Krông Nô Đẩy Mạnh Đưa Cơ Giới Hóa Vào Sản Xuất Nông Nghiệp

Theo UBND huyện Krông Nô, hàng năm, địa phương có trên 2.700 ha lúa nước vụ hè thu, 1.795 ha lúa nước vụ đông xuân và hơn 1.900 ha ngô. Những năm gần đây, việc đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã đưa lại những hiệu quả kinh tế lớn.
Trong những ngày này, trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Buôn Choáh, bà con nông dân chuẩn bị làm đất xuống giống vụ hè thu. Khắp các cánh đồng, những chiếc máy cày bánh lồng chạy băng băng để nhào trộn, đánh tơi đất ruộng. Chưa đầy 20 phút, mặt ruộng rộng chừng 500 m2 đã phẳng nhuyễn, láng mịn sẵn sàng “khoác lên mình” màu xanh lúa mới.
Ông Nguyễn Văn Nam, một người dân trong xã nói: “Với gần 35 ha đất ruộng ở đây chỉ cần đội máy này ra quân “quần” trong hơn một tuần lễ là bà con có thể xuống giống được rồi. Trong khi mọi năm, vào dịp này nhà nào cũng tối mặt trên đồng ruộng mà còn lo trễ vụ, nay có máy làm, sẽ chủ động và nhanh hơn nhiều”.
Cánh đồng Buôn Choáh là một trong những nơi có ưu thế về thủy lợi nên những năm qua, địa phương đã tập trung đầu tư làm đường giao thông nội đồng, trạm bơm nước để xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng cánh đồng mẫu lớn và đã phát huy hiệu quả.
Yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi trong sản xuất ở đây là ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện nay, toàn xã có hàng chục máy làm đất, máy tuốt, máy xay xát… giúp cho việc sản xuất lúa của bà con nơi đây thuận lợi hơn bao giờ hết.
Tương tự, tại xã Nâm N’đir, những năm qua, chính quyền địa phương cũng nỗ lực giúp người dân thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng và đạt những kết quả nhất định. Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, một hộ làm lúa trong xã, hiện có 3 sào lúa nước.
Những năm trước đây, do sử dụng lao động thủ công trong việc làm đất nên tốn rất nhiều công và mất thời gian, thậm chí có những vụ không làm đất kịp khiến cho ruộng lúa phát triển kém, năng suất lúa bị giảm khá nhiều. Nhưng những năm qua, gia đình ông và 10 hộ khác trong xã được hỗ trợ 1 chiếc máy cày đa năng đã giúp gia đình ông thuận lợi hơn trong việc làm đất.
Theo tính toán của ông Tiến, với việc sử dụng máy cày đa năng thì một lao động có thể làm được từ 2 đến 3 sào đất trong vòng một buổi. Còn trước đây thì gia đình phải huy động hàng chục người để cuốc, bừa 2-3 ngày mới có thể xuống giống được.
Ngoài các hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ máy móc nông cụ sản xuất của Nhà nước thì trên địa bàn huyện Krông Nô có nhiều hộ gia đình đủ điều kiện đã đầu tư máy cày công suất lớn, máy gặt đập liên hợp, máy tách hạt ngô… hoạt động theo hình thức dịch vụ đã giúp người dân thuận lợi hơn trong các khâu làm đất, thu hoạch.
Ông Nguyễn Thành Trung ở thôn Xuyên Tân, xã Đức Xuyên cho biết: “Nếu trước đây, 1 ha lúa phải huy động khoảng 45 người gặt trong một ngày thì bây giờ, với một chiếc máy gặp đập liên hợp chỉ cần một buổi là gặt xong”.
Hiện nay, ở các xã như Đức Xuyên, Buôn Choáh, Nâm N'đir… có rất nhiều hộ chỉ bố trí một công lao động là có thể đảm đương được 1 ha ruộng, số người còn lại trong gia đình đi làm việc khác.
Tuy nhiên, mặc dù việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã đạt một số kết quả nhất định nhưng hiện nay do quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, tính hợp tác của nông dân còn thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu tư các loại máy có công suất lớn.
Do đó, trong thời gian tới, từ kết quả cánh đồng mẫu lớn tại xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô sẽ kiến thiết lại đồng ruộng, hoàn thành các vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung. Huyện cũng củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo điều kiện để các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp đủ năng lực làm nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản…
Related news

Tương tự, tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) - địa bàn có diện tích khóm lớn nhất ĐBSCL với hơn 14.000ha, giá khóm hiện chỉ dao động ở mức 1.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá 3.000 - 3.500 đồng/kg cuối tháng trước, do đang vào thu hoạch vụ chính.

Với xuất phát điểm thấp, các ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Hậu Giang còn lạc hậu so với các địa phương khác. Cả tỉnh có trên 4.224 cơ sở CNNT, nhưng đa số hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết trong sản xuất - tiêu thụ. Do vậy, công nghiệp nông thôn vẫn loay hoay chưa tìm ra chỗ đứng.

Trong sản xuất nông nghiệp, ông cha ta vẫn truyền nhau kinh nghiệm: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" đó là những điều kiện không thể thiếu để đạt năng suất cao.

Dự báo, năng suất chỉ đạt khoảng 50-60% so với năm ngoái. Ông Đỗ Văn Thành, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, cho hay: “Vào thời điểm để trái, thấy cây ra bông mà mừng trong bụng, vì nghĩ rằng năm nay sẽ trúng mùa. Nhưng không hiểu vì sao, tuy có ra bông nhưng số trái đậu rất thấp và trái bị rụng khá nhiều, mặc dù đã không ít lần xịt thuốc phòng chống sâu bệnh”.

Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là hướng đi đang được thôn Dương Đàn, xã Tam Dân triển khai nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.