Home / Gia súc-Gia cầm / Nuôi bò

Kỹ Thuật Chăm Sóc Bê Sơ Sinh

Kỹ Thuật Chăm Sóc Bê Sơ Sinh
Publish date: Wednesday. August 14th, 2013

Tục ngữ có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, chẳng biết nuôi tằm cực khổ thế nào chứ chăm sóc bê sơ sinh là công việc vô cùng cực nhọc.

Người nuôi bò phải am tường nhiều việc để bê con có thể mạnh khỏe phát triển ngay từ khi mới sinh ra, đặc biệt là bê cái, “máy in tiền” của người nuôi bò. Những việc nhỏ nhặt tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không chú tâm cũng sẽ làm nông dân “lỗ vốn” nếu bê con nhiễm bệnh, không đủ dinh dưỡng phát triển, không cho sữa năng suất cao sau này.

Để chăm sóc bê con, người chăn nuôi cần chú ý một số điểm cơ bản sau đây:

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và khô ráo

Do sức đề kháng của bê con lúc chào đời vẫn còn yếu do đó chuồng trại ẩm ướt, dơ bẩn dễ làm bê con cảm lạnh và mắc nhiều chứng bệnh. Người chăn nuôi phải biết hạn chế tối đa những điều bất lợi này. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi nên chú ý dọn dẹp phân trong chuồng thường xuyên, nước tiểu cần được thoát tiêu tốt ngay sau khi được thải ra, che chắn chuồng trại tránh gió lùa mưa dột…để giúp bê có môi trường sống tốt nhất.

Sát trùng cuống rốn bê

Cuống rốn bê sau khi sinh như cửa ngõ không có khóa, dễ dàng bị hàng tỷ vi trùng lợi dụng xâm nhập vào cơ thể bê con và gây bệnh. Bôi dung dịch i-ốt 10% đều đặn mỗi ngày đến khi dây rốn khô chính là tạo một “ổ khóa” hữu hiệu phòng chống lại những kẻ không mời mà tới.

Cho bê bú sữa đầu

Bê con phải được bú sữa nhưng “bà đỡ” phải cho bú đúng cách để sức khỏe bê con được bảo đảm và sữa không bị lãng phí lại là vấn đề cần phải bàn. Cũng như tất cả các loài thú sơ sinh, bê con mới chào đời rất yếu ớt. Sữa đầu (sữa non) có chứa nhiều dưỡng chất dễ tiêu hóa, nhuận tràng, nhiều vitamin A và nhất là hàm lượng kháng thể cao.

Đây có thể xem như một thứ “bảo bối” của bò mẹ truyền cho bê con giúp chống lại nhiều loại bệnh tật khi bê mới chào đời. Cần cho bê bú sớm (trong vòng nửa giờ sau khi sinh), nhiều (ít nhất 4 lít trong 2 ngày đầu) và thường xuyên (4 – 6 lần/ngày). Thật ra “công lực” của bò mẹ, tức lượng kháng thể có trong sữa, chỉ tồn tại với hàm lượng cao trong vòng 48 giờ sau khi sinh.

Lượng sữa đầu dư thừa có thể đem bảo quản lạnh để dành khi cần thì lấy ra dùng dần hoặc sử dụng cho bê con khác bú… ké lúc bò mẹ của chúng đang trong quá trình điều trị bệnh. Cần lưu ý là không cho bê bú quá nhiều sữa (> 1,5 lít/lần) vì tẩm bổ nhiều quá dễ làm bê con bị “tẩu hỏa nhập ma”, tức rối loạn tiêu hóa.

Tách bê con khỏi mẹ

Sau khi sinh, bê con cần tách khỏi mẹ ngay. Việc này có vẻ hơi tàn nhẫn nhưng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nói đi cũng còn nói lại, bê con không bú sữa mẹ trực tiếp sẽ dễ tập bú bình hoặc uống sữa trong xô. Không có bê con, bò mẹ khỏi đau lòng khi phải xa bê con sau này, cũng như dễ hòa nhập trở lại đàn và sinh sản trở lại. Ngoài ra, bê mẹ vẫn có thể cho sữa mà không cần có phản xạ thúc vú của bê con.

Cai sữa bê con

Bê con bú sữa vào ngày thứ tư, thứ năm khoảng 5 lít/ngày và được giữ cho đến khoảng 4 tuần tuổi. Sau đó lượng sữa cho bú sẽ giảm dần và kết thúc khoảng tuần thứ 10 trong khi lượng cám tập ăn và cỏ khô sẽ tăng dần lên và thay thế hoàn toàn. Như vậy, thức ăn cho bê theo nguyên tắc từ “sữa – cám – cỏ” chuyển sang “cám – sữa – cỏ” và sau cùng chỉ còn “cám – cỏ”. Đến giai đoạn này, chúng ta đã hoàn toàn cai sữa cho bê.

Khi đó, bê khoảng 8 – 10 tuần tuổi, với trọng lượng khoảng 65 – 75 kg. Một điều đáng lưu ý là tập cho bê ăn thức ăn thô sớm sẽ kích thích dạ cỏ phát triển, sẵn sàng cho việc tiêu hóa cỏ xanh và nhai lại sau này khi các nguồn dưỡng chất khác bị “cấm vận” khi bê con cai sữa.

Trui sừng bê con và đánh số hiệu

Trui sừng là cách để sừng bê không mọc được. Điều này chẳng phải để làm đẹp hay để bê con suốt đời không bao giờ thành bò mà chủ yếu để bê không đánh nhau có thể gây thương tích và cơ thể bê không tốn… năng lượng để nuôi sừng. Ngoài ra, các con bê cái cần phải mang số hiệu để ghi “tên tuổi” để nhận dạng giúp cho việc quản lý, chăm sóc bò được tốt hơn.


Related news

Kỹ Thuật Phát Hiện Động Dục Ở Bò Cái Kỹ Thuật Phát Hiện Động Dục Ở Bò Cái

Bò cái dễ bị kích thích, không ở yên, hay đi lại, có xu hướng đến gần người và người dễ đến gần; mắt tinh và sáng hơn thường lệ; bò tỏ ra bồn chồn ngơ ngác.

Thursday. May 17th, 2012
Kỹ Thuật Để Nâng Cao Năng Suất Và Giá Trị Chăn Nuôi Trâu Bò Kỹ Thuật Để Nâng Cao Năng Suất Và Giá Trị Chăn Nuôi Trâu Bò

Chăn nuôi trâu bò là nghề truyền thống của nông dân Việt Nam. Chăn nuôi trâu bò ở nước ta mang tính kiêm dụng theo hướng khai thác sức kéo - phân bón -thịt. Thời gian gần đây, chăn nuôi trâu bò đang chuyển sang kiêm dụng thịt – phân bón – sức kéo và dần hình thành hướng chăn nuôi chuyên thịt (chủ yếu trên bò).

Thursday. September 27th, 2012
Chế Độ Chăm Sóc Và Nuôi Dưỡng Bò Sữa Chế Độ Chăm Sóc Và Nuôi Dưỡng Bò Sữa

Sữa mẹ trong 7 ngày đầu có nhiều Colostrum do thành phần sữa có kháng thể và nồng độ dinh dưỡng cao nên phải cho bê bú không được nhập chung vào sữa hàng hóa. Đối với bò khai thác sữa, không được cho bê bú trực tiếp mà phải vắt ra xô rồi tập cho bê uống tránh cho bò mẹ có phản xạ mút vú vì như thế sẽ rất khó vắt sữa sau này.

Sunday. December 23rd, 2012
Chuồng Trại Và Phòng, Trị Bệnh Cho Bò Sữa Chuồng Trại Và Phòng, Trị Bệnh Cho Bò Sữa

Chuồng trại phải hợp vệ sinh, thông thoáng mùa hè, ấm mùa đông và có sẵn vận động cho bò.

Sunday. December 23rd, 2012
Kỹ Thuật Bò Giống Lai Kỹ Thuật Bò Giống Lai

Ngoại hình: mang những đặc điểm chung của các giống bò Zêbu như tầm vóc khá lớn, kết cấu ngoại hình rắn chắc, u vai (bướu) phát triển, yếm và rốn phát triển, tai to màu sắc đa dạng.

Thursday. January 31st, 2013