chuột khác như: Xìgà-Sg 63q; Klerat; Biorat…
Related news
Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bình Định đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh thối thân ở cây lúa. Từ kết quả thu thập được, Chi cục cũng đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Anh Mai Thanh Thuộc ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), thành viên TTF của Cty Tân Thành cho biết, do ruộng của anh canh tác vào thời điểm chính vụ nên khi thu hoạch vào đầu mùa mưa, cuối tháng 6/2014. Đầu vụ trục trặc nhân công trong khâu làm đất, lúa của anh sạ sau các ruộng bên cạnh từ 4 - 5 ngày.
Năng suất, sản lượng lúa gạo của Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2013, Việt Nam XK gần 7 triệu tấn gạo. Dự kiến năm 2014 có thể xuất 7,2 triệu tấn gạo. Tuy vậy, nông dân nhiều nơi than phiền là giá lúa thấp và rất bấp bênh, làm lúa không có lời, hoặc lời ít...
Trong quá trình sinh trưởng phát triển, cây lúa trải qua các giai đoạn: Mạ, đẻ nhánh, làm đòng và trỗ chín, trong đó giai đoạn đẻ nhánh giữ một vai trò quan trọng nhất quyết định năng suất chất lượng vụ lúa.
Tại vùng Kim Sơn (Ninh Bình) có khoảng 10.000ha đồng ruộng bị xâm nhập mặn với độ 3-7 ‰, đặc biệt các vùng bị xâm nhập mặn do bão phá đê biển vào các năm trước, tại đây lúa thu hoạch rất thất thường, nhiều vụ mất trắng, hoặc cho năng suất rất thấp.