Kinh Nghiệm Nuôi Cá Rô Phi Xuất Khẩu Ở Gia Bình
Năm 2003, được sự giúp đỡ của Trung tâm KN tỉnh Bắc Ninh, huyện Gia Bình được chọn là đơn vị làm thử mô hình nuôi cá rô phi xuất khẩu.
Qua gần 5 tháng nuôi dưỡng ngày 1/10/2003, phòng kinh tế huyện Gia Bình cùng với Trung tâm KN tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo, tham quan đầu bờ ở gia đình ông Trọng thôn Ngăm Mạc xã Lãng Ngâm huyện Gia Bình, với trên 100 đại biểu tỉnh, huyện, xã có các chi hội và các chủ hộ nuôi cá rô phi. Sau khi tham quan thực tế và nghe các gia đình báo cáo trao đổi thảo luận, bước đầu rút ra kinh nghiệm về việc nuôi cá rô phi xuất khẩu.
Sau đây xin giới thiệu kinh nghiệm nuôi cá của ông Trọng ở thôn Ngăm Mạc xã Lãng Ngâm:
Chọn địa điểm nuôi cá rô phi
– Ao ông chọn một ao nuôi cá cũ, có diện tích 1 mẫu Bắc bộ, ao có độ sâu nước 1,4m, một mặt có dân ở, ba mặt tiếp giáp với ruộng đồng, có nguồn nước từ sông bơm vào. Xung quanh bờ ao trồng chuối.
– Ao được tát cạn nước, dọn sạch cây cỏ ven bờ, tu bổ lại bờ cống, trang phẳng đáy, rắc 50 –60kg vôi/sào diệt cá tạp, tháo nước vào sâu 1 –1,2m chờ cá về thả.
Thả giống
Cá giống nuôi là cá rô phi đơn tính của Trung Quốc nhập về ương tại trại Sông Cầu. Do trung tâm khuyến nông cung ứng cho.
Cá giống thả cỡ 2000 con/kg, khỏe mạnh, đều con, không sây sát bệnh tật. Cá thả ngày 9/4/2003 cá rô phi là chủ yếu 80%, còn 10% là trắm cỏ, cá chép; 10% cá trôi. Mật độ thả 1,5 con/m2. Tổng số lượng thả 10.000 con.
Thức ăn và cách cho ăn
– Cá được nuôi bằng cám Con cò do hãng Việt – Pháp SX và cung ứng, cám viên bằng hạt đỗ nhỏ, có 18% đạm, cám nổi trên mặt nước 4 – 6 tiếng đồng hồ mới chìm.
– Ngày cho ăn 2 buổi vào 7 – 8 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều, lượng thức ăn hàng ngày bằng 6 – 7% trọng lượng cá trong ao. Căn cứ vào thức ăn cho ăn hết hay còn mà tăng hoặc giảm lượng thức ăn. Thức ăn được rắc làm 2 – 3 điểm trên mặt ao, rắc xuôi theo chiều gió để tránh thức ăn trôi dạt vào bờ.
– Thức ăn chủ yếu là cám Con cò, ngoài ra cá tận dụng thức ăn tự nhiên, không cho ăn gì khác.
Chăm sóc thu hoạch
– Cá nuôi được chăm sóc cho ăn đầy đủ, bờ cống được kiểm tra thường xuyên không để rò rỉ ngăn cá đi.
– Có nhà coi cá, kiểm tra quanh ao ngăn ngừa người câu bắt.
– Cá nuôi kiểm tra lần thứ nhất sau gần 3 tháng, cá đạt 0,3kg/con. Lần thứ 2 kéo được trên 200kg, bắt lên cân 20 con, phân loại 70% cá đạt cỡ 0,5kg/con còn 30% cá chưa đạt. Cá béo khỏe, bầu con.
Tạm thời hạch toán
– Qua kéo lưới kiểm tra ước tỷ lệ sống 60%, năng suất ước đạt 4.800kg/ha thì tổng thu đạt 62.708.000đ, tổng chi là 26.000.000đ, trong đó chi riêng tiền thức ăn mua cám Con cò đã chiếm 12.000.000đ. Lãi dự kiến là 36.000.000đ. Giá thành 1 kg cá thịt là 5.320đ.
Nhận xét bước đầu
– Việc nuôi cá rô phi xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc có thể nuôi từ tháng 4 đến tháng 11 thu hoạch xuất khẩu tránh rét. Song phải chủ động SX được giống cá rô phi cung ứng cho người nuôi càng sớm càng tốt, cỡ cá giống càng to càng tốt (100 – 200 con/kg). Phải nuôi chủ yếu là cá rô phi chiếm 70 – 80%, còn ghép thêm 20 – 30% cá chép lai, cá trắm, trôi. Thức ăn phải đầu tư thực sự là cám có 18% đạm cho ăn theo định kỳ từ nhỏ đến lớn, có kết hợp tận dụng một ít thức ăn sẵn có ở địa phương.
Để mở rộng được việc nuôi cá rô phi xuất khẩu cần sớm có cơ quan chăm lo việc ký kết hợp đồng với người nuôi hội nghề cá, tổ chức nhóm chăm lo dịch vụ giống cá bằng 2 cách: Nhận cá đẻ vụ thu về ương giữ cá qua đông cung ứng cho hội viên nuôi sớm cuối tháng 2 đầu tháng 3, số còn lại hợp đồng nhận từ cơ sở ương nhận từ Trung Quốc về: Dịch vụ thức ăn và thu gom sản phẩm giao trả cho cơ quan xuất khẩu .
Related news
Cá rô phi có nguồn gốc nhiệt đới. Đến nay đã biết được có khoảng gần 100 loài cá rô phi, trong đó khoảng 10 loài có giá trị kinh tế.
Ao nuôi cá phải nằm trong vùng được quy hoạch cho nuôi thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Cá thường mắc một số bệnh trong khi nuôi thương phẩm như ký sinh trùng, nấm, nhiễm khuẩn hoặc dinh dưỡng.
Cá rô phi vằn nuôi trong ao thành thục sinh dục sau 4-5 tháng tuổi và trọng lượng cá đạt trung bình 100- 150 g/con (cá cái).
Trong khi nuôi vỗ cá bố mẹ và ương nuôi cá con, không sử dụng phân bón hữu cơ chưa qua xử lý và các hóa chất, kháng sinh bị cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản.