Kỹ Thuật Chọn Gà Con Nuôi Thả Vườn
Ở số báo trước, Báo NTNN đã thông tin tới độc giả nắm được ưu điểm của chăn nuôi gà thả vườn và một số giống gà có nhiều ưu điểm tạo thuận lợi cho người chăn nuôi. Ở số báo này, chúng tôi tiếp tục chuyển tới độc giả về kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn thế nào cho hiệu quả.
Theo cán bộ kỹ thuật của Công ty VIC, khi chăn nuôi gà, người chăn nuôi cần quan tâm đến những yếu tố đó là: Môi trường an toàn sinh học. Tiêm phòng bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi. Thức ăn phải có chất lượng và được bảo quản tốt. Chuồng trại hợp quy cách. Ghi chép số liệu đầy đủ và cập nhật. Theo dõi thể trạng vật nuôi. Kiểm tra đầu con và lượng thức ăn.
Trong quá trình nuôi gà, người chăn nuôi cần vệ sinh sạch sẽ khu chuồng nuôi, hố sát trùng, người và dụng cụ trước khi vào khu chăn nuôi. Trong quá trình nuôi phải vệ sinh định kỳ. Sau mỗi đợt nuôi, vệ sinh toàn bộ khu vực nuôi và phun thuốc sát trùng hiệu quả, đúng liều. Môi trường nuôi phải khô ráo và không bị ngập khi mưa, độ thông thoáng tốt, không quá nhiều cây cối. Nếu môi trường chăn nuôi được đảm bảo tốt, người chăn nuôi sẽ không bị tăng chi phí trong chăn nuôi.
Về mật độ nuôi thả ngoài vườn với hình thức nuôi từ 4-7 tuần thì theo mật độ 10 con/m2, còn với hình thức nuôi từ 8 tuần trở lên, mật độ là 5 con/m2. Người chăn nuôi nên chọn gà con theo cách sau đây sẽ giúp cho hiệu quả cao hơn: Chọn gà con mắt sáng, phải nhanh nhẹn và lông bông.
Bụng gà con phải mềm, rốn kín, đi chân vững. Mỏ gà thẳng và bóng rõ ràng. Khi đưa gà về trại, đặt các thùng gà dọc theo quây úm và mở ngay các nắp đậy gà. Cẩn thận thả ngay gà con cạnh máng nước để trong trường hợp gà khát sẽ có nước để uống ngay.
Để gà ổn định thân nhiệt, người chăn nuôi nên quây úm sao cho phù hợp. Cụ thể: Dùng phên tre dài khoảng 8m, cao 0,4m quây tròn, nền phủ trấu dày từ 5-8cm. Với cách này, có thể đủ úm cho 400 con. 2 tuần đầu dùng 4 bóng điện loại 100W, sau đó giảm 2 bóng/3 tuần. Mật độ úm đối với gà nuôi ở 2 tuần đầu từ 40-50 con/m2, 3-4 tuần là 25 con/m2 và trên 4 tuần tuổi sẽ là 10 con/m2 cộng với diện tích vườn 2m2/con.
Gà ở 1-3 tuần tuổi sử dụng máng ăn dài có con lăn. Trên 4 tuần thay đổi bằng cách dùng 3 máng ăn trong chuồng và 8 máng ăn ngoài vườn. Còn với máng uống nước, gà từ 1-3 tuần sử dụng 7 máng tròn loại 1 lít. Gà trên 4 tuần dùng 2 máng trong chuồng, 6 máng ngoài vườn loại 4 lít. Thêm vào đó, người chăn nuôi nên bố trí 1 máng ăn và 1 máng uống dưới 1 gốc cây.
Người chăn nuôi phải để ý quan sát gà và bố trí nhiệt độ úm sao cho phù hợp với độ tuổi của gà. Đối với gà từ 1-3 ngày tuổi, úm gà ở nhiệt độ 35-33 độ C, gà từ 4-7 ngày tuổi là 32-30 độ C, 8-14 ngày tuổi, nhiệt độ ở 29-27 độ C, trên 2 tuần tuổi có thể để tự nhiên.
Trong thời gian quây úm, có thể quan sát mức độ phân tán của gà trong quây úm để điều chỉnh cho phù hợp. Nếu thấy gà nằm tụm dưới bóng điện là bị lạnh, gà tản ra xa bóng điện là quá nóng, còn khi gà phân tán đều trong quây úm là nhiệt độ phù hợp. Người chăn nuôi lưu ý cứ 3 ngày phải mở rộng quây úm. Đến 2 tuần thì phá bỏ quây úm để gà thích nghi với điều kiện tự nhiên.
Related news
Chương trình tiêm phòng vắc xin cho gia cầm không đạt tiêu chuẩn có thể khiến tỉ lệ đột biến của vi rút cúm gia cầm cao hơn, khiến việc tiêm phòng không hiệu quả và làm tăng lây nhiễm qua loài lai.
Được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu khoa học sinh học và công nghệ sinh học (BBSRC), các nhà nghiên cứu đã thực hiện bước đầu tiên trong việc phát triển một loại vắc-xin thế hệ mới giúp bảo vệ đàn gà chống lại bệnh cầu trùng - một căn bệnh nghiêm trọng đối với gia cầm trên toàn thế giới do ký sinh trùng gây ra.
Viện nghiên cứu chăn nuôi Quốc gia (NAPRI) Nigeria đã giới thiệu một giống gia cầm mới có tên gọi là “gà lông nâu Shika” - giống gà có thể đẻ trứng trong hai năm liên tiếp.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Tarbiat Modares ở Tehran, Iran đã nghiên cứu biện pháp kiểm soát tử vong do chứng cổ trướng ở gà và biện pháp cải thiện chất lượng thịt và tăng thời hạn sử dụng thịt gà khi sử dụng chất phụ gia thức ăn chăn nuôi có hoạt tính chống oxy hóa.
Một nhà khoa học Mỹ trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra việc tiêm vắc-xin cho gà có thể giúp giảm số ca ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Campylobacter ở gà gây ra, giúp tiết kiệm hàng triệu bảng Anh mỗi năm. Loại vắc-xin này hiện đang trong quá trình sản xuất.