Kỹ Thuật Nhân Giống Thành Công Khoai Tây Trong Không Khí
Sau hơn một năm tiến hành thử nghiệm, kỹ sư (KS) sinh học Lê Văn Cường (phường 8, TP Đà Lạt) đã nhân giống khoai tây thành công trong môi trường không khí (khí canh) chứ không trồng dưới đất theo cách thông thường.
Đến nay KS Cường đã thử nghiệm nhân giống 3 vụ khoai tây theo công nghệ khí canh trên diện tích 500 m² tại khu vực Đất Mới (TP Đà Lạt). Cây không trực tiếp trồng vào đất (địa canh) hoặc nhúng vào môi trường dung dịch (thủy canh) mà được đặt cố định trên một giá đỡ và rễ cây phát lộ hoàn toàn trong không khí. Nhờ bộ rễ lộ ra ngoài nên hoàn toàn chủ động điều khiển quá trình hình thành tia củ, nếu tia nhiều thì số lượng củ sẽ nhiều. Tuy nhiên để đủ độ tối cho cây phát triển củ, có thể che bộ rễ bằng thùng xốp và phủ bạt ni lông đen.
Định kỳ, KS Cường cho phun nước dưới dạng sương để kích thích rễ phát triển. Phân bón và chất dinh dưỡng được hòa tan trong nước và cũng tưới theo kiểu phun sương cho rễ cây hấp thụ. Toàn bộ quy trình chăm sóc cây đều thực hiện bởi hệ thống thiết bị máy móc hiện đại (máy bơm, bể chứa dinh dưỡng, các đường ống dẫn dinh dưỡng…) và được lập trình chi tiết trong máy tính.
Từ 5 đến 15 phút hệ thống tưới sẽ tự động phun mấy mươi giây; thời gian phun và số lần phun trong ngày được điều chỉnh hợp lý tùy theo độ tuổi, tình trạng sinh lý của cây và nhiệt độ môi trường bên ngoài. Nếu cây không hấp thụ hết dung dịch phun, có thể thu hồi, lọc, bổ sung để sử dụng cho lần sau. Nhờ vậy, trồng khoai tây bằng khí canh có thể giảm trên 90% chi phí về nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Được đặt trong môi trường thoáng khí, bộ rễ dễ hô hấp, hấp thụ dinh dưỡng nên sinh trưởng nhanh hơn khi trồng dưới đất: Một gốc khoai tây trồng theo phương pháp này cho tới 20 - 25 củ giống, trong khi trồng trong đất trung bình chỉ từ 4 - 5 củ. Hệ số cây giống cũng được nhân nhanh và rẻ hơn nhiều so với phương pháp nhân cấy invitro:
Trong vòng một tháng, 1 cây khoai tây sẽ nhân ra từ 8 - 11 cây con và chỉ trên diện tích 1 m² có thể tạo ra cả nghìn cây giống sạch bệnh khắc phục tình trạng khan hiếm cây giống mùa khoai tây chính vụ; chi phí sản xuất cây giống thấp hơn nhiều nhờ đầu tư ban đầu nhỏ hơn. Ngoài ra, công nghệ khí canh không sử dụng đất nên môi trường có độ sạch cao, cây ít bị nhiễm bệnh và cho ra sản phẩm củ giống sạch đúng chuẩn, có độ kháng bệnh cao.
Tuy nhiên, KS Cường cho biết vẫn đang tìm cách nâng cao năng suất bởi người chuyển giao công nghệ khí canh trong nhân giống khoai tây cho ông là GS.TS Nguyễn Quang Thạch (Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) đã đạt từ 40 đến 70 củ giống/gốc khi triển khai đề tài nghiên cứu cấp nhà nước trong lĩnh vực này.
GS Thạch cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu công nghệ khí canh trong điều kiện Việt Nam suốt nhiều năm ròng. Ông đã chuyển giao công nghệ cho những người giàu kinh nghiệm trồng rau, củ sạch ở những vùng trọng điểm khoai tây của nước ta (Hà Nội và Lâm Đồng) như KS Cường để tiến hành thử nghiệm nhằm hoàn thiện quy trình trước khi ứng dụng rộng rãi ngoài thực tế sản xuất.
Từ những kết quả nghiên cứu và thử nghiệm khả quan nói trên, có thể hy vọng công nghệ khí canh tạo nên sự đột phá trong việc tạo củ giống gốc trong ngành khoai tây: Hạ giá thành, nhân giống với số lượng lớn; thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao mới với năng suất cao, chất lượng tốt, sản phẩm sạch…
Related news
Khoai tây cần nhiều nước nhất là ở thời kỳ phình củ và thời kỳ củ lớn nhanh. Trong giai đoạn này có thể tưới nước vào rãnh cho ruộng thấm đều nước sau đó tháo hết nước thừa đi
Khoai từ không đơn giản chỉ là một món ăn dân dã quen thuộc mà nó còn là một vị thuốc quý có lợi cho cơ thể. Dưới đây chúng tôi xin nói rõ hơn về những tính năng công dụng chữa bệnh của loại củ này, và chắc hẳn mọi nguời sẽ thêm khoai từ trong thực đơn hàng ngày để có một sức khỏe dồi dào hơn.
Khoai môn dùng ăn chín, chế biến thực phẩm, đặc biệt có thể xuất khẩu củ tươi và dùng làm nguyên liệu cho chế biến công nghiệp rất có giá trị như khoai chiên, bột dinh dưỡng trẻ em...
Khoai Từ, Khoải Mở (Vạc) là hai loài cây có củ thuộc họ củ nâu (Dioscoreaceae). Tại Việt Nam, từ, vạc có ở khắp nơi, nhưng tập trung nhiều nhất là ở vùng trung du và bán sơn địa.
Sau trồng khoảng 15 - 20 ngày cần tiến hành ngắt ngọn, nhằm kích thích cho khoai tây ra nhiều tia củ. Khoai để làm giống yêu cầu có chất lượng cao với hàm lượng nước thấp hơn khoai thịt nên tuỳ theo chân đất cần phải bón đủ lượng phân, nhất là phân lân và kali. Trung bình 1 sào (360m2) bón: phân chuồng hoai mục 4-5 tạ + đạm urê 9-10kg + 20 kg lân supe và 6-7 kg kali.